Hà Giang

Vaccine Covid-19 và hai xu hướng trái ngược trên thế giới

08:22, 21/05/2021

Loại vaccine mà một quốc gia lựa chọn có thể quyết định liệu quốc gia đó có sớm quay trở lại trạng thái bình thường hay không.

Các lọ vaccine Covid-19 của AstraZeneca tại một điểm trưng bày ở Paris, Pháp tháng 3/2021.
Các lọ vaccine Covid-19 của AstraZeneca tại một điểm trưng bày ở Paris, Pháp tháng 3/2021.

 

Trong bối cảnh hàng trăm triệu người trên thế giới đã được tiêm vaccine phòng chống Covid-19, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, sự bùng phát dịch bệnh sẽ được ngăn chặn ở những nơi có phần lớn dân số được tiêm chủng. Nhưng điều này không xảy ra ở mọi nơi.

Hai xu hướng trái ngược

Thay vì đó, có hai xu hướng đang nổi lên: Ở những quốc gia như Israel, số ca mắc mới Covid-19 đang giảm mạnh khi chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, trong khi ở những nơi khác như Seychelles – quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, số ca mắc tiếp tục gia tăng thậm chí lên tới những cột mốc mới.

Nguyên nhân dẫn đến sự đối lập này có thể nằm ở loại vaccine được sử dụng. Bằng chứng thu được từ các đợt triển khai tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu cho thấy vaccine mRNA – sử dụng một mảnh nhỏ mã di truyền của virus, do Moderna hay Pfizer & BioNTech phát triển, có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa lây nhiễm và giảm làn sóng dịch bệnh tiếp theo. Các loại vaccine khác dù rất hữu hiệu trong việc ngăn chặn bệnh diễn tiến xấu hơn hoặc ngăn ngừa trường hợp tử vong do Covid-19, nhưng lại không có hiệu quả tương đương như vaccine RNA ở khía cạnh trên.

Ông Nikolai Petrovsky giáo sư trường Y khoa và Y tế Công cộng thuộc Đại học  Flinders, Australia cho biết: “Có một xu hướng ngày càng gia tăng là, sẽ có nhiều quốc gia bắt đầu nhận thấy một số loại vaccine tốt hơn một số loại khác. Dù tâm lý chung vẫn là “thà tiêm vaccine còn hơn không”, nhưng họ sẽ thấy một số loại có ít hiệu quả hơn trong ngăn chặn dịch bệnh lây lan dù chúng giúp làm giảm ca bệnh nặng hoặc nguy cơ tử vong”.  

Việc nghiên cứu hàng triệu người đang được tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech tại Israel cho thấy, vacvine mRNA giúp ngăn chặn hơn 90% số ca bệnh không triệu chứng.

 

Raina MacIntyre, một nhà dịch tễ học tại Đại học New South Wales ở Australia đánh giá, điều này rất quan trọng, bởi vì khả năng ngăn chặn các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không triệu chứng của vaccine đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được khi virus không tìm thấy bất cứ vật chủ dễ tổn thương nào để phát triển và lây lan.

Vaccine nào hiệu quả hơn?

Loại vaccine mà một quốc gia lựa chọn có thể ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, từ quy định đeo khẩu trang, giãn cách xã hội đến dỡ bỏ lệnh phong tỏa, mở cửa biên giới và phục hồi nền kinh tế, cũng như quyết định liệu quốc gia đó có thể sớm trở về trạng thái bình thường như thời điểm trước khi dịch bệnh diễn ra hay không.

Tại Mỹ, gần 40% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ, chủ yếu sử dụng vaccine mRNA và số ca mắc mới theo ngày tại quốc gia này đã giảm hơn 85% trong 4 tháng qua. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đầu tháng 5 cho biết, những người đã được tiêm phòng đầy đủ có thể không cần đeo khẩu trang hoặc hạn chế giãn cách xã hội.

Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại Israel, nơi tiêm phòng đầy đủ cho gần 60% dân số bằng vaccine của Pfizer-BioNTech. Nước này đã dần dỡ bỏ các hạn chế khi số ca mắc mới giảm xuống dưới 50 ca mỗi ngày. Qatar và Malta cũng đang giảm số ca mắc mới sau khi tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 30% dân số, chủ yếu dùng vaccine mRNA.

Tuy nhiên, việc bảo quản và phân phối vaccine mRNA vô cùng phức tạp, bởi chúng cần được tích trữ ở nhiệt độ cực thấp (-70 độ C). Điều này hạn chế khả năng tiếp cận của những quốc gia có sơ sở hạ tầng cơ sở yếu kém.  

Đây cũng là lý do nhiều nước lựa chọn sử dụng vaccine được sản xuất theo cơ chế vector, tức là sử dụng toàn bộ virus đã bị giảm độc lực hoặc bất hoạt, chẳng hạn như vaccine của AstraZeneca (Anh), hay vaccine của Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc). AstraZeneca đã chứng minh hiệu quả tại Anh, giúp làm giảm 65% số ca mắc.

Trái lại, Chile dù thực hiện đều đặn hoạt động tiêm chủng và đã tiêm phòng đầy đủ cho 30% dân số nhưng số ca mắc mới theo ngày ở nước này vẫn tăng gần gấp đôi vào giữa tháng 4 so với thời điểm giữa tháng 3, khiến nhà chức trách phải tái áp đặt lệnh phong tỏa. Chile sử dụng phần lớn vaccine của Sinopharm.

Seychelles đã tiêm phòng đầy đủ cho 65% dân số bằng vaccine của AstraZeneca và Sinopharm. Tuy nhiên, số ca mắc mới theo tuần vẫn tăng chóng mặt trong tháng 5. Bộ Y tế Seychelles hôm 10/5 cho biết, số ca mắc Covid-19 đã tăng hơn gấp 2 lần kể từ tuần trước đó, lên đến 2.468 ca, mặc dù 37% bệnh nhân trong số này đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine.  Làn sóng dịch bệnh mới khiến nhà chức trách phải đóng cửa các trường học, hoãn sự kiện thể thao và cấm tụ tập đông người. Được biết, trong số những người được tiêm phòng đầy đủ tại Seychelles, có 60% sử dụng vaccine Sinopharm và phần còn lại dùng vaccine của AstraZeneca.

Mối đe dọa biến thể mới

Có một thực tế rõ ràng là tất cả các loại vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp đều làm giảm tỷ lệ ca bệnh nặng hoặc ca tử vong do Covid-19. Điều này sẽ giúp giảm áp lực cho các bệnh viện và cơ sở y tế. Theo giới chức Seychelles, hầu hết số ca mắc mới Covid-19 tại nước này đều là những ca bệnh nhẹ.

Ông Helen Petousis-Harris, chuyên gia tiêm chủng tại Đại học Auckland đánh giá, đây là bước đi quan trọng đầu tiên với những quốc gia không có cơ hội tiếp cận vaccine mRNA. Sau khi sử dụng các loại vaccine sẵn có để giảm thiểu số ca bệnh nặng, các quốc gia này có thể ngăn chặn làn sóng mới của dịch bệnh bằng những loại vaccine ngăn ngừa lây nhiễm khác.

Còn giáo sư  Ben Cowling thuộc trường Y tế Công cộng Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, ở những nơi bùng phát các ca bệnh nhẹ, việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cũng có thể tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng: “Những nơi ít có khả năng chống lại sự lây nhiễm Covid-19 nhưng lại có thể giảm số ca mắc bệnh nặng, sẽ đạt được khả năng miễn dịch ở một mức độ cao hơn”.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều chưa rõ về cái gọi là tình trạng lây nhiễm bất thường ở những khu vực người dân đã được tiêm phòng đầy đủ, thậm chí sử dụng vaccine mRNA nhưng vẫn bị mắc bệnh. Hơn nữa, vẫn chưa thể đánh giá được hiệu quả của các loại vaccine khác nhau đối với các biến thể khác nhau của virus.

Những diễn biến tích cực ở Mỹ và Israel được ghi nhận trước khi hai quốc gia này bị ảnh hưởng bởi các biến chủng SARS-CoV-2 mới, nguy hiểm hơn như các biến chủng đã xuất hiện ở Brazil và Ấn Độ. Chuyên gia Petrovsky tại Đại học Flinders cho biết, ông luôn phải thận trọng khi đánh giá các dữ liệu về vaccine, bởi không có một nghiên cứu nào so sánh hiệu quả của các loại vaccine bằng cách đưa chúng ra thử nghiệm đồng thời với nhau.

Chuyên gia Helen Petousis-Harris cho rằng, để chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19, có thể cần phải phát triển các phiên bản mới của vaccine. Một số nhà phát triển vaccine đang nghiên cứu loại vaccine xịt mũi để ngăn virus bám vào đường hô hấp, từ đó chặn đứng sự lây nhiễm tại điểm nó xâm nhập./.

Theo vov.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đến 6 giờ 20/5, thế giới vượt 165,5 triệu ca nhiễm Covid-19

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 632.321 trường hợp mắc Covid-19 và 12.367 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 165,5 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,43 triệu người không qua khỏi.

20/05/2021
Hơn nửa triệu trẻ em ở Mỹ đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer

Gần một tuần sau khi được cấp phép sử dụng khẩn cấp, vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer đã được tiêm cho hơn nửa triệu trẻ em trong độ tuổi từ 12 tới 15 ở Mỹ.

19/05/2021
Lý do Mỹ chưa sẵn sàng chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 với các nước khác

Mua nhiều và không sử dụng đến cũng rất nhiều, song tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa chia sẻ bất kỳ liều vaccine ngừa COVID-19 nào cho các nước còn lại của thế giới. Dẫn dữ liệu được Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố, trang mạng Bloomberg cho biết hiện có trên 27 triệu liều vaccine của Moderna và 35 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech vẫn chưa được sử dụng tại quốc gia này. Thực trạng đã khiến nhiều tổ chức, cơ quan y tế trên toàn cầu lên tiếng kêu gọi Mỹ hãy chia sẻ những liều vaccine dư thừa này tới các quốc gia còn đang bị COVID-19 hoành hành như Ấn Độ.

18/05/2021
Bão Tauktae gia tăng cường độ, Ấn Độ tiếp tục hứng chịu thiệt hại

Trong đêm qua và sáng nay (17/5) bão Tauktae tiếp tục gia tăng cường độ, gây thêm nhiều thiệt hại cho một dọc ven biển phía Tây của Ấn Độ. Dự báo của cơ quan khí tượng Ấn Độ, bão Tauktae sẽ có thể đạt vận tốc cực đại lên tới 155- 165 km/h khi đổ bộ vào đất liền vào rạng sáng ngày mai 18/5.

17/05/2021