Xung đột Ukraine đứng trước nguy cơ bùng phát nguy hiểm

08:45, 03/08/2017

Mới đây nhiều tờ báo của Mỹ và Nga khẳng định Mỹ đã có kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Theo đó Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ có kế hoạch cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí phòng không, vũ khí chống tăng (như tên lửa Javelin) và các loại vũ khí khác.

Báo chí Mỹ cũng cho rằng các kế hoạch này là nhằm hỗ trợ Ukraine đối phó với phe nổi dậy ở miền đông Ukraine. Một số báo cho biết, các quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định rằng Kiev cần vũ khí “phòng vệ” của Mỹ để tự vệ trước cái gọi là "nguy cơ từ Nga".

Tất nhiên các đề xuất của hai Bộ trên còn phải đem ra thảo luận tại Nhà Trắng và cần sự phê chuẩn tại đó. Sẽ mất thêm nhiều tháng nữa trước khi đề xuất trở thành quyết định chính thức của chính phủ Mỹ.

Đáng lưu ý, theo một số báo, các đề xuất này nhận được sự hậu thuẫn của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.

Phát ngôn viên Michelle Baldanza của Lầu Năm Góc có nói rằng Mỹ chưa “loại bỏ khả năng” cung cấp “vũ khí sát thương cho Ukraine”.

Các tin tức này nhiều khả năng sẽ làm xấu thêm quan hệ giữa hai cường quốc Nga - Mỹ trong bối cảnh họ đã căng thẳng sẵn về mặt ngoại giao với hàng loạt biện pháp trả đũa lẫn nhau vừa qua.

Đột biến mới theo hướng căng thẳng hơn?

Từ năm 2014 sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, chính quyền Ukraine thân Mỹ và phương Tây đã liên tục yêu cầu Mỹ cung cấp các loại vũ khí hiện đại hơn cho nước này. Bản thân Mỹ cũng hay làm căng với Nga từ năm đó trở đi.

Tuy nhiên chính phủ Mỹ trước đây vẫn khước từ các yêu cầu của Ukraine về vũ khí. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã giới hạn các hỗ trợ dành cho quân đội Ukraine ở mức “huấn luyện và trợ giúp phi sát thương”. Họ đã cung cấp cho Ukraine 600 triệu USD dưới dạng viện trợ quân sự, bao gồm huấn luyện, cố vấn và trang thiết bị (phi sát thương), trong đó có kính nhìn đêm và radar tầm ngắn.

Chính quyền Obama khi đó chủ động khống chế mức độ trợ giúp của họ sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và các đồng minh thân cận khác phản đối việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Nhưng từ năm ngoái bắt đầu có sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ. Hạ viện nước này vào tháng 9/2016 đã phê chuẩn dự luật cho phép cung cấp vũ khí “phòng vệ” sát thương cho Kiev. (Tất nhiên dự luật này vẫn cần Thượng viện Mỹ thông qua, đồng thời phải có thêm chữ ký của Tổng thống Mỹ thì mới thành luật được).

Đến hôm 31/7/2017, khi đi thăm các nước Baltic, hiện đều đã gia nhập khối quân sự NATO,  Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo về điều mà ông coi là mối đe dọa từ Nga.

Trong bối cảnh hiện tại và với những sự kiện vừa nêu, các đề xuất của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ có thể được xem là dấu hiệu về một hướng tiếp cận mới của Mỹ (dưới thời Tổng thống Trump) đối với vấn đề xung đột Ukraine kéo dài dai dẳng từ năm 2014 đến nay.

Nga phản ứng lại, bóc mẽ Mỹ và Ukraine

Tất nhiên Nga rất nhạy cảm với các động thái này, cho dù phía Mỹ đã cẩn thận nhấn mạnh rằng các vũ khí nếu được viện trợ cho Ukraine thì sẽ chỉ là vũ khí “phòng vệ” mà thôi. Trước đó Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo Mỹ không được cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.

Lần này, khi rộ lên các báo cáo về kế hoạch viện trợ vũ khí Mỹ cho Ukraine, Nga đã phản ứng kịch liệt, vạch rõ nguy cơ làm leo thang căng thẳng từ đây.

Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng cảnh báo Washington phải chịu trách nhiệm về nguy cơ bùng phát bạo lực nếu họ cứ xúc tiến cung cấp vũ khí “phòng vệ” cho Ukraine.

Ông Mikhail Ulyanov, Cục trưởng Cục Kiểm soát Vũ khí và Chống Phổ biến Vũ khí Hủy diệt hàng loạt thuộc Bộ Ngoại giao Nga, đã nói rằng những người chủ mưu trong các kế hoạch viện trợ vũ khí trên không hiểu gì về tình hình ở đông Ukraine và họ chỉ muốn “thêm dầu vào lửa”.

Ông này cũng chỉ ra rằng việc đề cập đến tính chất “phòng vệ” của vũ khí không làm cho bản chất vấn đề khác đi.

Theo ông Ulyanov, chính quyền Ukraine chẳng gặp phải mối đe dọa nào để họ phải tự vệ cả. Ông cho rằng, các chính quyền tự phong ở Donetsk và Lugansk (ở miền đông Ukraine) không hề cố gắng mở rộng vùng kiểm soát của họ.

Vị cục trưởng Nga còn chỉ ra khả năng là nếu việc cung cấp vũ khí nói trên diễn ra, Mỹ có thể sẽ khiến Ukraine hiểu lầm rằng họ đang được Washington bật đèn xanh để leo thang đụng độ quân sự. Từ chỗ đó, cục trưởng Ulyanov "đá quả bóng trách nhiệm" về xung đột sang thẳng phần sân của Washington.

Trong khi đó, thư ký báo chí của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cũng cảnh báo phía Mỹ rằng kế hoạch viện trợ quân sự đang được thảo luận chỉ mang lại tác dụng ngược cho chính Mỹ.

Theo các số liệu của Liên Hợp Quốc, xung đột ở Ukraine hiện đã khiến khoảng 10.000 người thiệt mạng và 24.000 người khác bị thương.

Theo VOV


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sau lệnh trừng phạt, Nga trục xuất hàng trăm nhân viên ngoại giao Mỹ

Tổng thống Nga Putin thông báo, Nga sẽ tiến hành trục xuất hàng trăm nhân viên ngoại giao Mỹ và cân nhắc sẽ áp đặt các biện pháp bổ sung.

31/07/2017
Venezuela đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ

Tổng thống Venezuela Maduro tuyên bố không thừa nhận bất cứ lệnh trừng phạt nào của Mỹ và khẳng định động thái này của Mỹ là bất hợp pháp.

28/07/2017
Tổng thống Nga Putin phản đối Mỹ áp đặt dự luật trừng phạt mới chống Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/7 đã lên án ý định của Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga, coi đây là âm mưu sử dụng những hành động "đặc biệt trắng trợn" để bảo đảm lợi ích kinh tế của mình và sẽ càng làm trầm trọng tình hình.

28/07/2017
Thượng viện Mỹ không thông qua dự luật hủy bỏ đạo luật Obamacare

Dự luật hủy bỏ một phần đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare đã không được thông qua tại Thượng viện Mỹ do không đủ 51 phiếu cần thiết.

27/07/2017