Hàng triệu liều vaccine Mỹ sắp hết hạn

08:40, 09/06/2021

Cơ quan y tế và bệnh viện Mỹ chạy đua để tìm cách sử dụng hết hàng triệu liều vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson sẽ hết hạn tháng này.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở Chicago, Illinois, hôm 8/6.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở Chicago, Illinois, hôm 8/6.

Chính phủ Mỹ hồi tháng 4 quyết định tạm thời ngừng tiêm các liều vaccine Covid-19 do hãng Johnson & Johnson sản xuất để đánh giá nguy cơ đông máu hiếm gặp ở loại vaccine này. Điều này chính là một phần nguyên nhân khiến hàng triệu liều vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson (J&J) chưa được sử dụng và sẽ hết hạn trong tháng này.

Các bệnh viện và cơ quan y tế công cộng Mỹ đang nhanh chóng khởi động các chương trình đặc biệt để khuyến khích tiêm vaccine J&J trước khi chúng hết hạn. Một số cơ quan y tế đã phân phối lại các liều vaccine J&J ra bên ngoài và gửi chúng đến nhà thuốc, phòng khám tư hoặc các bang khác.

Những nỗ lực này dường như khó thành công do chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ đang chững lại trên toàn quốc, trong khi hầu hết các bang cũng dư thừa nhiều lô vaccine Covid-19 sắp hết hạn của các hãng dược khác.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, chỉ hơn một nửa trong số 21,4 triệu liều vaccine J&J được sử dụng, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 83% của Moderna hay Pfizer.

Johnson & Johnson trữ lạnh các liều vaccine Covid-19 trước khi bàn giao cho chính phủ. Người phát ngôn của công ty cho biết vaccine sau đó có thể được bảo quản lạnh trong ba tháng và các nhà sản xuất đang nghiên cứu liệu có thể kéo dài thời hạn sử dụng chúng hay không. Nhiều loại thuốc và vaccine có thể vẫn hiệu quả sau khi hết hạn, song sẽ dần mất tác dụng.

Các cơ quan y tế địa phương và quan chức bệnh viện cho biết hướng dẫn từ các chính quyền bang và CDC là tiêu hủy hoặc không sử dụng các liều vaccine Covid-19 hết hạn. CDC hiện chưa bình luận về thông tin này.

Việc vaccine Covid-19 hết hạn ở Mỹ trong khi nhiều nước đang khao khát tiêm chủng sẽ gây thêm áp lực cho chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc chia sẻ vaccine dư thừa.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 7/6 cho biết nước này sẽ hoàn tất việc chia sẻ 80 triệu liều vaccine Covid-19 dư thừa cho thế giới vào cuối tháng sau. Blinken khẳng định Mỹ muốn đảm bảo mọi liều vaccine Covid-19 nước này chia sẻ cho các quốc gia phải "an toàn và hiệu quả".

Hơn một nửa người trưởng thành tại Mỹ đã tiêm vaccine đầy đủ, song mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số nước này trước ngày quốc khánh 4/7 do Tổng thống Biden đề ra đang chững lại ngay trước vạch đích.

Nhiều khảo sát cho thấy khoảng 1/3 người Mỹ chần chừ tiêm chủng vì muốn quan sát thêm hiệu quả của vaccine, trong khi một số người không tiêm vì cho rằng đại dịch đang dần biến mất ở Mỹ. Nước này hiện ghi nhận hơn 34,2 triệu ca nhiễm và hơn 610.000 ca tử vong do nCoV.

Theo vnexpress.net


Cùng chuyên mục

ASEAN và Liên minh châu Âu đối thoại về vaccine ngừa COVID-19

ASEAN và Liên minh châu Âu thảo luận về sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, việc mở rộng năng lực sản xuất vaccine, khả năng và thách thức liên quan. Tại Đối thoại chuyên gia lần thứ 2 về vaccine ngừa COVID-19 vừa diễn ra, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, việc mở rộng năng lực sản xuất vaccine, khả năng và thách thức liên quan.

31/05/2021
Phát hiện mới về loại thuốc có thể thách thức các biến thể SARS-CoV-2

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát hiện ra một loại thuốc có thể là công cụ "thách thức cuộc chơi" trong việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, trong đó bao gồm cả các biến thể SARS-CoV-2.

30/05/2021
Malaysia phong tỏa toàn quốc

Malaysia đóng cửa tất cả lĩnh vực kinh tế và xã hội từ ngày 1/6 và dự kiến áp phong tỏa theo giai đoạn, trong bối cảnh ca nhiễm tăng kỷ lục. "Quyết định được đưa ra sau khi xem xét tình hình lây nhiễm hiện tại ở Malaysia, khi số ca ghi nhận trong một ngày vượt 8.000, số ca đang điều trị vượt 70.000", Văn phòng Thủ tướng Muhyiddin Yassin ngày 28/5 ra thông cáo.

 

29/05/2021
Nhiều quốc gia thiếu ôxy y tế: Cần một chiến lược lâu dài, toàn diện

Trước tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh tại nhiều quốc gia, các chuyên gia cảnh báo, tình trạng thiếu ôxy trong điều trị có thể đẩy hệ thống y tế của nhiều nước xuống "bờ vực", đồng thời đe dọa sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân. Để bảo đảm nguồn cung ôxy y tế, chính phủ các nước cần sớm có chiến lược lâu dài, toàn diện về loại vật tư y tế thiết yếu này.

28/05/2021