Phải chăng Mỹ đã thất bại trong việc trấn an châu Âu?

08:26, 21/02/2017

Tổng thống Mỹ vừa tung ra những “quân cờ” chính trị, ngoại giao và quân sự mạnh nhất sang trấn an châu Âu nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn.

Cận kề tới thời điểm tròn 1 tháng sau khi ông Trump nhậm chức, những thành viên cấp cao nhất trong chính quyền của ông tuần qua đã được cử tới Brussels, Bonn và Munich để đảm bảo với một châu Âu đang rất lo lắng về vị tân Tổng thống Mỹ này rằng mọi chuyện đều ổn thỏa.

phai chang my da that bai trong viec tran an chau au hinh 1

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 17-19/2/2017. Ảnh: AP.

Các quan chức châu Âu đã được nghe Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hứa hẹn rằng liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không thực sự “lỗi thời” như những gì Tổng thống Trump nói trước đó vài tuần.

Họ cũng đã được nghe Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng Nga “sẽ phải chịu trách nhiệm” về những hành động ở Ukraine bất chấp thái độ thân thiện của Tổng thống Trump với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Nhưng nếu mục đích của những chuyến thăm này là nhằm đảm bảo với châu Âu rằng những trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ hoàn toàn nguyên vẹn thì theo các nhà ngoại giao, chính trị gia và nhà phân tích ở châu Âu, dường như các quan chức Mỹ chưa làm được điều đó.

Mỹ thiếu tầm nhìn về một EU đang đứng trước bước ngoặt đổi thay

“Những gì chúng tôi đã nghe ở đây không phải là sự đảm bảo” - Cựu Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Đức Ruprecht Polenz chia sẻ với hãng tin Reuters sau khi nghe Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.

Ông Ruprecht Polenz chỉ rõ: “Hoàn toàn không có bất cứ tầm nhìn nào về việc chúng ta sẽ làm thế nào để hợp tác với nhau và tiến lên phía trước”.

Phó Tổng thống Pence là thành viên cao nhất trong nội các của ông Trump đến châu Âu trong “chiến dịch quyến rũ” lần này và bài phát biểu của ông tại Munich rất được trông đợi. Đặc biệt là khi người tiền nhiệm của ông, Joe Biden, 8 năm trước cũng tại phòng hội nghị đó, đã làm khuynh đảo báo giới với tuyên bố “cài đặt lại” mối quan hệ với Nga.

Bản thân Phó Tổng thống Mike Pence thiếu tiếng nói ở Nhà Trắng

Nhưng không giống với người tiền nhiệm Joe Biden, đương kim Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến Munich lần này với một “bất lợi chết người”, đó là quan điểm cho rằng ông không nằm trong “vòng thân cận” của Tổng thống Trump. Nghi hoặc này bị đẩy lên cao hơn vì những tình huống liên quan tới việc cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn vừa từ chức do quan hệ mập mờ với phía Nga.

Việc Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức làm dấy lên những đồn đoán về việc Tổng thống Trump sẽ lắng nghe ai trong việc đưa ra chính sách đối ngoại dù chiến lược gia hàng đầu của ông, Steve Bannon và cậu con rể Jared Kushner đều được cho là có ảnh hưởng đáng kể.

“Sứ mệnh của ông ấy luôn khó khăn nhưng nó còn khó khăn hơn nữa vì những nghi hoặc rằng ông ấy thiếu sức ảnh hưởng trong Nhà Trắng” - Ông Derek Chollet, cố vấn chính sách quốc phòng hàng đầu của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định.

Mỹ mang tới một lời chào “rập khuôn và máy móc”

Phó Tổng thống Mỹ đã nỗ lực loại bỏ những nghi ngờ trên bằng cách làm rõ ngay từ đầu bài phát biểu của mình rằng ông đang nói thay cho Tổng thống Trump.

Nhưng sau đó ông Mike Pence tiếp tục nhắc đến Tổng thống Mỹ tới 19 lần trong một bài phát biểu chỉ vỏn vẹn 20 phút. Điều này khiến thính giả có mặt tại Hội nghị An ninh Munich, trong đó có nhà sử học nổi tiếng của Mỹ Robert Kagan, nghĩ rằng ông Pence mang tới một “lời chào quá rập khuôn máy móc” so với vị thế của một người quyền lực.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu (EP) Elmar Brok cho rằng: “Ông Pence, ông Mattis và ông Tillerson có thể tới đây để nói về tầm quan trọng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và NATO và điều đó hoàn toàn tốt. Nhưng chúng tôi không rõ điều gì sẽ đến trên Twitter vào sáng ngày hôm sau”.

Bình luận của ông Elmar Brok nhằm ám chỉ thói quen của ông Trump là đưa hết những phát ngôn chính sách của mình lên mạng xã hội, đặc biệt là Twitter.

 “Hiện giờ châu Âu đang băn khoăn không biết nên gọi cho ai nếu muốn nói chuyện với Mỹ” - Ulrich Speck, một nhà phân tích chính sách đối ngoại tại viện nghiên cứu Elcano ở Brussels (Bỉ) nhận định.

Mỹ - EU “đồng sàng dị mộng”

Bên cạnh mối quan hệ với NATO và Nga, ông Pence cũng nỗ lực xoa dịu những lo ngại rằng Mỹ đang rời xa những giá trị dân chủ dưới thời Tổng thống Donald Trump, người liên tiếp công kích truyền thông và các cơ quan tư pháp trong vòng chưa đầy 1 tháng nắm quyền.

Ông Mike Pence nói: “Đây là lời hứa của Tổng thống Trump. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng châu Âu bởi vì chúng ta gắn kết với nhau bằng những lý tưởng cao đẹp là tự do, dân chủ, công bằng và sự cai trị của luật pháp.”

Nhưng ông Pence đã không nói những điều EU muốn nghe. Những thông điệp khác của ông Mike Pence đã tố cáo tình trạng “đồng sàng dị mộng” giữa Mỹ và EU khi cả 2 đã không còn chia sẻ quan điểm trong nhiều vấn đề.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã khiến cả hội Hội nghị An ninh Munich phải nhướn mày khi cho rằng thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Đức), vốn nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở châu Âu, đã giải phóng các nguồn lực cho Iran hậu thuẫn khủng bố.

Việc ông Pence nhắc đi nhắc lại cụm từ “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan” cũng khiến nhiều thính giả khó chịu vì cho rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang nhằm vào tất cả người Hồi giáo trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phản đối điều này trong một bài phát biểu ngay trước Phó Tổng thống Mike Pence.

Một vài thính giả tại Hội nghị An ninh Munich cũng không thích lối nói hùng biện của ông Pence khi hứa Mỹ sẽ khiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trở thành “tro tàn của lịch sử”. Họ cho rằng những phát ngôn đó thích hợp với những chiến dịch tranh cử ở Mỹ hơn là trước những quan chức châu Âu đang lo lắng những chuyện khác về Mỹ.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng đã thể hiện sự không thoải mái của mình với việc ông Pence không gửi bất cứ thông điệp nào ủng hộ sự cố kết của EU, điều mà trước đó Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Wolfgang Ischinger đã thẳng thắn gợi ý Phó Tổng thống Mỹ nên làm.

Ông Jean-Marc Ayrault nói: “Tôi bị sốc vì ông ấy chẳng hề đề cập tới EU”.

Trong khi Tổng thống Donald Trump đã có không biết bao nhiêu lần ca ngợi quyết định của cử tri Anh chọn rời khỏi liên minh này và thậm chí còn khuyến khích các nước khác cũng làm theo, một động thái làm dấy lên những quan ngại rằng ông từ bỏ chính sách của Mỹ hàng chục năm qua với EU và chủ động kích động sự tan rã của liên minh 28 nước này./.

VOV.VN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhiều nước tiếp tục phản đối sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tuyên bố của 22 nước thành viên Liên đoàn A-rập, bao gồm một số quốc gia có công dân bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, nêu rõ, những giới hạn trong sắc lệnh này là phi lí.

30/01/2017
Mỹ nâng cấp căn cứ quân sự ở Philippines trong năm nay

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết Mỹ sẽ nâng cấp, xây dựng các cơ sở tại một số căn cứ quân sự ở nước này trong năm nay.

27/01/2017
Tân Tổng thống Donald Trump cam kết "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại"

Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 20/1 đã chính chức nhậm chức Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

21/01/2017
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đề nghị lùi ngày luận tội

Các luật sư bào chữa cho Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đề nghị Tòa án Hiến pháp lùi ngày luận tội nhà lãnh đạo này tới đầu tháng sau.

20/02/2017