Pháp "bực mình" khi tình báo Mỹ nghe lén 3 Tổng thống nước này

09:31, 26/06/2015

Toàn bộ chính giới Pháp, từ cánh tả cầm quyền cho đến cánh hữu đối lập đã nhất loạt lên án hành động nghe lén các Tổng thống Pháp của tình báo Mỹ.

Theo các tài liệu của WikiLeaks được hai tờ báo Pháp là nhật báo Liberation và trang mạng Mediapart đăng tải tối 23/6, cả ba Tổng thống Pháp, từ Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Francois Hollande đều đã bị Cơ quan tình báo Mỹ (NSA) nghe lén.

Những tài liệu này dựa trên những cuộc nghe lén điện thoại, được đóng dấu “Tối mật” của NSA, gửi cho các nhà lãnh đạo Mỹ, cho thấy cả ba Tổng thống Hollande, Sarkozy và Chirac đều đã bị tình báo Mỹ nghe lén, ít ra là trong giai đoạn từ 2006 đến 2012.

Tài liệu gần đây nhất ghi ngày 22/5/2012, tức chỉ vài ngày sau khi ông Hollande nhậm chức Tổng thống, đề cập đến những cuộc họp bí mật để thảo luận về khả năng Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng Euro.

phap

Những người thân cận với cựu Tổng thống Pháp Sarkozy cũng cho rằng những phương pháp gián điệp như vậy là “không thể chấp nhận được” giữa các đồng minh.

Chưa thấy có phản ứng từ những người thân cận với cựu Tổng thống Chirac.

Toàn bộ chính giới Pháp, từ cánh tả cầm quyền cho đến cánh hữu đối lập đã nhất loạt lên án hành động nghe lén các Tổng thống Pháp của tình báo Mỹ.

Nhà trắng hôm qua bảo đảm rằng hiện giờ Mỹ không nghe lén các liên lạc điện thoại của Tổng thống Hollande, mặc dù không nói rõ là những hoạt động đó có được tiến hành trong quá khứ hay không.

Dư luận báo chí Pháp

Tiết lộ của WikiLeaks về vụ tình báo Mỹ nghe trộm 3 đời Tổng thống Pháp là chủ đề trung tâm của báo giới Pháp ngày 24-25/6.

Trên trang nhất, Le Figaro chạy hàng tít: "Chirac, Sarkozy và Hollande bị NSA nghe lén?" và lưu ý không chỉ có Tổng thống, mà cả Bộ trưởng lẫn nghị sĩ Pháp cũng bị theo dõi, nghe lén.

Đặc biệt tờ Liberation đã dành hẳn 10 trang cho sự kiện, với dòng tít: “Bị nghe lén” cùng ảnh 3 vị Tổng thống Pháp trên trang nhất. Tờ báo đã đăng lại các báo cáo của NSA, và bình luận: “NSA theo dõi mọi người, bạn cũng như thù, CIA tuyển mộ người trong guồng máy của các đồng minh cũng như địch thủ, đó là những điều không còn làm ai ngạc nhiên. Nhưng cũng không nên tỏ ra quá ngây thơ: Pháp cũng làm như vậy, nhưng ở mức độ kém hơn, vì phương tiện không bằng”.

Cũng theo Liberation, ai cũng biết thái độ nghi kỵ của Mỹ đối với đồng minh Pháp, nhưng phải thấy có một sự khác biệt rất lớn giữa việc tìm hiểu chương trình hạt nhân của Pháp, với việc đặt nghe điện thoại di động riêng của ông Sarkozy hay ông Hollande. Nếu cư xử như thế thì có nghĩa là đồng minh hay kẻ đối nghịch không có gì khác nhau, có thể hoàn toàn "chơi xỏ’ như nhau. Điều này không hay cho quan hệ hai nước.

Tờ Les Echos nêu phản ứng mạnh mẽ của chính giới về vụ việc này. Tờ báo nêu hai thái độ: Cánh tả thắc mắc rằng một nước đặt lên hàng đầu quyền tự do cá nhân như Mỹ lại có hành động như vậy. Số khác thì cho rằng điều này là nghiêm trọng, nhưng có thể lường trước được, vì NSA có phương tiện thâm nhập vào các hệ thống điện thoại, Internet, để tìm hiểu người ta nghĩ gì, nói gì.

Về ảnh hưởng của vụ việc, tờ Le Monde bình luận: Hiện tượng tiêu cực này tìm được lời giải đáp bằng "luật không thành văn" của thế giới tình báo. Nó sẽ không có tác động gì lớn tới các quyết định chính trị và sự phụ thuộc lẫn nhau của các cơ quan đặc biệt của các đồng minh. Chỉ vài tuần trước đây thôi, khi được biết phủ Tổng thống, Bộ Ngoại giao và các hãng lớn của Pháp như Airbus hay Dassault bị tình báo Đức (BND) nghe lén từ 2005-2015 phục vụ mục đích của NSA, nhưng Tổng thống F. Hollande ngày 19/5 vẫn tuyên bố "hoàn toàn tin tưởng" ở ban lãnh đạo Đức. Còn Ngoại trưởng L. Fabius thì nói điều đó sẽ "không hề ảnh hưởng" tới tình hữu nghị Pháp-Đức./.

VOV.VN

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Afghanistan: Cuộc chay đua nguy hiểm giữa Taliban và IS

Theo nhiều nhà phân tích, đây không chỉ là một cuộc chiến về ý thức hệ, mà còn là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các nhóm cực đoan ở Trung Đông.

25/06/2015
"Con nợ" Hy Lạp vẫn chưa thoát hiểm?

Dư luận cho rằng, quỹ thời gian tuy không nhiều, nhưng vẫn hy vọng vào "phút 89", Hy Lạp và bộ 3 chủ nợ có thể đạt được thỏa thuận tạm thời.

24/06/2015
Tương lai mới cho quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc

Ngày 22/6, Nhật Bản và Hàn Quốc đã kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

23/06/2015
Ông Poroshenko đang lo "mất ghế" Tổng thống Ukraine?

Bế tắc trong việc giải quyết nội chiến miền Đông lẫn điều hành chính quyền, Tổng thống Ukraine có nguy cơ "mất ghế" chẳng khác người tiền nhiệm.

23/06/2015