Hà Giang

Nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh mới ở châu Phi

15:07, 23/05/2021

Văn phòng khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 mới tại châu lục này do sự chậm trễ trong việc tiêm chủng. Mặc dù một số quốc gia châu Phi đi đầu trong việc triển khai tiêm vắc-xin, song “lục địa đen” chỉ chiếm 1% số liều vắc-xin được sử dụng trên thế giới. Chỉ khoảng một nửa trong số 37 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 mà châu Phi nhận được đã được sử dụng.

Người dân Nam Phi chờ nhận vắc-xin ngừa Covid-19.
Người dân Nam Phi chờ nhận vắc-xin ngừa Covid-19.

Hầu hết các nước tại châu Phi dựa vào nguồn vắc-xin của COVAX, chương trình do WHO xây dựng để bảo đảm các nước nghèo được tiếp cận công bằng với vắc-xin phòng Covid-19. Trong cơ chế này, Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) là nhà cung cấp vắc-xin AstraZeneca lớn nhất. Việc Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 dẫn đến nguồn cung cho cơ chế COVAX dần cạn kiệt, khiến các nước châu Phi lâm vào tình trạng thiếu vắc-xin nghiêm trọng. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng dịch (CDC) của châu Phi, vắc-xin AstraZeneca do SII sản xuất đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chống Covid-19 tại lục địa này. Hơn 20 nước ở châu Phi sử dụng vắc-xin AstraZeneca đều bị ảnh hưởng do không tìm được nguồn cung. Hiện tại chương trình COVAX đang cần gấp 20 triệu liều vắc-xin vào cuối tháng 6 tới để giảm thiểu sự thiếu hụt nguồn cung và đã kêu gọi sự chia sẻ từ các quốc gia giàu có đang dư thừa nguồn vắc-xin.

Việc hoãn cung cấp các liều vắc-xin Covid-19 do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất dành cho châu Phi, cũng như việc triển khai tiêm chủng vắc-xin chậm và sự xuất hiện của các biến thể mới làm gia tăng nguy cơ bùng phát một làn sóng dịch mới ở châu Phi. Có một thực tế đáng lo ngại là, các lô hàng vắc-xin đầu tiên đã chuyển giao tới 41 quốc gia châu Phi thông qua hệ thống COVAX, nhưng chín quốc gia tiêm chủng chưa đến một phần tư số liều nhận được và 15 quốc gia khác đã tiêm được 50% số liều nhận được. Cho rằng “thảm kịch ở Ấn Độ không được xảy ra ở châu Phi”, Giám đốc WHO khu vực châu Phi kêu gọi châu lục này nỗ lực và tận dụng tối đa tất cả liều vắc-xin đang có để tiêm chủng cho mọi người. WHO thông báo đã hợp tác với các chính phủ châu Phi để tăng cường tính an toàn của vắc-xin. Các quốc gia châu Phi đã đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt để bảo đảm vắc-xin đáp ứng ngưỡng an toàn, hiệu quả và đang theo dõi tác dụng phụ mà các loại vắc-xin gây ra. CDC châu Phi kêu gọi các nước thành viên nhanh chóng sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 đã được viện trợ, không để số vắc-xin này hết hạn.

Hiện các nước châu Phi vẫn đang tìm cách có đủ lượng vắc-xin để triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn. Thực tế là nhiều nước khu vực này vẫn đang phụ thuộc vào các nguồn vắc-xin được tài trợ thông qua COVAX. Với mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số châu lục, tức khoảng 750 triệu người vào cuối năm 2021, CDC châu Phi hoan nghênh việc Mỹ ủng hộ đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ về việc tạm thời miễn áp dụng nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định về các khía cạnh liên quan thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đối với vắc-xin ngừa Covid-19, để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vắc-xin mà không cần lo về bằng sáng chế. Giám đốc khu vực châu Phi của WHO ca ngợi đề xuất miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đối với châu lục này. Việc nới lỏng các quy định về quyền sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy việc sản xuất vắc-xin với chi phí rẻ hơn, qua đó giúp các nước nghèo, trong đó có nhiều nước châu Phi, vốn đang rất vất vả để có đủ vắc-xin tạo miễn dịch cộng đồng cho người dân.

Theo nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Israel, Palestine thiệt hại hàng trăm triệu USD vì 11 ngày xung đột

Nền kinh tế Israel và cơ sở hạ tầng của Palestine thiệt hại nặng trong những ngày giao tranh, chưa kể tới chi phí quân sự. Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza hôm qua thống nhất ngừng bắn. Hai bên không công bố chi phí cho hoạt động quân sự suốt 11 ngày giao tranh, trong khi nhiều thống kê cho thấy nền kinh tế và cơ sở hạ tầng cả hai phía đều chịu tổn thất nặng nề.

22/05/2021
Vaccine Covid-19 và hai xu hướng trái ngược trên thế giới

Loại vaccine mà một quốc gia lựa chọn có thể quyết định liệu quốc gia đó có sớm quay trở lại trạng thái bình thường hay không. Trong bối cảnh hàng trăm triệu người trên thế giới đã được tiêm vaccine phòng chống Covid-19, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, sự bùng phát dịch bệnh sẽ được ngăn chặn ở những nơi có phần lớn dân số được tiêm chủng. Nhưng điều này không xảy ra ở mọi nơi.

21/05/2021
Đến 6 giờ 20/5, thế giới vượt 165,5 triệu ca nhiễm Covid-19

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 632.321 trường hợp mắc Covid-19 và 12.367 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 165,5 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,43 triệu người không qua khỏi.

20/05/2021
Hơn nửa triệu trẻ em ở Mỹ đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer

Gần một tuần sau khi được cấp phép sử dụng khẩn cấp, vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer đã được tiêm cho hơn nửa triệu trẻ em trong độ tuổi từ 12 tới 15 ở Mỹ.

19/05/2021