Ai Cập: Hoàn tất lộ trình chuyển giao chính trị

10:03, 22/10/2015

Sau hơn 3 năm không có cơ quan lập pháp, Ai Cập đã tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội. Đây là sự kiện quan trọng trong chặng cuối của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Bắc Phi kể từ sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi hồi năm 2013.

 

 

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở Ai Cập được đánh giá là quá thấp.

Theo kết quả bầu cử sơ bộ ngày 20-10, liên minh Vì tình yêu Ai Cập (FLE) ủng hộ đương kim Tổng thống Abdel-Fattah Al-Sisi, đã giành chiến thắng tại cuộc bầu cử vòng một diễn ra ở 14 tỉnh sau khi giành được 60 ghế tại vùng Thượng Ai Cập và 3 tỉnh thuộc khu vực Tây Lưu vực sông Nile. FLE, do cựu sĩ quan tình báo Sameh Seif Al-Yazal lãnh đạo là một liên minh bầu cử, không phải một đảng phái chính trị. Liên minh này tập hợp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu đất nước và các cựu thành viên trong đảng Dân chủ Quốc gia vốn đã bị giải tán của cựu Tổng thống Hosni Mubarak. FLE đã rất thành công khi thúc đẩy các nỗ lực sửa đổi Hiến pháp năm 2014, theo đó các thành viên của liên minh đã đề xuất một số quyền của Quốc hội cần phải chuyển giao cho Tổng thống nhằm tăng thêm quyền lực cho ông A.Al-Sisi. Về thứ hai trong cuộc bầu cử vòng một là đảng Nour. Đây là đảng Hồi giáo duy nhất tham gia chạy đua vào Quốc hội Ai Cập sau khi ủng hộ cuộc nổi dậy lật đổ cựu Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi tháng 7-2013.

Hiện chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu nhưng giới truyền thông trong nước và quốc tế ước tính tỷ lệ này chỉ vào khoảng 15-20% trong tổng số hơn 27,4 triệu cử tri đăng ký bầu cử vòng một. Nhiều điểm bỏ phiếu, nhất là ở tỉnh Giza và Alexandria, chỉ chứng kiến người già đi thực hiện nghĩa vụ công dân, trong khi thanh niên trẻ tỏ ra ít mặn mà với sự kiện chính trị quan trọng này của Ai Cập. Trong khi đó, Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập thông báo rằng, chỉ 30.531 cử tri ở nước ngoài đi bỏ phiếu, chiếm chưa tới 5% trong tổng số 700.000 cử tri đã đăng ký. Đây là tỷ lệ quá thấp khi Ai Cập có tới 10 triệu công dân sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Theo kế hoạch, vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra tại 13 tỉnh còn lại trong ba ngày từ 21 đến 23-11, với khoảng 28 triệu cử tri đăng ký đi bỏ phiếu.

Cùng với tình hình bạo lực ngày càng gia tăng và có chiều hướng lan rộng tại khu vực, cuộc bầu cử Quốc hội Ai Cập diễn ra trong bối cảnh có những ý kiến cho rằng Chính phủ đã thực hiện những chính sách hạn chế quyền tự do, dân chủ của người dân với hàng loạt dự luật, sắc lệnh hà khắc. Ngoài ra, tính độc lập của Quốc hội sắp tới cũng bị hoài nghi khi trên thực tế, Hiến pháp đã được thông qua, tổng thống đã được bầu và thẩm quyền bổ nhiệm thành phần nội các của chính phủ nằm trong tay Tổng thống A.Al-Sisi. Do vậy, theo logic, bất kỳ sự phản kháng từ cơ quan lập pháp tại nước này có thể dẫn đến một quyết định giải thể từ tổng thống. Trong khi đó, báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu cho thấy, các chỉ số của Ai Cập hiện đang ở mức báo động, đặc biệt về cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, giáo dục và đào tạo, quy mô thị trường tài chính, y tế, lao động… Hơn nữa, sự suy thoái trầm trọng do thâm hụt ngân sách ở mức 20,8 tỷ USD, chiếm 6,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nợ công 260 tỷ USD, nợ nước ngoài khoảng 5,9 tỷ USD. Với 40% dân số sống ở mức nghèo đói, mức thu nhập bình quân đầu người dưới 2 USD một ngày, tỷ lệ thất nghiệp khá cao, trên dưới 30%, Ai Cập còn cần phải thực hiện nhiều cải cách nữa, đặc biệt là loại bỏ hệ thống quan liêu, với 7 triệu công chức, tiêu tốn 25% chi phí ngân sách quốc gia. Dẫu vậy, cũng phải thấy rằng, trong số các quốc gia mà Mùa xuân Arab tràn qua, Ai Cập đã tránh được tình trạng hỗn loạn an ninh như một số nước trong khu vực. Một vấn đề khác, Tổng thống A.Al-Sisi đã mang đến những ngờ vực về năng lực lãnh đạo đất nước của ông cũng như việc thúc đẩy một thể chế dân chủ nhưng phải thừa nhận rằng sự xuất hiện của ông ít nhất đã giữ được một quốc gia rộng lớn và quan trọng như Ai Cập khỏi làn sóng bạo lực tràn lan. Vì vậy, quốc tế hy vọng vào sự thành công của cuộc tổng tuyển cử lần này để từng bước đưa quốc gia được coi là trụ cột lớn trong thế giới Arab tiến vào một chu kỳ ổn định và thịnh vượng hơn. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với đất nước của các Pharaoh mà còn cực kỳ quan trọng đối với sự bình ổn an ninh tại toàn khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Theo Hà Nội mới
 

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ít nhất 1.100 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại Mecca

Hôm qua, 28/9, giới chức Ấn Độ và Pakistan cho biết con số thiệt mạng trong vụ giẫm đạp gần Thánh địa Mecca tuần trước có thể lên đến 1.100 người. Ít nhất 863 người bị thương trong thảm kịch này.

29/09/2015
Nhiều nước ủng hộ Tổng thống Syria

Trong bài phát biểu tại LHQ vào hôm qua, nhiều nước đã lên tiếng ủng hộ Tổng thống Syria.

29/09/2015
Liên hợp quốc triệu tập cuộc gặp cấp cao về khủng hoảng người tị nạn

Trước mức độ và quy mô ngày càng trầm trọng của cuộc khủng hoảng, ngày 27-9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã triệu tập cuộc họp cấp cao vào tuần tới.

28/09/2015
Quân đội Nigeria giải cứu gần 300 phụ nữ và trẻ em khỏi Boko Haram

Lực lượng quân đội Nigera giải cứu được gần 300 phụ nữ, trẻ em khỏi bàn tay nhóm phiến quân khủng bố Boko Haram.

25/09/2015