Hà Giang

Catalonia sẽ gây ra "mối nguy lớn" cho Tây Ban Nha và châu Âu

09:01, 06/10/2017

Sau cuộc trưng cầu ý dân diễn ra tại Catalonia, sự chia rẽ trong xã hội Tây Ban Nha và châu Âu càng trở nên sâu sắc và khó hàn gắn hơn.

Nhà bình luận William Booth của tờ Washington Post nhận định: “Mỗi ngày trôi qua, giới cầm quyền ở Madrid và các lực lượng đòi độc lập tại Catalonia lại càng tiến gần hơn đến nguy cơ đối đầu”.

catalonia se gay ra moi nguy lon cho tay ban nha va chau au hinh 1
Một nhóm người ủng hộ việc Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha đi trên đường phố Barcelona. Ảnh: Reuters

Nguy cơ chia tách hiển hiện

Cũng trong thời gian này, các cuộc biểu tình và tổng đình công lớn đã diễn ra tại Catalonia sau khi khu tự trị này quyết tâm tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Tây Ban Nha.

Cách hành xử có phần bạo lực của Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khi điều lực lượng an ninh đến giải tán đám đông người biểu tình gây ra đổ máu càng khiến Catalonia “quyết tâm” đối đầu với Madrid.

Căng thẳng gia tăng khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng Hiến pháp không chỉ tại Tây Ban Nha mà còn ở nhiều quốc gia khác tại châu Âu.

Các nhà lãnh đạo theo xu hướng ly khai tại Catalonia cho biết, hơn 2 triệu người dân tại đây vẫn có thể tiếp tục bỏ phiếu và hầu hết trong số này ủng hộ việc ly khai khỏi Tây Ban Nha. Các quan chức Catalonia thậm chí còn đi xa hơn khi khẳng định sẵn sàng tuyên bố độc lập vào đầu tuần tới.

Trong khi đó, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã tiến hành cuộc điều tra với mục đích đưa một số chính trị gia và sĩ quan cảnh sát Catalonia ủng hộ ly khai ra Tòa.

Hiện vẫn chưa rõ diện mạo của Catalonia sau khi đòi độc lập sẽ như thế nào. Tuy nhiên, động thái này của lãnh đạo xứ Catalonia được cho là sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn.

Chính trị gia ủng hộ việc Catalonia đòi độc lập Mireia Boya chia sẻ trên Twitter rằng: “Chúng tôi biết là sẽ có việc bắt bớ nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc này. Sẽ không có chuyện tiến trình đòi độc lập bị gián đoạn”.

Chính quyền Madrid “đổ thêm dầu vào lửa”

Trong một bài phát biểu hồi đầu tuần này, Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI tuyên bố, phong trào đòi độc lập của xứ Catalonia là “bất chấp luật pháp” và thể hiện “sự bất trung không thể chấp nhận được”. Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã từ chối yêu cầu đòi đàm phán của xứ Catalonia.

Điều này càng khiến cho những người Catalonia theo xu hướng đòi độc lập trở nên quyết tâm hơn. “Catalonia chia rẽ. Tây Ban Nha cũng chia rẽ. Bài phát biểu của Nhà vua Felipe VI chỉ càng “đổ thêm dầu vào lửa”.

Lẽ ra Nhà vua nên kêu gọi cả 2 bên ngồi lại đối thoại với nhau nhưng thay vì thế, ông ấy lại bênh vực Chính phủ Madrid một cách rõ ràng. Nhà vua Felipe VI cần nói cả 2 thứ tiếng. Felipe VI là Hoàng tử của Barcelona nên hiển nhiên ông ấy nói tiếng Catalan rất tốt nhưng Nhà vua đã chọn chỉ nói tiếng Tây Ban Nha”.

Cùng chia sẻ quan điểm này, Thủ hiến xứ Catalonia Carles Puigdemont cho rằng: “Hoàng gia Tây Ban Nha đã khiến người dân Catalonia- những người vô cùng kính trọng và mong muốn đối thoại với ngài- hết sức thất vọng”.

Trước đó, ông Puigdemont còn cáo buộc Chính phủ Tây Ban Nha đang tìm cách đàn áp những người hết sức mong mỏi có được nền dân chủ thực sự: “Chính quyền Tây Ban Nha đang làm ngơ cho việc những đối thủ chính trị của họ bị cảnh sát bắt giữ. Họ tìm cách gây tác động đến giới truyền thông và ngăn chặn các trang mạng Internet.

Chúng tôi bị giám sát cả ngày lẫn đêm. Đây chẳng phải là biểu hiện của một quốc gia toàn trị [ám chỉ Chính phủ Tây Ban Nha muốn kiểm soát mọi mặt đời sống của người dân-ND] hay sao?”

“Canh bạc” chính trị “tất tay” của Thủ tướng Rajoy

Hiện giới phân tích đang chia rẽ về việc liệu Thủ tướng Rajoy có chấp thuận kích hoạt cái gọi là “lựa chọn hạt nhân”- Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha trong đó cho phép chính quyền Madrid giải tán Quốc hội Catalonia do Thủ hiến Puigdemont- hay không.

Điều này là bởi, nếu làm như vậy, sinh mệnh chính trị của ông Rajoy có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Chính phủ Madrid vốn không nắm giữ thế đa số tại Quốc hội có thể phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và chỉ cần một “sự im lặng đáng sợ” từ Catalonia cũng đủ để khiến ông Rajoy lao đao.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Catalonia cũng khiến cả châu Âu nín thở theo dõi “nhất cử nhất động”. Hiện những chính trị gia ủng hộ Madrid vẫn tuyên bố đây là “vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha”. Tuy nhiên, nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, họ khó có thể “nhắm mắt làm ngơ”.

“Nếu đây là vấn đề liên quan đến Hy Lạp, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ ngay lập tức đứng ra làm trung gian hòa giải. Nhưng đây lại là Catalonia và bà Merkel lại có quan hệ mật thiết với đảng cầm quyền Tây Ban Nha nên bà ấy cho đến giờ vẫn án binh bất động”, nhà bình luận của tờ Guardian Simon Tisdall nhận định.

Công bằng mà nói, cho đến thời điểm này, không có một nhà lãnh đạo phương Tây nào lên tiếng ủng hộ việc chia tách tại bất kỳ quốc gia phương Tây nào khác. Tuy nhiên, căng thẳng giữa chính quyền Catalonia và Madrid đang khiến châu Âu “đứng ngồi không yên” khi chủ nghĩa dân tộc và mong muốn đòi quyền tự chủ tại nhiều khu vực tại đây đang nóng hơn bao giờ hết.

“Cuộc trưng cầu ý dân tại Catalonia đã làm cho kế hoạch của EU về việc thúc đẩy sự toàn vẹn trong khối xuất hiện những rạn nứt đầu tiên và khiến cho những tranh cãi về bản sắc của châu Âu ngày càng bùng nổ”, nhà kinh kế học Franz Buscha nhận định.

“Bản thân EU cũng đã tính đến việc đối phó với phong trào dân tộc đang lan rộng trong khu vực. Cuộc khủng hoảng tại Catalonia đã bộc lộ những hạn chế về chính trị và những khó khăn của chính quyền các quốc gia EU trong việc duy trì tính toàn vẹn lãnh thổ. Đối với cả Tây Ban Nha và châu Âu, đây sẽ là một phép thử hết sức quan trọng”, nhà báo Pháp Natalie Nougayrède kết luận./.

vov.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên Hợp Quốc đề xuất giúp giải quyết khủng hoảng người Kurd ở Iraq

Liên Hợp Quốc sẵn sàng đứng ra làm trung gian giải quyết vấn đề căng thẳng hiện nay tại Iraq liên quan việc người Kurd trưng cầu ý dân đòi độc lập.

29/09/2017
Nhật Bản chính thức công bố giải tán Hạ viện

Văn bản giải tán Hạ viện sẽ được trình Nhật Hoàng phê duyệt trước. Sau đó, Chủ tịch Hạ viện sẽ tuyên bố giải tán Hạ viện.

28/09/2017
Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên: Châu Âu đứng ở vị trí nào?

Về mặt chiến lược, cả chính trị và kinh tế, khủng hoảng Triều Tiên liên quan mật thiết đến quyền lợi của Liên minh châu Âu.

27/09/2017
Myanmar bác bỏ cáo buộc của Liên Hợp Quốc về cuộc khủng hoảng Rakhine

Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc hôm 25/9 bác bỏ một số bình luận của Liên Hợp Quốc về tình hình tại bang Rakhine của nước này.

26/09/2017