ASEAN chung tay nỗ lực xóa bỏ nạn tảo hôn, cưỡng ép kết hôn

15:36, 07/03/2019

Ngày 6/3, Diễn đàn Khu vực về xóa bỏ nạn tảo hôn và cưỡng ép kết hôn (CEFM) ở Đông Nam Á đã diễn ra tại trụ sở Ban Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Jakarta của Indonesia.

Sự kiện do Ban thư ký ASEAN, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và tổ chức Plan International phối hợp tổ chức. 

Diễn đàn là cuộc đối thoại định hướng hành động giữa nhiều bên liên quan như các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, tổ chức thanh niên, tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân… tại các nước ASEAN. Đây cũng là cơ hội để các đại biểu thảo luận về các kế hoạch và hành động chiến lược nhằm trao quyền cho các cô gái và loại bỏ CEFM, phù hợp với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng văn hóa - xã hội Kung Phoak nhấn mạnh tảo hôn và cưỡng ép kết hôn ở trẻ em gái không đơn thuần là vấn đề của một số quốc gia ở Đông Nam Á, mà là một thách thức lớn đối với tất cả các nước ASEAN trong việc bảo đảm Công ước về quyền trẻ em (CRC) và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Nguyên nhân, đặc điểm và hậu quả của việc tảo hôn và cưỡng ép kết hôn có khác nhau về hình thức và mức độ ở mỗi quốc gia và địa phương trong khu vực. Tuy nhiên, tựu chung lại, 2 vấn nạn này đều bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới và tệ phân biệt đối xử hoặc có thể do các phong tục, chuẩn mực và truyền thống từ lâu đời, thiếu giáo dục và cơ hội đối với người nghèo… Thực trạng này đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, cản trở sự tiến bộ của xã hội, cướp đi tuổi thơ, quyền được giáo dục và cơ hội cuộc sống đầy triển vọng của hàng triệu trẻ em, đặc biệt là các bé gái trên khắp châu Á. Tình trạng này cũng dẫn đến những nguy cơ bạo lực, lạm dụng, sức khỏe kém hoặc tử vong sớm. Các giải pháp cho vấn đề phức tạp này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều bên liên quan và quyết tâm thực hiện các cam kết chính trị thành các hành động cụ thể và bền vững.

Các đại biểu tham dự diễn đàn đã nêu thực trạng đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu của nạn tảo hôn và cưỡng ép kết hôn. Số liệu cho thấy mỗi năm có hơn 14 triệu trẻ em gái bị cưỡng ép kết hôn và hiện có hơn 700 triệu phụ nữ đã kết hôn từ khi còn là trẻ em. Điều này cũng dẫn đến tình trạng mang thai sớm ở tuổi vị thành niên với tỷ lệ cao ở khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 20-24 đã kết hôn hoặc kết hôn trước 18 tuổi dao động từ 35,4% (Lào) đến 11% (Việt Nam). 

Diễn đàn cũng đưa ra những bằng chứng và dữ liệu hiện tại về sự phổ biến của CEFM, nêu bật những thách thức trong giải quyết vấn đề này và kêu gọi những nỗ lực hành động để đẩy nhanh việc đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là việc loại bỏ CEFM ở khu vực ASEAN.

Các đại biểu dự diễn đàn đã thảo luận các nội dung chính: Thực trạng và nhận thức về CEFM; xóa bỏ CEFM, con đường dẫn đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em; phòng ngừa, ứng phó với CEFM và mang thai ở tuổi vị thành niên; trao quyền kinh tế; chuẩn mực giới và thay đổi nhận thức của xã hội…

Theo: chinhphu.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trump: Bầu không khí vẫn thân thiện khi hội nghị với Kim kết thúc sớm

Cuộc họp báo được tổ chức ở khách sạn Marriot sớm hai tiếng so với kế hoạch, khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt được thỏa thuận nào. Phóng viên hỏi liệu có phải Tổng thống Trump là người đưa ra quyết định kết thúc thảo luận với Chủ tịch Kim Jong-un không?

28/02/2019
Tổng thống Mỹ lên máy bay về nước

Tổng thống Mỹ lên Air Force One, vẫy chào tạm biệt, kết thúc 40 tiếng ở Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều với ông Kim Jong-un. Khác với lúc đến tối 26/2, ông không nở một nụ cười. Tiễn Tổng thống Mỹ ở sân bay có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Thứ trưởng Công an Bùi Văn Nam. Ông Trump bắt tay tạm biệt từng người và nhận bó hoa từ một nữ sinh trao tặng. 

28/02/2019
Tổng thống Trump, Chủ tịch Kim gặp gỡ, dùng bữa tối chung tại Hà Nội

Sau cuộc gặp ngắn khoảng 20 phút vào lúc 18h30, tại Khách sạn Sofitel Legend Metropole, một địa danh nổi tiếng giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cùng dùng bữa tối chung đầu tiên. Cùng dự bữa tối với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump còn có Ngoại trưởng Mike Pompeo và Trợ lý của Tổng thống, quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney.

 

28/02/2019
Ngày đầu Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Cả thế giới hồi hộp theo dõi

Cả thế giới đang hồi hộp dõi theo Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un sẽ bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai trong ngày hôm nay với cuộc gặp riêng và một bữa tối thân mật. Theo TTXVN, hãng tin AP của Mỹ ngày 27/2 đã đưa tin về không khí chuẩn bị cho ngày họp đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam.

27/02/2019