Hà Giang

Đối ngoại nâng vị thế, uy tín Hà Giang trên trường quốc tế - Kỳ 1: Hợp tác toàn diện với các tỉnh biên giới Trung Quốc

09:07, 04/07/2022

BHG - Thực hiện đồng bộ 3 trụ cột trong chiến lược ngoại giao theo Nghị quyết XIII của Đảng là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh Hà Giang trên trường quốc tế. Những thành tựu kết tinh từ công tác đối ngoại không chỉ giúp Hà Giang - mảnh đất biên cương nơi cực Bắc Tổ quốc huy động nguồn lực bên ngoài, phục vụ sự phát triển toàn diện, bền vững mà còn đóng góp tích cực giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Tỉnh Hà Giang tiếp nhận vật tư, y tế phòng, chống dịch Covid - 19 do các địa phương Trung Quốc trao tặng.
Tỉnh Hà Giang tiếp nhận vật tư, y tế phòng, chống dịch Covid - 19 do các địa phương Trung Quốc trao tặng.

Hà Giang là địa phương duy nhất trong các tỉnh biên giới phía Bắc tiếp giáp với hai địa phương của Trung Quốc là tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, với tổng chiều dài đường biên giới trên 277 km, có 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và 13 lối mở, đường qua lại trên toàn tuyến biên giới. Thực hiện chiến lược ngoại giao của Đảng, Nhà nước, tỉnh Hà Giang đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo xây dựng mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với các địa phương đối đẳng, qua đó thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương và đảm bảo AN - QP.

Nghĩa tình biên giới

Cụm dân cư biên giới các xã Thanh Thủy, Minh Tân, Thanh Đức (Vị Xuyên) là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Mông, Dao, Tày. Để vun đắp và giữ gìn mối quan hệ truyền thống, gắn bó giữa cư dân biên giới của Việt Nam với nhân dân nước láng giềng, năm 2018, hai cụm dân cư biên giới xã Thanh Thủy, Minh Tân, Thanh Đức, huyện Vị Xuyên (Việt Nam) và trấn Thiên Bảo, Malypho, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã ký kết nghĩa.

Sự kiện kết nghĩa có ý nghĩa quan trọng trong đường lối ngoại giao nhân dân của tỉnh. Thông qua kết nghĩa, nhân dân hai bên cùng nhau xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị; chấp hành nghiêm 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc; thường xuyên thăm hỏi, giao lưu văn hóa, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giữ gìn môi trường sinh thái; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các loại tội phạm qua biên giới. Anh Bồn Văn Thạy, Trưởng thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy chia sẻ: “Việc ký kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân 2 nước cùng chung sống hòa bình, giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hoá, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức bảo vệ an ninh biên giới, hạn chế tình trạng lao động tự do qua biên giới”.

Nối tiếp kết quả trên, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức ký kết hữu nghị 14 cụm cho 34/34 xã, thị trấn biên giới của Việt Nam với 11 hương, trấn phía Trung Quốc; 6 huyện biên giới của tỉnh ký kết nghĩa với các huyện, thành phố phía Trung Quốc; 12/12 Đồn Biên phòng của tỉnh ký kết nghĩa “Đồn - Trạm hữu nghị, biên giới bình yên” với các Trạm Biên phòng đối đẳng Trung Quốc. Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: “Thông qua kết nghĩa giữa đơn vị với Trạm Kiểm soát biên phòng Xuất, nhập cảnh Thiên Bảo (Trung Quốc), từ năm 2012 đến nay, hai bên đã trao đổi 1.456 thư, hội đàm 322 lượt; giao lưu chính trị 1 lượt; trao đổi đột xuất 107 lượt, điện đàm 144 cuộc, tuần tra song phương 31 lượt; 2 bên trao trả 384 lần/2.693 công dân.

Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhân dân 2 bên biên giới không chỉ phối hợp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới mà còn hỗ trợ vật tư y tế để cùng nhau chống dịch; góp phần tô thắm tình láng giềng hữu nghị giữa các địa phương 2 nước. Trong đó, các địa phương Trung Quốc tích cực hỗ trợ và trao tặng cho tỉnh Hà Giang nhiều đợt vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 với tổng giá trị hơn 42 tỷ đồng; tỉnh Hà Giang trao tặng vật phẩm cho Trung Quốc 1 lượt/5.000 chiếc khẩu trang y tế...

Hợp tác toàn diện

Từ năm 1991 đến nay, Hà Giang đã duy trì kết nối, triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác toàn diện với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây theo đúng quan điểm, tinh thần thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất, từng bước tiến tới hợp tác chiến lược, toàn diện giữa hai địa phương.

Hiện nay, Hà Giang là thành viên tích cực tham gia vào các cơ chế cấp T.Ư giữa hai nước. Đồng thời, cùng với các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam thiết lập nhiều cơ chế hợp tác song phương, đa phương hiệu quả với các địa phương Trung Quốc, như: Gặp mặt đầu Xuân giữa Bí thư 4 tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng (Việt Nam) và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); Hội đàm định kỳ giữa Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và Bí thư Châu ủy Văn Sơn; Hội nghị Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng (Việt Nam) và khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch Covid - 19, các địa phương đã linh hoạt thay đổi phương thức trao đổi, hợp tác từ trực tiếp sang trực tuyến và thiết lập được cơ chế Hội đàm định kỳ giữa Bí thư 4 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương 2 bên cũng thiết lập và triển khai cơ chế hội đàm, giao lưu trao đổi thông tin định kỳ.

Thông qua các cơ chế trên đã đưa quan hệ hợp tác giữa Hà Giang và các địa phương đối đẳng đi vào chiều sâu với những thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật trong đó có thể kể đến công tác quản lý biên giới: Hai bên cùng thực hiện nghiêm các văn kiện pháp lý về biên giới, thiết lập và duy trì cơ chế hội đàm, phối hợp phòng, chống tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Về kinh tế, các cửa khẩu, lối mở được quan tâm, đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu hợp tác thương mại, trao đổi hàng hóa của doanh nghiệp và nhân dân; một số doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác với tỉnh Hà Giang trong các lĩnh vực khai khoáng, thi công thủy điện, cung ứng thiết bị công nghiệp, mua bán điện, kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu từ năm 2015 đến nay đạt 2,548 tỷ USD. Các cơ quan quản lý du lịch hai bên thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi, khảo sát, nghiên cứu mở tour du lịch qua lại.

Năm 2019, lần đầu tiên tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang tại tỉnh Vân Nam, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc. Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang và Khu danh thắng Thạch Lâm của Vân Nam ký Thỏa thuận thiết lập quan hệ Công viên hữu nghị. Đặc biệt, thực hiện thỏa thuận về quản lý lao động qua biên giới đã ký giữa tỉnh Hà Giang với châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam và thành phố Bách Sắc, Quảng Tây; từ năm 2014 đến nay, tỉnh ta đã đưa hơn 2.000 lượt lao động là cư dân các huyện biên giới sang làm việc theo thỏa thuận tại các huyện biên giới của châu Văn Sơn, góp phần giảm thiểu số lượng lao động tự do, lao động thời vụ tại khu vực biên giới hai bên.

Không dừng ở kết quả trên, từ năm 2011 đến nay, chính quyền Quảng Tây còn cung cấp cho tỉnh Hà Giang 158 suất học bổng toàn phần; mỗi năm tỉnh Hà Giang cung cấp 2 suất học bổng toàn phần cho học sinh thành phố Bách Sắc (Quảng Tây) sang học tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 địa phương.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN – THU PHƯƠNG – LÊ HẢI

Kỳ 2:  Quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các nước phương Tây phong tỏa 330 tỷ USD tài sản của Nga
Lực lượng đặc nhiệm đa phương REPO đã phong tỏa 30 tỷ USD tài sản của các nhà tài phiệt và quan chức Nga, đồng thời đóng băng 300 tỷ USD thuộc sở hữu của ngân hàng trung ương Nga.
30/06/2022
Hội nghị thượng đỉnh G7: Tái khẳng định các mục tiêu bảo vệ khí hậu
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) nhóm họp tại lâu đài Elmau, thuộc bang Bavaria (Bayern), miền nam Đức, đã nhất trí cùng đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu, đồng thời bảo đảm cho vấn đề an ninh năng lượng.
29/06/2022
G7 công bố dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra ở Đức, các nhà lãnh đạo G7 ngày 26/6 đã công bố dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ trên toàn thế giới.
27/06/2022
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật an toàn súng đạn quan trọng nhất 3 thập kỷ
Ngày 24/6 (rạng sáng 25/6 theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật súng đạn quan trọng, trong bối cảnh dư luận Mỹ thời gian gần đây rúng động vì các vụ xả súng đẫm máu.
25/06/2022