Anh sẽ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-15 tuổi

08:22, 14/09/2021

Anh mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em 12-15 tuổi, do lo ngại số ca nhiễm bùng phát khi mở cửa trường học.

Nhân viên y tế chuẩn bị một liều vaccine Covid-19 tại Blackburn, Anh, hồi tháng 5.
Nhân viên y tế chuẩn bị một liều vaccine Covid-19 tại Blackburn, Anh, hồi tháng 5.

"Tôi đã chấp thuận đề xuất từ các quan chức y tế nhằm mở rộng chương trình tiêm chủng cho nhóm cư dân 12-15 tuổi, nhằm bảo vệ trẻ em khỏi Covid-19, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong trường học và giúp học sinh được đến trường", Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nói hôm qua.

Anh đang là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 7.256.559 ca nhiễm và 134.261 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 30.825 và 61 ca trong 24 giờ qua.

Bất chấp chiến dịch tiêm chủng vaccine thành công, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở nước này vẫn ở mức cao do biến chủng Delta. Giới chức Anh lo ngại nguy cơ số ca nhiễm bùng phát khi học sinh đến trường sau kỳ nghỉ hè. Hoạt động tiêm chủng sẽ được tổ chức tại trường học, với sự đồng ý của phụ huynh hoặc người giám hộ, đặt mục tiêu tiêm chủng cho 3 triệu trẻ em trong thời gian tới.

Dù hiếm khi mắc bệnh nặng, nhóm thanh thiếu niên vẫn có thể nhiễm virus và lây cho ông bà, bố mẹ, làm tăng nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, đặc biệt với biến chủng Delta.

Chính phủ Anh hồi tháng 7 nói trẻ em từ 12 tuổi chỉ được tiêm chủng nếu đang có bệnh lý nền hoặc sống cùng thành viên gia đình dễ bị tổn thương trước Covid-19. Tháng 8, Anh thay đổi quan điểm sau khi Ủy ban chung về Tiêm chủng và Miễn dịch (JCVI), hội đồng khoa học cố vấn cho chính phủ, lưu ý rằng virus đang lây lan mạnh trong nhóm người trẻ.

Hội đồng khuyến nghị những người 16-17 tuổi khỏe mạnh nên được nhanh chóng tiêm ít nhất một liều như một cách tiếp cận phòng ngừa. Tuy nhiên, JCVI vẫn từ chối "bật đèn xanh" tiêm chủng cho nhóm tuổi 12-15.

Tình hình Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, với ca nhiễm và tử vong tăng lần lượt 396.543 và 6.449 trong 24 giờ qua. Thế giới đã ghi nhận tổng cộng 225.895.684 ca nhiễm nCoV và 4.646.695 ca tử vong, trong khi 200.833.036 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Israel, quốc gia có dân số 5 triệu người, hiện ghi nhận 352.447 ca nhiễm và 5.092 ca tử vong.

Khảo sát trên gần 14.000 trẻ em và thanh thiếu niên độ tuổi 3-18 của Bộ Y tế Israel công bố hôm 13/9 cho thấy 11,2% số người dược hỏi vẫn còn các triệu chứng dai dẳng của Covid-19 sau khi phục hồi. Con số này giảm xuống còn 1,8-4,6% trong vòng 6 tháng sau khi được chữa khỏi, trong đó thanh thiếu niên hứng chịu nhiều triệu chứng hơn.

Đến nay vẫn chưa có nhiều dữ liệu về ảnh hưởng của nCoV với trẻ em và thanh thiếu niên, vốn ít gặp nguy cơ biến chứng nặng như người lớn. Bộ Y tế Israel không đề cập đến vaccine hay tác động của vaccine với các triệu chứng.

Israel, chủ yếu sử dụng vaccine Covid-19 của hãng dược Pfizer, đến nay đã tiêm mũi thứ ba cho khoảng 2,8 triệu dân sau khi khởi động chiến dịch này hồi tháng 8. Các quan chức y tế lo ngại vaccine Covid-19 sẽ mất dần hiệu quả 5 tháng sau tiêm, nên cần tiêm mũi tăng cường.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết đang tích cực tìm nguồn vaccine Covid-19. Tuy nhiên, nguồn cung vaccine còn hạn chế nên Việt Nam mới tập trung tiêm chủng cho nhóm ưu tiên và người từ 18 tuổi trở lên. Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn mới khi có thêm vaccine và dự kiến đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách đối tượng tiêm cụ thể, trong đó có người dưới 18 tuổi.

Singapore, hôm qua ghi nhận 607 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong vòng một năm qua, nâng tổng số người nhiễm lên 71.687, trong đó 58 người đã chết.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh nước này đang mở cửa từng bước sau khi hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ và đang tăng cường xét nghiệm để sớm phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng.

Ủy ban công tác chống Covid-19 Singapore (MTF) lưu lý làn sóng lây nhiễm hiện tại bắt đầu từ ngày 23/8, trong đó lần đầu nước này ghi nhận con số nhiễm mới tăng theo cấp số nhân trong cộng đồng là hôm 12/9. Số ca nhiễm theo ngày tăng trung bình từ 76 ca trong hai tuần trước lên 288 ca mỗi ngày trong tuần qua.

"Dù tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta đã vượt qua nhiều nước khác và nằm trong số những nước bao phủ vaccine cao nhất thế giới, chúng ta vẫn cần đảm bảo số ca nhiễm mới không tăng đột biến, khiến số ca bệnh nghiêm trọng tăng cao và làm quá tải hệ thống y tế", đồng chủ tịch MTF kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong nói trong hội nghị trực tuyến ngày 11/9.

Ông cho hay 2-4 tuần tiếp theo là giai đoạn rất quan trọng với Singapore vì giới chức muốn tìm hiểu liệu bệnh nhân gặp các triệu chứng nặng hay không.

Theo vnexpress.net


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ấn Độ hy vọng sớm trở lại "đường đua" xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19

Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hiện đang sản xuất khoảng 150 triệu liều vaccine AstraZeneca mỗi tháng, nhiều hơn gấp hai lần so với mức sản lượng hồi tháng 4. Sản lượng vaccine COVID-19 ngày càng tăng và hơn một nửa dân số trưởng thành của Ấn Độ đã được tiêm ít nhất một liều đang làm dấy lên hy vọng nước này sẽ sớm trở lại "đường đua" xuất khẩu vaccine trong vòng vài tháng tới.

31/08/2021
Thuyền viên tàu chở hàng Việt Nam mất tích trên vùng biển Hàn Quốc

Thuyền viên B (42 tuổi) lên tàu chở hàng khởi hành đi Nam Thái Bình Dương từ vùng biển ngoài khơi Busan vào khoảng 7h30 sáng 28/8, nhưng đến sáng hôm sau không phát hiện ông B trên tàu. Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tờ Segye Ilbo và trang mạng busanmbc.co.kr của Hàn Quốc ngày 29/8 đưa tin một thuyền viên mất tích trên tàu chở hàng của Việt Nam khởi hành từ cảng Busan (Hàn Quốc) và lực lượng cảnh sát biển nước này đang tích cực tìm kiếm thủy thủ trên.

30/08/2021
Thế giới trong 24 giờ: Số ca nhiễm Covid-19 vẫn cao hơn số ca khỏi

Theo số liệu trang Worldometers.info, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 541.787 ca nhiễm Covid-19, đồng thời cũng ghi nhận số ca khỏi bệnh ở mức 485.344 ca. Chênh lệnh ca nhiễm mới và khỏi ở mức trên 56 nghìn ca.

 

29/08/2021
Tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết khủng hoảng y tế toàn cầu

Ngày 12/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết khủng hoảng y tế toàn cầu, giảm bớt tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng. Trong thông điệp nhân Ngày Hợp tác Nam - Nam của LHQ, được tổ chức vào ngày 12/9 hàng năm, ông Guterres nêu rõ: "Chúng ta cần sự hợp tác quốc tế sâu rộng hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, giảm bớt nghèo đói và sự bất bình đẳng, cũng như để đạt được các Mục tiêu về Phát triển bền vững và ngăn chặn thiên tai".

 

14/09/2021