Hà Giang

Bài toán hạt nhân Triều Tiên: Đối thoại có tốt hơn là trừng phạt?

08:15, 14/09/2017

Chính phủ Triều Tiên ngày 13/9 lên tiếng phản đối bản nghị quyết của Liên Hợp Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với nước này.

Những tuyên bố này đã một lần nữa khiến giới chuyên gia đặt câu hỏi về hiệu quả của các lệnh trừng phạt liệu có được như kỳ vọng và phải chăng đã đến lúc các bên nên quay lại đối thoại nhằm chấm dứt vòng xoáy “trừng phạt và khiêu khích” hiện nay.

bai toan hat nhan trieu tien doi thoai co tot hon la trung phat hinh 1

 

Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: Reuters

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ, Triều Tiên sẽ tăng gấp đôi nỗ lực tăng cường sức mạnh nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền được tồn tại của đất nước và để gìn giữ hòa bình và an ninh trong khu vực bằng cách thiết lập trạng thái cân bằng đối với Mỹ.

Bản thông cáo cũng lặp lại bình luận của Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Han Tae Song khẳng định Triều Tiên đã “sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp mạnh mẽ nhất”.

Trước đó, hôm 11/9, một tuần sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế bổ sung với nước này.

Sau than đá, vàng hay đánh bắt cá, lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục cấm mua sản phẩm dệt may của Triều Tiên. Việc cung cấp khí ga tự nhiên cũng không còn được phép tiếp tục nữa, trong khi  khối lượng dầu mỏ xuất khẩu sang nước này cũng không được phép vượt quá lượng bán ra trong 12 tháng qua. Đây là loạt biện pháp trừng phạt thứ 8 được thông qua chống Triều Tiên kể từ năm 2006.

Trên thực tế, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tăng cường các nghị quyết chống Triều Tiên sau khi nước này rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1993 và đặc biệt là kể từ sau vụ thử hạt nhân năm 2006, tức là không dưới 17 nghị quyết đã được thông qua, trong đó 7 nghị quyết gắn với các lệnh trừng phạt.

Những lệnh trừng phạt này dự kiến sẽ có tác động lớn tới dòng chảy ngoại hối của Triều Tiên và rộng hơn là nền kinh tế nước này. Tuy nhiên hiệu quả của nó lại không được như kỳ vọng.

Thậm chí một số ý kiến còn cho rằng, các lệnh trừng phạt dường như càng củng cố quyết tâm của chính quyền Triều Tiên đẩy nhanh chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo trước khi nước này có thể cảm nhận được những tác động của trừng phạt và có thể là cái cớ để nước này tiếp tục các hành vi thị uy sức mạnh.

Một điều chắc chắn là nó sẽ đẩy bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á và xa hơn là cả thế giới vào một vòng xoáy nguy hiểm của “khiêu khích và trừng phạt”.

Ông Antonio Inoki, một chuyên gia chính trị Nhật Bản cho biết: “Khi tôi hỏi các nhà ngoại giao Triều Tiên rằng khi nào họ sẽ ngừng các cuộc thử hạt nhân và họ đã trả lời rằng, Triều Tiên sẽ phát triển vũ khí hạt nhân chừng nào Mỹ và quốc tế tiếp tục gia tăng áp lực lên đất nước. Thật dễ dàng để áp dặt lệnh trừng phạt nhưng sẽ rất khó để loại bỏ chúng sau đó”.

Đã đến lúc phải thừa nhận rằng, phương pháp đang được sử dụng hiện nay với Triều Tiên đã không hiệu quả và cần phải xem xét nghiêm túc những yêu cầu hòa bình mà phía Triều Tiên nhiều lần nhắc tới.

Các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an, bao gồm cả Trung Quốc và Nga đều coi việc thực hiện các lệnh trừng phạt là không thể thiếu nhằm kiềm chế sự phát triển chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, trong khi một số người đồng ý với biện pháp trừng phạt thì một số khác lại cho rằng, điều này là không đủ.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, thực tế đã cho thấy các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên là không hiệu quả. Cần phải hiểu rằng, trừng phạt là một công cụ của “ngoại giao cưỡng ép”, có nghĩa là ngoại giao vẫn là trung tâm của mọi giải pháp.

Chẳng thế mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 8/9 đã có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Macron nhằm tìm cách giảm nhẹ cuộc khủng hoảng với Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Nghị quyết 2375 vừa được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là một bước tiến trong việc ứng phó với kế hoạch hạt nhân của Triều Tiên và duy trì được nỗ lực phi hạt nhân hóa quốc tế, cũng như giữ vững hòa bình và ổn định trên bán đảo triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á.

Văn kiện nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết những vấn đề này, thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel thì tuyên bố sẵn sàng tham gia vào một sáng kiến nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân và đạn đạo của Triều Tiên theo mô hình các cuộc đàm phán về hạt nhân Iran.

Quả thực, đàm phán không phải là điều dễ dàng, song đó là công việc của các nhà ngoại giao. Và không chỉ Nga hay Trung Quốc, mà những nước liên quan trực tiếp như Hàn Quốc cũng đang cho thấy mong muốn này. Đối thoại thay vì trừng phạt trước khi mọi việc trở nên quá muộn./.

vov.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người dân Nhật Bản hoảng loạn trong khi tên lửa Triều Tiên bay qua

Khi tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ trong vòng 2 phút, người dân Nhật Bản chìm trong tình trạng hoảng loạn "chưa từng có" kể từ sau Thế chiến 2.

31/08/2017
NATO theo dõi cuộc tập trận Zapad 2017 vì nghi bất thường

Ngày 29/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc tập trận của nước này với Belarus có tên Zapad 2017 hoàn toàn mang tính chất phòng thủ.

30/08/2017
Liên hợp quốc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông

Theo Roi-tơ và TTXVN, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rết đã tới I-xra-en đêm 27-8, bắt đầu chuyến công du ba ngày tại I-xra-en và thăm chính quyền Dân tộc Pa-le-xtin.

29/08/2017
Triều Tiên phóng tên lửa bay qua Nhật Bản

Mỹ và Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên hôm nay phóng một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản rồi rơi xuống bắc Thái Bình Dương.

29/08/2017