Hà Giang

"Con nợ" Hy Lạp vẫn chưa thoát hiểm?

06:43, 24/06/2015

Dư luận cho rằng, quỹ thời gian tuy không nhiều, nhưng vẫn hy vọng vào “phút 89”, Hy Lạp và bộ 3 chủ nợ có thể đạt được thỏa thuận tạm thời.

 

 

Các cuộc đàm phán kéo dài 4 tháng qua giữa Hy Lạp và bộ 3 chủ nợ (EC, IMF, ECB) đã không có kết quả nào được ghi nhận. Dư luận trông chờ vào Hội nghị thượng đỉnh Eurozone diễn ra vào đêm 22/6. Nhưng cuộc gặp bất thường của lãnh đạo 19 quốc gia kéo dài 5 giờ liên tục tại Brussels (Bỉ) đã không đưa ra bất cứ quyết định nào. Niềm hy vọng cuối cùng chỉ còn đúng một tuần nữa để hai bên tìm kiếm sự thỏa hiệp. 

 

"con no" hy lap van chua thoat hiem? hinh 0
  Niềm hy vọng cuối cùng chỉ còn đúng một tuần nữa để trả lời câu hỏi liệu "con nợ" Hy Lạp có thể thoát hiểm được hay không? (ảnh: ITN)

Từ “náo loạn”…

Hệ thống ngân hàng Hy Lạp hiện đang rung chuyển bởi tâm trạng lo lắng của người dân nước này, nếu họ đua nhau rút tiền tại ngân hàng. Hiện các ngân hàng Hy Lạp chỉ có thể duy trì được hoạt động nhờ nguồn vốn hỗ trợ khẩn cấp từ ECB. Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ này không thể kéo dài thêm nữa mà không được đảm bảo rằng Hy Lạp không vỡ nợ.

Các cuộc biểu tình ngày 21/6 của người dân Hy Lạp tại Athens để tạo áp lực với các nhà lãnh đạo của mình kiên trì chống đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và thuyết phục EU gấp rút giải ngân khoản cứu trợ còn lại.

Được biết, lương của các viên chức nước này đã bị cắt giảm 40% trong vòng 3 năm qua. Những người biểu tình cho rằng “Chính phủ hiện tại đang làm một việc rất đúng đắn”. Một viên chức cho biết: “Tôi không lo lắng về Eurozone. Chúng tôi có thể tìm kiếm các đối tác khác như Trung Quốc, Nga”.

Trước đó, Thủ tướng Tsipras đã đắc cử nhờ sự cam kết nới lỏng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, bao gồm: các khoản cắt giảm chi tiêu và nâng thuế, điều kiện để Hy Lạp nhận được khoản cứu trợ quốc tế có tổng giá trị 240 tỉ euro trong 5 năm. 

 

"con no" hy lap van chua thoat hiem? hinh 1
  Thủ tướng Hy Lạp Tsipras trả lời phỏng vấn báo chí (ảnh: AP)

Số tiền này đã giúp Hy Lạp tồn tại khi nước này không thể vay được tiền từ các thị trường tài chính. Tuy nhiên, khoản vay cuối cùng trị giá 7,2 tỉ euro đã bị giữ lại trong lúc chờ đợi thỏa thuận về các biện pháp cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn nữa. 

Được biết, nền kinh tế nước này đã sụt giảm gần 30%, và hơn 25% người dân Hy Lạp đang thất nghiệp trong khi lương của viên chức và hưu trí cũng sụt giảm. Vì thế, ông Tsipras đã từ chối chấp thuận các điều khoản của giói cứu trợ.

EU và IMF hiện vẫn rất cứng rắn khi cho rằng họ không thể giải ngân thêm tiền nếu Hy Lạp không sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết để tồn tại bằng chính khả năng của mình.

Bộ 3 chủ nợ cũng viện dẫn rằng, trường hợp của Ireland và Bồ Đào Nha, 2 quốc gia vừa trải qua cơ chế giải cứu khắc nghiệt, hiện đang phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Đến “nín thở”…

Trong quá trình đàm phán, bộ 3 chủ nợ vẫn đưa ra yêu cầu là Athens phải chứng minh khả năng thanh toán các khoản vay khẩn cấp qua việc tăng cường cắt giảm chi tiêu.

Trả lời tờ Ethnos ngày 21/6, phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Nikos Pappas tuyên bố mong muốn Athens và EU sẽ có thể “cùng tìm ra giải pháp không dính dáng đến IMF”. 

 

"con no" hy lap van chua thoat hiem? hinh 2
  Athens và EU sẽ có thể “cùng tìm ra giải pháp không dính dáng đến IMF” (ảnh: ITN)

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Tsipras lại “đổ dầu vào lửa” khi ông ký kết với Tổng thống Nga Putin hợp đồng xây dựng đường ống dẫn khí đốt tại Hy Lạp với kinh phí dự trù lên đến 2 tỉ euro.

Giới quan sát nhận định, dù tỏ ra rất cứng rắn nhưng bị dồn vào chân tường, Hy Lạp chắc chắn sẽ phải nhượng bộ qua đề xuất những giải pháp khác để tiết giảm chi tiêu ngân sách.

Tình hình sẽ càng tồi tệ hơn cho cả Athens lẫn EU nếu từ đây đến cuối tháng không có thỏa thuận nào được ký kết, khiến Hy Lạp bị vỡ nợ và phải ra khỏi Eurozone. Đây là kịch bản mà các nhà lãnh đạo EU muốn tránh bằng mọi giá.

Việc Hy Lạp quay về với đồng drachma sẽ là đòn giáng mạnh vào sự tồn tại của đồng euro lẫn nền kinh tế, uy tín và sự thống nhất nội bộ EU. Vì thế, hàng ngàn người tại nhiều nước châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Ý... đã biểu tình phản đối yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” và bày tỏ ủng hộ Hy Lạp.

Giới chuyên gia nhận định cả Hy Lạp lẫn EU sẽ phải cùng nhượng bộ để ít nhất đạt được một thỏa thuận tạm thời là Athens được giải ngân một phần của gói hỗ trợ tài chính trị giá 7,2 tỉ euro, đổi lại là một số cam kết tiết giảm ngân sách.

Tổng thống Pháp Hollande phát biểu rằng: “Châu Âu cần sự ổn định, đặc biệt là kể từ khi nhiều thành viên của châu Âu đang bắt đầu phục hồi nền kinh tế”. Theo ông việc đi đến một thỏa thuận giữa Hy Lạp và các chủ nợ là rất cần thiết.

Và vẫn phải chờ…

Kênh truyền hình Đức N-TV ngày 21/6 cho biết Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Varoufakis hoàn toàn lạc quan về kết quả sẽ đạt được với các chủ nợ quốc tế, điều sẽ giúp Athens nhận được cứu trợ để tránh phá sản

Trả lời câu hỏi liệu có thể đạt được một thoả thuận với bộ 3 chủ nợ quốc tế hay không, ông Varoufakis nói: “Chúng tôi đang đi tới một thoả thuận”. Tuy nhiên, ông không cho biết thông tin chi tiết về những đề xuất mới nhất mà Athens vừa đưa ra với các chủ nợ là gì.

Trong khi đó, Chủ tịch EC Juncker xác nhận đã nhận được các đề xuất cải cách của Hy Lạp, ECB và IMF trước đó cũng đã nhận được các đề xuất này. Ông Selmayr, chánh văn phòng EC cho rằng, những đề xuất mới của Athens là cơ sở tốt để thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Eurozone. 

 

 

"con no" hy lap van chua thoat hiem? hinh 3
  Người dân Hy Lạp mong chờ EU có thể gấp rút giải ngân khoản cứu trợ còn lại (ảnh: Reuters)

Động thái bất ngờ đưa ra đề xuất mới của Thủ tướng Hy Lạp Tsipras ngày 21/6 có thể được bộ 3 chủ nợ chấp nhận nhằm vào khoản giải ngân mới trong chương trình cứu trợ dành cho Hy Lạp.

Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp cho biết, trong cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo EU là Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Pháp Hollande và Chủ tịch EC Juncker, Thủ tướng Tsipras đã công bố các đề xuất mới trong “thỏa thuận đôi bên cùng có lợi”.

Các đề xuất mới này có thể coi là sự nhượng bộ vào phút chót của Hy Lạp nhằm tiến tới “giải pháp cuối cùng” cho cuộc đàm phán giữa Athens và bộ 3 chủ nợ.

Nếu không đạt thỏa thuận với các chủ nợ, Hy Lạp sẽ không có tiền để hoàn trả khoản 1,5 tỉ euro cho IMF trước ngày 30/6, tiếp theo Athens còn đối mặt với khoản nợ đáo hạn 6,7 tỉ euro của ECB trong tháng 7 và 8.

Tuy nhiên, vào phút chót trong phiên họp thượng đỉnh Eurozone tối 22/6, Hy Lạp đã không có cơ “thoát hiểm” do các nhà lãnh đạo Eurozone và bộ 3 chủ nợ đã không có sự nhân nhượng nào để cứu Hy Lạp.

Giới phân tích và dư luận cho rằng, quỹ thời gian tuy không nhiều, nhưng vẫn hy vọng vào “phút 89”, Hy Lạp và bộ 3 chủ nợ có thể đạt được thỏa thuân tạm thời cho khoản nợ đáo hạn đầu tiên của IMF. Vì thế, câu trả lời Hy Lạp có “thoát hiểm” hay không vẫn còn đang ở phía trước./.

vov.vn

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nga cấm một loạt chính trị gia châu Âu vào lãnh thổ của mình

Bộ Ngoại giao Đức cho rằng những cá nhân trong danh sách này cần phải được biết lý do của lệnh cấm này.

30/05/2015
Quốc hội Mỹ ngày càng gia tăng nhất trí về chấm dứt cấm vận Cuba

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của Mỹ Tom Udall, đang có chuyến thăm tới Cuba, ngày 27-5 cho biết, sự nhất trí giữa hai đảng tại Quốc hội Mỹ đang ngày càng gia tăng về việc ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm vận về kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống lại Cuba.

29/05/2015
Tương lai mới cho quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc

Ngày 22/6, Nhật Bản và Hàn Quốc đã kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

23/06/2015
Ông Poroshenko đang lo "mất ghế" Tổng thống Ukraine?

Bế tắc trong việc giải quyết nội chiến miền Đông lẫn điều hành chính quyền, Tổng thống Ukraine có nguy cơ "mất ghế" chẳng khác người tiền nhiệm.

23/06/2015