Cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu: ''Cứu tinh'' của các nước nghèo

14:09, 09/03/2021

Chỉ sau 2 tháng triển khai, cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu đã phân phối được hơn 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 tới 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi. Dự kiến trong tuần này, 31 nước khác sẽ tiếp tục nhận lô hàng 14,4 triệu liều vắc xin. Trong bối cảnh nhiều quốc gia chạy đua để giành hợp đồng mua vắc xin, COVAX được xem như “cứu tinh” của các nước nghèo.

Nhiều quốc gia nghèo ở châu Phi đã nhận được vắc xin phòng Covid-19 thông qua chương trình COVAX.
Nhiều quốc gia nghèo ở châu Phi đã nhận được vắc xin phòng Covid-19 thông qua chương trình COVAX.

Sau hơn 1 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, đến nay khoảng 200 triệu người đã được tiêm vắc xin trên toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế đặt ra là sự phân phối bình đẳng vắc xin vẫn còn nhiều trăn trở, nhất là người dân ở các nước nghèo. Ngoài việc thiếu hụt kinh phí, hiện tại, những thỏa thuận trực tiếp giữa các nước giàu và các hãng dược phẩm bào chế vắc xin đang làm suy yếu sáng kiến COVAX bởi nguồn cung bị hạn chế.

Theo thống kê, một số quốc gia chỉ chiếm 16% dân số thế giới nhưng đã sở hữu hơn một nửa số vắc xin Covid-19 toàn cầu hiện có. Số lượng vắc xin bổ sung cho COVAX giảm sút sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu mà WHO đã đề ra. Nếu vấn đề này không được quan tâm, 67 quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống Covid-19.

Để hưởng ứng lời kêu gọi của WHO nhằm bảo đảm phân phối cân bằng vắc xin, nhiều quốc gia trên thế giới đã tài trợ cho COVAX. Trong đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đóng góp 4 tỷ USD với hy vọng khuyến khích chính phủ nhiều nước khác bỏ ra các khoản quyên góp lớn hơn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng gấp đôi đóng góp tài chính vào chương trình COVAX, lên 1 tỷ euro và bà mạnh mẽ kêu gọi phân phối vắc xin công bằng đều khắp trên toàn thế giới.

Trong một bước đi được cho là thiết thực, EU đang xây dựng cơ chế cho phép chia sẻ lượng vắc xin dự trữ với các quốc gia láng giềng nghèo hơn và các nước ở châu Phi. Theo kế hoạch, EU sẽ ưu tiên các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất tại các nước ở khu vực Tây Balkan, Bắc Phi và Tây sa mạc Sahara. Một số quốc gia mua được số lượng lớn vắc xin như Anh, Bồ Đào Nha cũng đã cam kết tặng bớt cho COVAX sau khi hoàn thành việc tiêm chủng cho công dân của mình.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, WHO đang nỗ lực kết nối các công ty sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 với nhau để cân đối lượng cung cầu và tăng công suất bào chế vắc xin. Ông cũng kêu gọi chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin từ các công ty đang sở hữu bản quyền tới các đơn vị có khả năng sản xuất. COVAX đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vắc xin an toàn và hiệu quả vào cuối năm 2021 cho khoảng 20% số dân thuộc diện dễ bị tổn thương nhất ở những nước nghèo và nước có thu nhập thấp.

Theo phân tích của Giáo sư, Tiến sĩ Gavin Yamey, Giám đốc Trung tâm Tác động chính sách trong y tế toàn cầu, Đại học Duke (Mỹ), nếu các nước giàu tiếp tục tích trữ vắc xin, đại dịch sẽ kéo dài thêm 7 năm. Điều này khiến hàng tỷ người ở các quốc gia nghèo không được bảo vệ và vi rút SASR-CoV-2 tiếp tục lây lan, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới. Nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ thiệt hại khoảng 9 nghìn tỷ USD, một nửa thiệt hại trong đó là từ chính các quốc gia có thu nhập cao.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chỉ có sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết và sự sẻ chia mới có thể giúp thế giới chiến thắng “kẻ thù chung”. Do đó, chương trình COVAX không chỉ giúp các nước nghèo có điều kiện tiếp cận với vắc xin mà còn rút ngắn chặng đường để thế giới sớm vượt qua đại dịch.

Theo HNM

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mỹ: Ban cố vấn FDA ủng hộ sử dụng vắcxin của Johnson & Johnson

Với ưu điểm chỉ sử dụng một liều duy nhất và có thể được bảo quản lâu dài ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường, vắcxin của Johnson & Johnson có những lợi thế lớn về mặt hậu cần và triển khai tiêm phòng.

27/02/2021
Ca Covid-19 có lượng virus gấp 51.148 lần bình thường làm đau đầu các nhà khoa học

Một em bé sơ sinh mắc Covid-19 với lượng virus cao gấp 51.148 lần bình thường và mang một biến thể bí ẩn đã đặt ra bài toán hóc búa với các nhà khoa học. Ca bệnh bất thường làm đau đầu các nhà khoa học Trong số hơn 2.000 trẻ em được điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Quốc gia ở Washington DC, Mỹ đã xuất hiện một trường hợp bất thường. Bệnh nhân này là một em bé sơ sinh có tình trạng bệnh nghiêm trọng. Hầu hết trẻ em mắc Covid-19 đều hiếm khi có triệu chứng và thậm chí những ca phải nhập viện cũng chỉ ở thể nhẹ.

25/02/2021
Facebook dỡ bỏ lệnh cấm tin tức ở Australia

Ngày 23-2, Facebook thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm người Australia xem và chia sẻ tin tức trên nền tảng mạng xã hội sau khi đạt được thỏa thuận với chính phủ nước này về dự thảo luật khiến các gã khổng lồ kỹ thuật số phải trả tiền cho báo chí.

25/02/2021
Cảnh báo biến chủng nCoV mới từ Mỹ cần được điều tra khẩn cấp

Biến chủng CAL.20C đã lan ra toàn bang California của Mỹ. Các bằng chứng mới cho thấy nó có thể lây lan nhanh và tăng nguy cơ nhập viện. Theo dữ liệu mới nhất của Đại học Califorinia San Francisco, biến chủng mới đã tràn qua bang California và chiếm hơn 50% số ca mắc mới tại 44 quận. Giới chuyên gia phát hiện biến chủng này chứa đột biến L452R, có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng ban đầu. Biến chủng mới được cảnh báo có thể lây lan nhanh nhưng mức độ không như B117 từ Anh.

 

24/02/2021