Đại dịch Covid-19 thách thức sự đoàn kết của châu Âu

17:18, 18/03/2020

Sau nhiều ngày có những biện pháp rời rạc của từng quốc gia, châu Âu đã bắt đầu có sự thống nhất giữa các nước thành viên để ứng phó với dịch bệnh.

“Châu Âu hoảng loạn”, “châu Âu tê liệt”, các nước chạy đua phong tỏa, Pháp đang trong tình trạng chiến tranh với Covid-19… là những gì mà người ta chứng kiến trên khắp các phương tiện truyền thông những ngày qua. Mỗi ngày, lại thêm một vài giải pháp của các nước châu Âu đưa ra để ứng phó với dịch Covid-19 đang tiến sâu vào ngõ ngách từng quốc gia. Nhưng có vẻ như, vẫn chưa có nhiều các giải pháp tổng thể của cả khu vực.

Trong giải pháp mới nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ, trên biển và trên không của khối này trong vòng 30 ngày; còn trước đó là việc chi 25 tỷ euro để ứng phó khủng hoảng. Dường như, sau nhiều ngày có những biện pháp rời rạc của từng quốc gia, châu Âu đã bắt đầu có một sự thống nhất giữa các nước thành viên để ứng phó với dịch bệnh.

Phản ứng chậm chạp ngay từ đầu

Có thể nói là từ khi dịch bùng phát tại Italy cách đây khoảng 3 tuần và bắt đầu lan rộng ra toàn bộ các nước EU thì khối này đã phản ứng tương đối bị động. Đã có rất nhiều cuộc họp của các Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Tài chính nhưng trong toàn bộ khoảng thời gian này Uỷ ban châu Âu hay Hội đồng châu Âu không hề có một quyết sách đáng chú ý nào trong việc ngăn chặn dịch Covid-19.

Các quyết định đáng kể nhất lại liên quan đến vấn đề tài chính, khi EU tung ra một quỹ đầu tư lên tới 37 tỷ euro để cứu trợ khẩn cấp các nước thành viên, đồng thời nới lỏng toàn bộ các quy định về kỷ luật ngân sách, cho phép tất cả các nước thành viên đưa ra mọi biện pháp cần thiết để cứu nền kinh tế. Hay việc EU chi ra khoảng 140 triệu euro để tài trợ các nghiên cứu tìm ra vaccine phòng chống Covid-19.

Đây dĩ nhiên đều là các chính sách rất quan trọng để giữ cho các nền kinh tế thành viên không sụp đổ, tuy nhiên trong bối cảnh dịch lây lan quá nhanh và quá mạnh, dĩ nhiên là dư luận châu Âu chờ đợi một quyết sách quyết liệt hơn, đồng bộ hơn của tất cả các nước với vai trò kết nối và chỉ của Uỷ ban châu Âu và Hội đồng châu Âu, để trước hết là ngăn dịch bùng phát quá mạnh. Nói cách khác, phải có các giải pháp y tế trước rồi mới đến kinh tế. Về điều này, EU đã làm chưa tốt công việc điều phối.

Ở đây có một nguyên nhân khách quan, đó là khi dịch Covid-19 bùng nổ tại tất cả các nước châu Âu hiện nay thì mỗi nước có các chiến lược riêng để ngăn chặn, tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của dịch tại nước mình. Một nước như Bỉ hay Phần Lan dĩ nhiên không thể ngay lập tức đưa ra các biện pháp quyết liệt như Italy hay Tây Ban Nha. Ngoài ra, việc chỉ đạo ngăn dịch, dập dịch trước hết là quyền và trách nhiệm của mỗi quốc gia thành viên, EU cũng không thể can thiệp để buộc Italy, Pháp hay Đức phải làm thế này hay làm thế khác.

Chúng ta thấy rõ điều này qua cách mà các nước ứng phó với Covid-19 tương đối khác nhau. Các nước như Italy, Tây Ban Nha hay Pháp buộc phải phong toả khi dịch bùng phát quá mạnh nhưng các nước này phải đến khi rất nghiêm trọng thì mới đóng cửa biên giới. Nhưng có những nước như CH Séc, Áo hay Hungary lại sớm đóng cửa biên giới dù mức độ nghiêm trọng chưa quá cao như Italy hay Tây Ban Nha.

Những nguy cơ

Việc không có các giải pháp thống nhất giữa các nước EU trong chống dịch Covid-19 trước hết sẽ có hai ảnh hưởng lớn. Thứ nhất, vì EU là một khối các quốc gia có biên giới mở nhờ Hiệp ước Schengen nên việc di chuyển giữa các nước này không hề có bất cứ sự kiểm soát này. Trong thời điểm đại dịch thì đây là một rủi ro cực kỳ lớn bởi việc tự do di chuyển đồng nghĩa với việc tự do phát tán mầm bệnh từ các vùng dịch đến khắp các vùng khác.

Châu Âu rơi vào hoàn cảnh như hiện nay chính là vì điều này. Những người nhiễm bệnh từ Italy, từ Pháp, từ Anh đã đi khắp nơi mà không bị kiểm soát khiến dịch xuất hiện tại toàn bộ các quốc gia thành viên EU. Cần nhắc lại rằng cách đây gần 1 tháng, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại châu Âu chỉ khoảng 100 người. Một số nước như Pháp, Đức chỉ có khoảng hơn 10 bệnh nhân và hầu như tất cả đều đã điều trị xong. Bây giờ thì con số đó đã tăng gấp mấy trăm lần, với gần 50.000 ca nhiễm và trên 3.000 cả tử vong. Đó là một sự bùng phát khủng khiếp.

Vì vậy, nếu như ngay từ đầu EU ý thức được mức độ nguy hiểm và lập tức đề ra các biện pháp hạn chế di chuyển nội khối thì có lẽ đã phần nào ngăn được dịch. Đến giờ thì EU mới nhận ra điều đó và sửa sai bằng việc đóng cửa biên giới EU, rồi các nước cũng chủ động đóng cửa biên giới quốc gia mình.

Ảnh hưởng lớn thứ hai khi các nước EU bất đồng, đó là không thể đoàn kết trợ giúp lẫn nhau. Ví dụ rõ nhất là việc trong hai tuần qua Italy đã kêu cứu các nước EU viện trợ hoặc cung cấp khẩn cấp các mặt hàng khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế nhưng hầu như không một nước nào đáp ứng. Trước đó thì nhiều nước như Đức, Pháp đã quyết định cấm xuất khẩu các mặt hàng này vì lo ngại dịch sẽ bùng phát tại nước mình. Chỉ đến khi Uỷ ban châu Âu ra sức ép thì Đức mới chấp nhận chuyển cho Italy 1 triệu khẩu trang. Hiện nay khi dịch Covid-19 đã ở mức độ nghiêm trọng trên toàn châu Âu thì các biện pháp tương trợ nhau giữa các nước sẽ là cực kỳ cần thiết. 

Quyết định đóng cửa biên giới EU

Có một thông tin rất tích cực là trong tối 17/3 thì Hội đồng châu Âu có phát đi một thông cáo báo chí cho biết là sau khi nhóm họp trực tuyến với lãnh đạo các nước thì châu Âu đã quyết định một số biện pháp quan trọng. Đầu tiên là đóng cửa biên giới của EU với bên ngoài trong vòng 30 ngày, cấm mọi cá nhân không phải là công dân EU và công dân Anh được nhập cảnh vào khối này. Tất nhiên là vẫn có một số ngoại lệ dành cho nhân viên cứu trợ y tế hay các hàng hoá thiết yếu. Biện pháp này giúp châu Âu giảm nỗi lo về việc có các ca nhiễm bệnh từ bên ngoài xâm nhập, để có thể dồn toàn lực ngăn dịch trong khối.

Biện pháp thứ hai đó Uỷ ban châu Âu đã thống nhất nới lỏng quy định cho phép xuất khẩu thiết bị y tế trong nội bộ EU, đồng thời tất cả các nước sẽ xây dựng kế hoạch chung để mua sắm trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ. Việc này giúp các nước có thể dễ dàng có các đơn hàng lớn hơn thay vì tự mình tìm mua. Bên cạnh đó, EU cũng tiếp tục phối hợp tài trợ cho các công tác nghiên cứu vaccine.

Dù được đưa ra tương đối muộn so với tình hình nhưng đây đều là các biện pháp quan trọng, hợp lý để toàn bộ các nước châu Âu có thể chống chọi với đại dịch hiện nay. Tình thế của châu Âu thực sự là đã cực kỳ khẩn cấp và các nước buộc phải làm tất cả những gì có thể để ngăn đại dịch. Nếu không thì hậu quả với khối này là không thể tưởng tượng nổi.

Theo: VOV


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Số ca mắc Covid-19 tại Campuchia tăng nhanh liên tục

Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này đã ghi nhận thêm 09 bệnh nhân mắc Covid-19, căn bệnh do chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) gây nên, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 33 trường hợp.

18/03/2020
Châu Âu "quay cuồng" trong cơn ác mộng Covid-19, ai sẽ cứu Italy?

Những gì Italy cần lúc này là sự hỗ trợ và đoàn kết từ phần còn lại của châu Âu, cây bút Tony Barber của tờ Financial Times cho biết.

 
17/03/2020
Số phận "lênh đênh" của những du thuyền mắc kẹt ngoài khơi vì Covid-19

Giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu, nhiều du thuyền vẫn bị mắc kẹt ngoài khơi khi bị các quốc gia từ chối cho cập cảng.

 
16/03/2020
Covid-19: 1 ngày thêm 368 ca tử vong, gần 3.000 ca mắc mới tại Italy

Ngày 15/3, Italy chứng kiến số ca tử vong cao chưa từng thấy từ khi dịch bùng phát tại nước này. Số liệu do Cơ quan phòng vệ dân sự Italy công bố trong ngày cho thấy, đã có thêm 368 bệnh nhân tử vong và gần 3.000 ca mắc mới tại Italy. Tổng cộng, đã có 1.809 người thiệt mạng và 24.747 ca mắc Covid-19 tại nước này trong gần 3 tuần qua.

16/03/2020