Mỹ càng tăng cường tấn công, IS càng mạnh hơn ở Iraq?

11:49, 14/06/2015

Ngày 11/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định điều thêm 450 quân bổ sung cho khoảng 3.100 cố vấn quân sự hiện nay ở Iraq. Bên cạnh đó Mỹ cũng tăng số lượng căn cứ của mình ở Iraq lên con số 5.

Quyết định mới của ông Obama khiến nhiều nhà phân tích dự đoán, Mỹ đang thay đổi chiến thuật của mình ở Iraq sau hàng loạt cuộc không kích nhưng kết quả không những không khiến cho Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) suy yếu mà còn mạnh mẽ lên nhiều lần. 

Mỹ sẽ triển khai thêm 450 binh sỹ đến Iraq (ảnh: Getty)

Với việc tăng quân cùng số lượng căn cứ quân sự, giới chức Mỹ hy vọng, những căn cứ quân sự ở Iraq sẽ trở thành những lá chắn để bảo vệ cho binh sỹ Mỹ và Iraq khỏi sự nguy hiểm trong vùng giao tranh. Các “lá chắn” được kết nối với nhau bằng đường bộ và đường không với các khu vực an toàn hơn ở phía sau.

Theo Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, việc đưa 450 lính Mỹ tới căn cứ quân sự Taqaddum ở tỉnh Anbar, Iraq là rất quan trọng, bởi nó giúp cố vấn Mỹ tiếp xúc được thêm với một sư đoàn Iraq và đưa tầm ảnh hưởng của mình tới tỉnh Anbar, nơi có nhiều bộ tộc người Sunni.

Trước quyết định mới này, RT đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư chuyên ngành Chính sách công Max Abrahms đến từ Đại học Northeastern, Mỹ và nhà phân tích Richard Becker của liên minh ANSWER chống chiến tranh có trụ sở tại Mỹ.

Đây là một chiến thuật tốt, nhưng sẽ không làm thay đổi cuộc chơi đáng kể

RT: Thời gian gần đây, Washington vừa công bố việc nước này sẽ gửi thêm quân đến Iraq. Theo một tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã cho phép triển khai thêm 450 người đến huấn luyện cho lực lượng Iraq nhằm đẩy lùi các tay súng IS. Ông có cho rằng đó là chiến thuật hợp lý trong lúc này?

Gs. Max Abrahms: Tôi nghĩ đây là một chiến thuật tốt, nhưng sẽ không làm thay đổi cuộc chơi đáng kể. Về cơ bản, đây là chiến thuật nhằm tiến đánh IS trên mặt đất - điều này có thể sẽ khiến một số nhà quan sát thấy ngạc nhiên. Thế nhưng, vấn đề là dường như Mỹ đang tiến hành mọi việc quá chậm so với sự bành trường của tổ chức khủng bố này. 

Các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ảnh: AFP)

Ngay từ đầu, chúng tôi đã phân tích rằng Mỹ cần có lực lượng trên mặt đất để chống lại sự trỗi dậy của IS. Vấn đề ở đây là: Lực lượng trên mặt đất sẽ từ đâu đến?

Để thực hiện được điều này, Washington đã dựa vào các lực lượng người Shiite. Lực lượng này đã chiến đấu thành công ở Tikrit nhưng rốt cục “ngậm ngùi” chịu thua ở Anbar.

Một trong những nguyên nhân khiến lực lượng quân sự Iraq thua là bởi vì họ không đủ các tay súng người Sunni. Các tay súng Sunni hiện tại dường như chưa đủ mạnh mẽ để chống IS vì họ thiếu hụt vũ khí. Bởi vậy, ý định triển khai 450 cố vấn quân sự đến Iraq, cung cấp thêm vũ khí, đồng thời thành lập nhóm tác chiến kết hợp giữa lực lượng dân quân Shiite cùng với các bộ lạc người Sunni là chiến thuật không tồi.

Về cơ bản, chúng ta nên tận dụng bất kỳ nguồn lực nào trên mặt đất- những người sẵn sàng và có khả năng đối đầu với IS. Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa và thẳng thắn mà nói, chiến thuật này được triển khai quá muộn.

Còn nhiều lo ngại khi cung cấp vũ khí cho người Sunni

RT: Liệu có cản trở nào khi triển khai chiến lược mà ông vừa nêu hay không? Có một số người lo ngại rằng nếu Mỹ cấp vũ khí, có thể một số nhóm người Sunni sẽ giao lại vũ khí cho IS. Ông nghĩa sao về điều này?

Gs. Max Abrahms: Việc lo ngại hoàn toàn có cơ sở, đây là cản trở chính trong chiến lược này. Trong thực tế, IS là một nhóm người Sunni cực đoan và tổ chức này đã thiết lập nhiều cứ điểm trong cộng đồng người Sunni. Tuy nhiên, tại thời điểm này, chưa rõ liệu những người dân Sunni có hỗ trợ cho tổ chức IS hay không. Đáng lo ngại hơn, nếu Mỹ cung cấp vũ khí cho người dân địa phương chống IS, sau đó những người này cũng có thể quay sang chống chính phủ. 

Trước đây, Mỹ từng hỗ trợ vũ khí cho người Sunni để chống lại tổ chức khủng bố al-Qaeda nhưng cuối cùng, nhiều người Sunni lại hóa ra không còn đáng tin cậy.

RT: Washington mới đây đã thừa nhận rằng nước này hoàn toàn không có một chiến lược cụ thể nào trong cuộc chiến chống IS tại Iraq. Liệu Mỹ có tìm cách khắc phục điều này hay không? Việc khắc phục sẽ là chiến lược nhất thời hay là chuẩn bị cho một chiến lược dài lâu chống IS?

Gs. Max Abrahms: Tôi nghĩ rằng đây là chiến lược nhất thời của Mỹ nhằm đối phó với sự trỗi dậy của IS. Tôi có cảm tưởng như Mỹ đang liên tục đi sau IS. 

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo ngày càng bành trướng ở Iraq (ảnh: Reuters)

Theo tôi, nước Mỹ đang có những bước đi đúng đắn, nhưng cần phải tăng cường hơn nữa. Ví dụ, việc sử dụng sức mạnh không quân trong kế hoạch chống khủng bố là chính xác ... nhưng vấn đề là chỉ có vậy thôi thì chưa đủ.

Số lượng các phi vụ không kích là rất thấp và tỷ lệ xác suất mà những quả bom được thả xuống trong mỗi lần không kích chỉ là 25%. Mỹ cần phải kết hợp hiệu quả hơn với lực lượng binh sỹ người Shiite, đồng thời trang bị vũ khí cho người Sunni, và hỗ trợ không lực ở Iraq. 

Mỹ trở tay không kịp trong cuộc chiến chống khủng bố

RT: Bên cạnh hoạt động huấn luyện, nhiều binh sỹ Mỹ đến Iraq còn tham gia vào cả hoạt động chiến đấu. Liệu việc Mỹ gửi thêm binh sỹ đến Baghdad liệu có phải chỉ để đào tạo cho lực lượng quân sự Iraq hay còn vì mục đích nào khác?

Ông Richard Becker: Điều này rất khó để dự đoán. Trước hết, có thế thấy rõ ràng, Mỹ gửi binh sỹ đến huấn luyện khi quân đội Iraq không còn khả năng chống cự trước IS. Bên cạnh đó, còn có những lý do khác khiến Mỹ thực hiện việc này, như việc bảo vệ các căn cứ mới.

Ví dụ trong trường hợp Mỹ muốn xây dựng một căn cứ quân sự mới ở gần Ramadi (hiện đang dưới sự kiểm soát của IS) thì không có gì đảm bảo rằng tổ chức khủng bố IS sẽ không tấn công. Nếu bị IS tấn công, trước nguy cơ căn cứ có khả năng sụp đổ, Mỹ có thể sẽ gửi thêm hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn quân đến Iraq để bảo vệ căn cứ.

Tuy nhiên, ở Mỹ có quá nhiều ý kiến phản đối việc gửi số lượng lớn binh sỹ quay trở lại Iraq. Những người phản đối vì cho rằng Mỹ sẽ mất nhiều hơn là được khi gửi binh sỹ đến Baghdad. 

Có nhiều ý kiến phản đối việc gửi số lượng lớn binh sỹ Mỹ quay trở lại Iraq (ảnh: AP)

RT: Tại sao ông cho rằng việc Mỹ quyết định triển khai thêm quân đến Iraq là để chiến đấu hơn là huấn luyện?

Ông Richard Becker: Tôi nghĩ rằng Mỹ nhìn thấy sự yếu kém rõ ràng của binh sỹ Iraq. Mỹ đã đầu tư hàng chục tỷ USD nhằm xây dựng 1 lực lượng Iraq hùng mạnh, nhưng lực lượng này lại hoạt động không hiệu quả.

Chính phủ Mỹ, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đang cố gắng để cứu vãn tình hình ở Baghdad, cứu vãn một cái gì đó tại đất nước này sau khi rất nhiều “máu” đã đổ.

RT: Mỹ đã rút quân khỏi Iraq, nhưng bây giờ binh sỹ Mỹ đang quay trở lại, liệu đây có phải là sự thừa nhận thất bại của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố?

Ông Richard Becker:  Đây thực sự là thảm họa trong chính sách của nước Mỹ.

Hẳn bạn còn nhớ sự ngạo mạn của người Mỹ khi chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003, và Mỹ luôn mạnh miệng tuyên bố rằng người Iraq chào đón quân đội Mỹ, và Mỹ đang mở ra một chương mới cho Iraq nói riêng và Trung Đông nói chung.

Thế nhưng, không giống như những gì Washington tuyên bố, việc Mỹ can thiệp vào Iraq lại biến thành thảm họa. Sau khi Mỹ rút được toàn bộ quân về nước, sự bất ổn không chỉ dừng lại ở đó.

Xung đột gia tăng và lan rộng từ Iraq, đến Syria và Libya, tất cả những điều này cộng hưởng với nhau tạo nên một tình huống mà Mỹ trở tay không kịp. Mỹ đang cố gắng sửa chữa việc này nhưng không có nghĩa là chiến thuật của Mỹ có thể đẩy lui được IS./. 

Theo VOV


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nga cấm một loạt chính trị gia châu Âu vào lãnh thổ của mình

Bộ Ngoại giao Đức cho rằng những cá nhân trong danh sách này cần phải được biết lý do của lệnh cấm này.

30/05/2015
Quốc hội Mỹ ngày càng gia tăng nhất trí về chấm dứt cấm vận Cuba

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của Mỹ Tom Udall, đang có chuyến thăm tới Cuba, ngày 27-5 cho biết, sự nhất trí giữa hai đảng tại Quốc hội Mỹ đang ngày càng gia tăng về việc ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm vận về kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống lại Cuba.

29/05/2015
Mỹ hậu thuẫn tối đa cho Iraq để chiếm lại thành phố Ramadi từ tay IS

Ngày 27/5, quân đội Iraq và lực lượng thân chính phủ đã tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm giành lại thành phố Ramadi.

28/05/2015
Nữ hoàng Anh chính thức tuyên bố kế hoạch rời khỏi EU

Chính phủ sẽ thảo luận lại về mối quan hệ giữa Anh với EU và thúc đẩy một cuộc cải cách của EU vì lợi ích của tất cả các quốc gia thành viên.

28/05/2015