So găng Trump-Cinton lần cuối: Không nhiều bất ngờ

15:06, 20/10/2016

Trong trận so găng này, hai ứng viên Tổng thống Mỹ Trump và Clinton tỏ ra khá thận trọng trong những phút đầu.

Cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ ba và cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ hàng đầu là ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ đã diễn ra vào tối ngày 19/10 (giờ địa phương), tức sáng 20/10 giờ Việt Nam tại Đại học Nevada ở Las Vegas. Cuộc tranh luận lần này là thử thách cuối cùng đối với cả hai ứng cử viên trước ngày bầu cử 8/11 tới.

so gang trump cinton lan cuoi khong nhieu bat ngo hinh 1
Ảnh: Reuters.

Với tính chất là cuộc so găng cuối cùng trước ngày bầu cử, cuộc tranh luận trực tiếp trong vòng 90 phút được kỳ vọng sẽ gay cấn và có nhiều bất ngờ do cả hai ứng cử viên đưa ra. Trên thực tế, cả hai ứng cử viên đều tỏ ra khá thận trọng trong những phút đầu và thậm chí không bắt tay đối thủ kể cả lúc bắt đầu và kết thúc tranh luận. Trong những phút đầu, cả hai ứng cử viên tỏ ra kiên nhẫn, lắng nghe câu trả lời của đối thủ nhưng càng về sau cuộc tranh luận lại càng gay cấn khi cả hai, đặc biệt là ông Trump, liên tục ngắt lời đối thủ và cả người điều phối để cố đưa ra quan điểm và chỉ trích đối thủ.

Ngoài những chủ đề mà người điều phối đã chuẩn bị trước đó như Tòa án Tối cao, nạo phá thai, di cư, phát triển nền kinh tế, tiêu chuẩn trở thành tổng thống, các điểm nóng trên thế giới, và nợ quốc gia, các ứng cử viên cũng tiếp tục công kích nhau về những vấn đề cá nhân trước đó đã được đưa ra tại các cuộc tranh luận như đối với ông Trump là vấn đề tôn trọng phụ nữ, công bố thuế thu nhập, chính sách đối với người nhập cư, những bình luận về Tổng thống Putin và vấn đề vũ khí hạt nhân, còn ông Trump tiếp tục chỉ trích đối thủ của mình về vấn đề thư điện tử, chính sách mở cửa biên giới, chính sách của chồng bà Clinton là cựu tổng thống Bill Clinton, việc bà Clinton nói mà không làm trong vòng 30 năm qua, quỹ Clinton, xung đột ở Iraq và Syria, kích động bạo lực và gian lận trong bầu cử.

Trên thực tế, những câu trả lời mà cả hai ứng cử viên đưa ra đều không có nhiều điểm mới và bất ngờ so với gì đã được phản ánh qua báo chí và mạng xã hội. Về phần thể hiện, ông Trump ban đầu có vẻ bình tĩnh và kiên nhẫn nhưng càng về sau ông lại trở lại với tính cách của mình khi liên tục ngắt lời và chỉ trích đối thủ. Như mọi khi, ông Trump vẫn không trả lời trực tiếp các câu hỏi mà lái sang vấn đề khác hoặc quay sang phê phán vấn đề của đối thủ. Trái với cuộc tranh luận trước, ông không có được cách thể hiện liên tục công kích đối thủ, điều mà nhiều người cho rằng ông đã làm tốt để chặn đà giảm uy tín của mình.

Đối với bà Clinton, dường như bà có được sự chuẩn bị tốt hơn, tự tin và bình tĩnh hơn mặc dù có những lúc cũng bị cuốn vào việc tranh cãi với ông Trump. Khác với ông Trump, bà Clinton đưa ra được nhiều lập luận và dẫn chứng hơn, đặc biệt là các vấn đề, các câu nói của ông Trump.

Vấn đề tương đối gây chú ý đối với người xem đó là câu trả lời của ông Trump về việc có chấp nhận kết quả bầu cử hay không. Ông Trump không nói cụ thể mà trả lời rằng sẽ có câu trả lời sau. Đây cũng là một vấn đề gây sự chú ý của dư luận trước cuộc tranh luận khi ông Trump tuyên bố rằng cuộc bầu cử bị gian lận và cáo buộc giới truyền thông thiên vị và không trung thực.      

Bất kể ai là người chiến thắng trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng này, rõ ràng kết quả của nó sẽ ảnh hưởng tới quyết định của các cử tri còn đang lưỡng lự sẽ chọn ai còn theo truyền thống thì các cuộc tranh luận không ảnh hưởng nhiều tới quyết định của các cử tri đã cam kết. Cuộc tranh luận được điều phối bởi Chris Wallace, người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh truyền hình Fox News, người đã thực hiện khá tốt vai trò của mình. Hình thức của cuộc tranh luận giống như cuộc tranh luận đầu tiên đó là mỗi ứng cử viên có 2 phút để trả lời câu hỏi và 1 phút để phản bác phương án của đối thủ.

Trước cuộc tranh luận đã có nhiều điều tra dư luận được thực hiện với kết quả nghiêng về bà Clinton tuy nhiên bà Clinton không thực sự chiếm được thiện cảm tuyệt đối của cử tri. Nhiều người cho rằng cả hai ứng cử viên đều không trung thực và không ủng hộ cả hai hoặc họ nói sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên này đơn giản là không thích người kia.

8/11 sẽ là ngày bầu cử trên toàn nước Mỹ./.

http://vov.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tranh luận lần ba: Trump xoáy sâu vào thất bại quá khứ của Clinton

Những thất bại của bà Clinton khi còn là Ngoại trưởng Mỹ sẽ là mục tiêu mà tỷ phú Mỹ xoáy vào để đánh bại đối thủ trong cuộc tranh luận cuối cùng.

20/10/2016
Hàng chục nghìn người ở Mosul có thể bị IS dùng làm lá chắn sống

Nhà nước Hồi giáo có thể dùng hàng chục nghìn dân thường ở Mosul làm lá chắn sống bảo vệ thành phố trước các đợt tấn công của quân đội Iraq.

19/10/2016
Mỹ tuyên bố ủng hộ chiến dịch tấn công Mosul của Iraq

Ngày 17/10, tướng Stephen J. Townsend của Mỹ tại Iraq cho biết, Mỹ sẽ ủng hộ chiến dịch phản công của quân đội Iraq nhằm giành lại thành phố Mosul.

18/10/2016
Thỏa thuận quốc phòng Nga-Ấn: Đòn bẩy cải thiện quan hệ song phương

Ấn Độ và Nga ngày 15/10 đã ký những thỏa thuận về năng lượng và quốc phòng trị giá hàng tỉ USD.

17/10/2016