"Hành trình" tới cuộc gặp Thượng đỉnh của Mỹ và Triều Tiên

07:57, 11/06/2018

Sau tất cả, cuối cùng lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cũng sẽ có cuộc gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên trong lịch sử mà cả thế giới đang chờ đợi.

Ngày 12/6 tại Singapore, sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ và một Nhà lãnh đạo của Triều Tiên. Việc cuộc gặp sẽ trở thành lịch sử là điều không còn nghi ngờ gì, nhưng việc cuộc gặp có thể diễn ra còn là điều đáng chú ý hơn thế, sau những gì mà thế giới chứng kiến từ 2 nhà lãnh đạo trong suốt thời gian qua.

hanh trinh toi cuoc gap thuong dinh cua my va trieu tien hinh 1

 

Ngày 12/6 tại Singapore, sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ và một Nhà lãnh đạo của Triều Tiên. Ảnh: CNN

Từ “khiêu khích” tới “thân thiện”

Một năm trước, cũng vào tuần thứ 2 của tháng 6 (năm 2017), tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên tuyên bố nước này đã đến gần việc chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

Vài tuần sau đó, khi nước Mỹ đang chào mừng ngày Quốc khánh (4/7) thì Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên.

Suốt 5 tháng sau đó, Triều Tiên liên tiếp phóng thêm 6 tên lửa. Mỗi vụ phóng tên lửa lại đẩy quốc gia này thêm một bước tới gần chiến tranh với Mỹ. Chưa kể, Triều Tiên còn tiến hành vụ thử hạt nhân vào tháng 9/2017, vụ thử hạt nhân thứ 6 và được cho là mạnh nhân của nước này tính đến thời điểm đó.

Nếu năm 2017 là một năm mà thế giới chứng kiến những động thái “khiêu khích” từ phía Triều Tiên, thì 6 tháng đầu năm 2018 lại có sự thay đổi 180 độ khi Bình Nhưỡng bắt đầu thể hiện sự “thân thiện”.

Triều Tiên đã mở lại đường dây nóng liên Triều lần đầu tiên trong 2 năm hồi tháng 1/2018, khởi đầu cho một loạt các động thái ngoại giao tích cực. Tháng 2/2018, Triều Tiên cử em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong tới dự Thế vận hồi mùa Đông tại PyeongChang của Hàn Quốc.

Tiếp sau đó là cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4. Những diễn biến tích cực nhất từ cuộc gặp này là việc hai bên ra Tuyên bố Bàn Môn Điếm xác định mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và hướng tới việc tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều này cũng mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều mà thế giới đang chờ đợi vào ngày 12/6 tại Singapore.

Chính sách “sức ép tối đa” của Mỹ

Tới nay, Tổng thống Donald Trump đã “xoay chiều” khỏi các chính sách mà các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ từng áp dụng về vấn đề Triều Tiên.

Đối với nhiều nhà quan sát, có thể chính tính cách “dễ thay đổi” của Tổng thống Donald Trump chính là lý do mà Triều Tiên tìm kiếm cuộc gặp.

Phát biểu với CNN, nhà ngoại giao nghỉ hưu của Mỹ William Courtney đã miêu tả những lời lẽ đe dọa của ông Trump là “điều có thể đúng”. “Theo tôi, thái độ cởi mở của Triều Tiên là kết quả trực tiếp của áp lực từ chính quyền Tổng thống Donald Trump và cá nhân ông Trump”.

“Triều Tiên lo ngại rằng, Mỹ đang chuẩn bị các kịch bản sử dụng vũ lực, đó là suy đoán hợp lý nhất”, ông Courtney nói khi đề cập tới lời đe dọa của ông Trump hồi tháng 8/2017 về việc Triều Tiên sẽ phải hứng “lửa và giận giữ” lớn nhất mà thế giới chưa từng chứng kiến” nếu còn tiếp tục đe dọa Mỹ.

Chính sách “sức ép tối đa” của chính quyền Tổng thống Trump được cho là đóng vai trò đáng kể khi nó bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên và buộc Nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải tìm cách đàm phán.

Cuộc gặp Thượng đỉnh được ấn định

Hồi tháng 3, sau khi phái đoàn của Hàn Quốc (đã tới thăm Bình Nhưỡng trước đó) tới Washington để chuyển thông điệp bí mật từ Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý sẽ gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau khi nhận được kết quả đàm phán liên Triều.

Sau thành công của cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều, cùng với những cuộc tiếp xúc bí mật, Mỹ và Triều Tiên tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên trong lịch sử giữa 2 nước sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore. Tuy nhiên, mọi chuyện không phải cứ thế mà suôn sẻ cho tới giờ. Cả Mỹ và Triều Tiên đều đã từng dọa hủy cuộc gặp Thượng đỉnh.

Phía Triều Tiên dọa sẽ xem xét lại cuộc gặp thượng đỉnh sau khi chỉ trích các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là không phù hợp với bối cảnh. Tổng thống Donald Trump sau đó cũng đã tuyên bố hủy cuộc gặp Thượng đỉnh vì những lời lẽ chỉ trích của Triều Tiên.

Dư luận chỉ thở phào sau chuyến thăm tới New York và tới Nhà Trắng của Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol. Sau khi nhận được lá thư của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ ông Kim Yong-chol, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới khẳng định cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ vẫn diễn ra như kế hoạch vào ngày 12/6 tại Singapore.

Ai thắng, ai thua?

Chưa ai nói trước được kết quả cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ Triều sẽ như thế nào. Hai bên liệu có đi đến được một thỏa thuận liên quan tới vấn đề phi hạt nhân hóa hay không? Liệu cuộc gặp này có dẫn tới nhiều cuộc gặp tiếp theo để các bên liên quan chính thức có một Hiệp ước hòa bình, chấm dứt chiến tranh Triều Tiên hay không? (Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 mới chỉ tạm kết thúc bằng một Hiệp định đình chiến – tức là một lệnh ngừng bắn cho tới khi các bên liên quan đạt được một thỏa thuận hòa bình cuối cùng).

Tuy nhiên, có thể nói, bản thân cuộc gặp đã là một thành công, ít nhất là đối với cả 2 nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên. Trước hết, cuộc gặp giúp củng cố vị thế của cả nhà lãnh đạo Mỹ cũng như Triều Tiên ở trong nước.

Đối với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cuộc gặp là một thành công đáng kể khi ông được nhìn nhận một cách công bằng, được chào đón bởi một Tổng thống Mỹ đương nhiệm – nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, và có thể Triều Tiên sẽ được thừa nhận là một quốc gia hạt nhân cần được tôn trọng trên trường quốc tế.

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuộc gặp Thượng đỉnh với Triều Tiên là điều chưa có bất cứ người tiền nhiệm nào làm được. Tuy nhiên những tác động về lâu dài sẽ phụ thuộc cuộc gặp sẽ diễn ra như thế nào, hai bên sẽ nhất trí về những điều gì và liệu các thỏa thuận liệu có thất bại giữa chừng như các chính quyền tiền nhiệm đã gặp phải hay không.

Một số nhà phê bình cho rằng, bằng cách đồng ý gặp Thượng đỉnh, ông Trump đã có sự nhượng bộ. Theo họ, cuộc gặp chỉ nên diễn ra sau khi Triều Tiên giải giáp hạt nhân một cách không thể đảo ngược và đồng ý cho các thanh sát viên tới để xác minh.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, trong khi cách tiếp cận về vấn đề Triều Tiên của các chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ đều đã thất bại thì Tổng thống Donald Trump đã làm được sự khác biệt. Bằng cách thiết lập mối quan hệ cá nhân với Nhà lãnh đạo Triều Tiên trước, ông Trump có cơ hội tốt nhất để giải quyết các vấn đề Triều Tiên mà các Tổng thống khác của Mỹ không có được./.

vov.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quân đội Y-ê-men tiến sát thành phố Hô-đây-đa

Người phát ngôn liên quân do A-rập Xê-út dẫn đầu T.Ma-li-ki cho biết, quân đội Chính phủ Y-ê-men dưới sự hỗ trợ của liên quân đang tiến sát thành phố cảng Hô-đây-đa của Y-ê-men hiện do phiến quân Hu-thi kiểm soát. Theo đó, mục tiêu của liên quân là cắt đứt tuyến huyết mạch mà phiến quân đang tận dụng. Trong khi đó, đại diện lực lượng Hu-thi tại thủ đô Xa-na của Y-ê-men H.Áp-bát kêu gọi các tay súng phiến quân tập hợp lực lượng quy mô lớn để bảo vệ mặt trận phía tây.

31/05/2018
Mỹ và Triều Tiên xúc tiến chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao

Theo Tân Hoa xã và TTXVN, các quan chức Mỹ và Triều Tiên gặp nhau tại Xin-ga-po ngày 29-5 để thảo luận các vấn đề liên quan cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều Tiên dự kiến tổ chức vào tháng tới. Ông Kim Chang Xon, Chánh văn phòng của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Ưn dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên đã tới Xin-ga-po. Cùng thời điểm đó, một nhóm quan chức Chính phủ Mỹ, trong đó có Phó Chánh Văn phòng Nhà trắng G.Ha-gin, đã rời căn cứ không quân của Mỹ ở Nhật Bản để tới Xin-ga-po.

30/05/2018
Tập trung tìm kiếm hòa bình cho Li-bi

Tổng thống Pháp E.Ma-crông đã mời các bên đối địch ở Li-bi gặp nhau tại Pa-ri vào 29-5 để xây dựng lộ trình nhằm phá vỡ bế tắc chính trị tại quốc gia Bắc Phi này. Các quan chức Li-bi và cộng đồng quốc tế sẽ tham gia thực hiện một lộ trình chính trị nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài bảy năm vốn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Li-bi và khu vực.

 

29/05/2018
Nga và Nhật Bản thúc đẩy ký hiệp định hòa bình

Ngày 26-5, trong cuộc hội đàm tại Ðiện Crem-li, Tổng thống Nga V.Pu-tin và Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê khẳng định nỗ lực hướng tới việc ký hiệp định hòa bình và đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo thảo luận cách thức thúc đẩy hoạt động kinh tế chung tại các quần đảo tranh chấp giữa hai nước; nhất trí đẩy nhanh các cuộc tham vấn nhằm tăng cường hoạt động thương mại tại các khu vực nêu trên.

28/05/2018