Thảm kịch Orlando: FBI có thể làm gì để ngăn chặn tội ác?

07:26, 16/06/2016

Trong khi FBI nói rằng đã làm hết trách nhiệm, nhiều người vẫn cho rằng, FBI để lọt tội phạm và gián tiếp gây nên thảm kịch ở Orlando.

Mỗi ngày, tại văn phòng của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trên khắp nước Mỹ, các đặc vụ đọc lướt qua những tài liệu mật về những công dân Mỹ có liên quan đến khủng bố lần cuối cùng. Họ đọc lại những báo cáo do những người chỉ điểm cung cấp và xem xét những thông tin tình báo. Sau đó, họ đóng hồ sơ lại và đi làm việc khác.

tham kich orlando: fbi co the lam gi de ngan chan toi ac? hinh 0
Cảnh sát tuần tra quanh khuôn viên hộp đêm Pulse ở thành phố Orlando, thuộc bang Florida, Mỹ. (Ảnh: AP)

Việc quyết định theo dõi một trường hợp cụ thể nào đó là một quyết định rất quan trọng. Tuy nhiên, với việc FBI phải tiến hành điều tra tới 10.000 vụ cùng lúc khiến công việc của họ khó có thể tập trung.

Hồ sơ hung thủ vụ xả súng ở Orlando được xử lý đúng quy trình

Vụ xả súng tại hộp đêm Pulse ở thành phố Orlando, thuộc bang Florida, Mỹ ngày 12/6 khiến 49 người thiệt mạng đã gây sự chú ý đối với quy trình có vẻ rất nhàm chán này. FBI đã điều tra về hoạt động của hung thủ vụ xả súng Omar Mateen trong 10 tháng, nhưng sau đó khép lại hồ sơ của người đàn ông này theo đúng quy trình.

Theo đó, trung tâm đầu não ở Washington – cơ quan có thể đảo ngược bất kỳ quyết định ngừng điều tra nào đã được thông báo về việc khép lại hồ sơ của Mateen. Thực tế là hồ sơ của Mateen dường như không có điều gì đáng chú ý cho đến trước khi vụ xả súng ở Orlando xảy ra.

 
 

Ngày 14/6, hai ngày sau khi xảy ra vụ thảm sát đẫm máu, FBI đã kiểm tra máy tính cá nhân của Mateen để cố gắng tìm hiểu về mức độ liên quan của vợ hắn trong vụ việc. Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Loretta Lynch cũng cam kết sẽ điều tra kỹ lưỡng vụ thảm sát nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả chính là việc rút ra bài học để có thể ngăn chặn các thảm kịch tương tự.

Nếu nhìn lại quá khứ, khi nước Mỹ từng phải đối mặt với những vụ tấn công kinh hoàng như ở giải chạy Marathon tại Boston hồi năm 2013, vụ nổ súng ở Garland, Texas năm 2015 thì rất dễ hiểu khi vụ xả súng ở Orlando khiến dư luận đặt câu hỏi cho hiệu quả công việc mà FBI đang làm.

 

tham kich orlando: fbi co the lam gi de ngan chan toi ac? hinh 1
Hiện trường vụ xả súng ở Orlando ngày 12/6. (Ảnh: Reuters)

Việc xử lý hồ sơ tội phạm không dễ dàng

Trên thực tế, có hàng chục nghìn khuyến cáo về nguy cơ khủng bố được gửi đến FBI mỗi năm. Một phần trong số đó là có cơ sở trong khi số khác chỉ là những lời đe dọa xuất phát từ động cơ như thù hận cá nhân hoặc phân biệt chủng tộc.

Theo sau những khuyến cáo, hàng nghìn cuộc điều tra được mở ra rồi khép lại. Ở thời điểm hiện tại, các quan chức thực thi pháp luật của Mỹ cho biết, FBI đang tiến hành điều tra 1.000 vụ tấn công tiềm năng liên quan đến bao lực trong nước mà phần lớn trong số đó liên quan đến yếu tố Hồi giáo.

Số lượng các đặc vụ xử lý những vụ việc liên quan đến khủng bố thay đổi theo số lượng các vụ việc, nhưng về cơ bản trên khắp nước Mỹ có vài nghìn đặc vụ đảm nhận công việc này cùng với vô số các chuyên gia phân tích. Cái khó của họ là phải phân loại giữa nhưng mối đe dọa phạm tội thông thường với mối đe dọa khủng bố.

Đối với trường hợp của Mateen, các đồng nghiệp của hắn cho biết, trong năm 2013, Mateen từng khoe khoang về mối quan hệ với nhóm vũ trang Hezbollah và tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Về cơ bản thì những lời nói của Mateen được cho là có mâu thuẫn, bởi Hezbollah là một nhóm ủng hộ người Shiite trong khi Al-Qaeda ủng hộ người Sunni.

Mặc dù vậy, đặc vụ Mỹ vẫn mở một cuộc điều tra sơ bộ, bí mật theo dõi hoạt động của Mateen, thẩm vấn người đàn ông này hai lần và cử một người chuyên cung cấp thông tin về Mateen trong suốt gần một năm.

“Tôi nghĩ FBI có công việc vô cùng khó khăn bởi vì thủ phạm hoạt động giống như một con sói đơn độc. Lực lượng thực phi pháp luật của Mỹ đã làm việc rất chăm chỉ để sàng lọc, ngăn chặn những mối đe dọa tiềm tàng”, Caroline Fredrickson, Chủ tịch Hiệp hội Hiến pháp Mỹ nhận định.

tham kich orlando: fbi co the lam gi de ngan chan toi ac? hinh 2
Nhà riêng của Omar Mateen ở Fort Pierce, Florida. (Ảnh: EPA)

FBI rơi vào thế “tiến thái lưỡng nan”

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” mà các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ vướng vào không phải là mới nhưng nó đang trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây.

Sau sự kiện 11/9/2001, FBI đặt ra một loạt các biện pháp để ngăn chặn khủng bố, nhưng 15 năm đã trôi qua, tình hình đã thay đổi với những yêu cầu mới đặt ra. Không giống như phương thức hoạt động của Al-Qaeda đó là đưa các chiến binh tới những địa điểm cần tấn công, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại khuyến khích bất kỳ ai đứng lên cầm vũ khí dưới danh nghĩa của chúng. Đào tạo và điều động chiến binh đối với IS là việc làm không cần thiết.

Cho dù mối liên hệ thực sự giữa Mateen với IS vẫn còn cần phải được xác minh làm rõ thì có một điều không thể phủ nhận đó là khó khăn trong việc phân biệt vụ thảm sát bằng súng trường này với một vụ tấn công khủng bố.

Theo những thông tin mới nhất của NBC News, vợ của Mateen, Noor Zahi Salman đang trở thành mục tiêu điều tra với cáo buộc đồng lõa vì đã biết trước kế hoạch của Mateen nhưng không khai báo.

Trước đó còn có thông tin cho rằng, hung thủ vụ xả súng tại câu lạc bộ đêm Pulse ở thành phố Orlando, thuộc bang Florida, Mỹ là khách hàng quen thuộc của câu lạc bộ này.

Tờ Orlando Sentinel dẫn lời Ty Smith, một khách quen tại câu lạc bộ đêm Pulse cho biết, người này đã gặp Omar Mateen – hung thủ vụ xả súng khoảng hơn 10 lần. Theo lời kể của nhân chứng Ty Smith, đối tượng thường ngồi và uống rượu một mình, đôi lúc trở nên to tiếng và hung hăng trong cơn say.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông khác cũng đưa tin, nhiều vị khách tại câu lạc bộ này cho biết đã nhìn thấy đối tượng thường xuyên lui tới đây trong vòng 3 năm qua.

FBI để “lọt lưới” Mateen?

Sâu chuỗi những chi tiết với nhau, người ta có quyền đặt câu hỏi rằng liệu có phải nhà chức trách đã mắc sai lầm, bỏ qua chi tiết nào đó để dẫn đến hậu quả đau lòng như vậy.

 

tham kich orlando: fbi co the lam gi de ngan chan toi ac? hinh 3
Hoạt động tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng diễn ra ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, Giám đốc FBI James B. Comey khẳng định, Mateen bị đưa vào danh sách theo dõi rồi sau đó được đưa ra khỏi danh sách này theo đúng quy trình bắt buộc vì FBI “không thể giữ người để điều tra vô thời hạn”.

Theo ông Comey, ngay cả khi Mateen vẫn nằm trong danh sách theo dõi thì FBI cũng không thể ngăn hắn ta mua súng. Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã phủ quyết một dự luật trao quyền cho FBI ngăn chặn việc bán súng cho những người nằm trong danh sách đen.

Tuy nhiên, nếu đang trong danh sách bị theo dõi, các đại lý bán súng sẽ được cảnh báo về việc bán súng cho đối tượng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Sally Q. Yates nói: “Chắc chắn khi xem lại trường hợp này, chúng ta phải được biết Mateen đã có được số vũ khí để gây án như thế nào”.

Theo bà Yates, Bộ Tư pháp sẽ xem xét ban hành một chính sách mới, theo đó, FBI được cảnh báo về doanh số bán súng cho những người trước đây từng bị điều tra về những cáo buộc liên quan đến khủng bố.

Trong khi đó, Hiệp hội súng trường Quốc gia của Mỹ đã nhanh chóng có động thái dập tắt các cuộc thảo luận về chính sách quản lý súng đạn.

Chủ tịch quỹ chiến thắng chính trị của Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA), Chris Cox trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ USA Today đổ lỗi cho việc Chính quyền liên bang không làm gì nhiều hơn để ngăn chặn tội ác của Mateen.

Ông Cox nói: “Các đồng nghiệp của Mateen đã thông báo về tư tưởng bạo lực và phân biệt chủng tộc của hắn nhưng thật không may, chính quyền của ông Obama đã không làm bất kỳ điều gì để ngăn chặn”./.

VOV.VN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trưởng đoàn đối lập Syria từ chức - Bế tắc mới trên bàn đàm phán

Quyết định từ chức của trưởng đoàn đối lập có thể làm phức tạp tiến trình đối thoại tìm giải pháp chính trị cho khủng hoảng kéo dài hơn 5 năm qua.

31/05/2016
IS lên kế hoạch tấn công trận bóng đá Anh – Nga tại Euro 2016

Âm mưu của IS bị phanh phui sau khi cảnh sát khai thác thông tin từ máy tính cá nhân của kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố Paris.

31/05/2016
Người dân Thái Lan muốn sớm tổ chức tổng tuyển cử

Người dân Thái Lan mong muốn tổ chức tổng tuyển cử sớm để có một chính phủ được cộng đồng quốc tế thừa nhận và thực sự đại diện cho người dân.

30/05/2016
Kịch bản nào đón đợi nước Mỹ nếu bà Clinton trở thành Tổng thống?

Theo một số chuyên gia, đường lối đối ngoại cứng rắn của bà Clinton có thể gây hại cho nước Mỹ nếu bà trở thành Tổng thống.

27/05/2016