Hà Giang

Thủ tướng Israel gây thêm chia rẽ qua bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ

08:05, 04/03/2015

Thủ tướng Israel tỏ ý rất lấy làm tiếc khi không ít người nhìn nhận bài phát biểu của ông mang động cơ chính trị

Ngày 3/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đã phát biểu tại cuộc họp chung của hai viện Quốc hội Mỹ, theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện John Boehner. Không nằm ngoài dự đoán, ông Netanyahuđã dành phần lớn thời lượng bài phát biểu của mình để đề cập tới Iran.

Ngay lập tức, bài phát biểu của Thủ tướng Israelđã gây ra những phản ứng trái chiều trong chính giới và dư luận Mỹ. Ngay khi bắt đầu, Thủ tướng Netanyahu, thừa nhận bài phát biểu của ông trước Quốc hội Mỹ lần này đã là chủ đề gây rất nhiều tranh cãi. Thủ tướng Israel tỏ ý rất lấy làm tiếc khi không ít người nhìn nhận bài phát biểu của ông mang động cơ chính trị, và quả quyết rằng ông không bao giờ có ý định như vậy.

Thủ tướng Israel phát biểu tại Quốc hội Mỹ

 

Trong cử chỉ nhằm xoa dịu những căng thẳng với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Netanyahu tuyên bố đánh giá cao tất cả những gì ông Obama đã làm cho Israel. Theo ông Netanyahu, có một số việc hiện được biết đến rộng rãi như tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo giữa hai nước, hay phản đối các nghị quyết chống Israel tại Liên Hợp Quốc. Song cũng có những việc mà Tổng thống Obama đã làm cho Israel ít được biết đến, thậm chí sẽ không bao giờ được biết đến vì các lý do an ninh quốc gia. Ông Netanyahu khẳng định sẽ luôn luôn biết ơn Tổng thống Obama về những sự giúp đỡ đó.

Ông Netanyahu đồng thời tuyên bố Israel luôn luôn biết ơn sự ủng hộ của các nghị sỹ Quốc hội Mỹ theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là sự hỗ trợ hào phóng về quân sự và phòng thủ tên lửa, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa mang tên “Mái vòm sắt”. Theo ông Netanyahu, nhờ hệ thống này, hàng triệu người Israel đã được bảo vệ trước các vụ phóng rốc két của Phong trào Hồi giáo Hamas trong mùa Hè năm ngoái.

Ngay sau những lời lẽ nhằm xoa dịu căng thẳng với chính quyền Obama và lấy lòng các nghị sỹ Mỹ, ông Netanyahu đã tập trung công kích Iran. Thủ tướng Israel cáo buộc Iran đã bắt cóc hàng chục công dân Mỹ tại Tehran, tàn sát hàng trăm binh sỹ Mỹ tại Beirut, Lebanon, phải chịu trách nhiệm về các vụ giết hại và giam giữ hàng nghìn binh sỹ Mỹ tham chiến tại Iraq và Afghanistan.

Vượt ra ngoài khu vực Trung Đông, ông Netanyahu, cáo buộc Iran thực hiện các vụ tấn công Mỹ và các nước đồng minh thông qua mạng lưới khủng bố toàn cầu.

Ông Netanyahucòn cho rằng Iran đang chi phối các nước Iraq, Syria, Lebanon, Yemen, và nếu sự gây hấn đó không bị ngăn chặn thì Tehran sẽ tiếp tục theo đuổi tham vọng đó.

Liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, ông Netanyahu cho rằng thỏa thuận hoàn chỉnh mà Nhóm P5+1 đang theo đuổi, sẽ không thể ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu không có một sự thay đổi quan trọng, bất kỳ thỏa thuận nào mà 6 cường quốc ký với Iran sẽ bao gồm hai sự nhượng bộ lớn đối với Tehran. Một là để cho Iran có một hạ tầng hạt nhân rộng lớn và trao cho Tehran khoảng thời gian nghỉ để phát triển một quả bom hạt nhân. Thậm chí sự nhượng bộ thứ hai còn lớn hơn nữa, theo ông Netanyahu, đó là Iran có thể có được bom hạt nhân bằng cách vẫn duy trì thỏa thuận. Bởi vì, hầu hết những hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran sẽ tự động hết hạn sau khoảng một thập kỷ.

Ông Netanyahucho rằng các nghị sỹ Mỹ có thể yêu cầu duy trì những hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran chừng nào Tehran tiếp tục sự gây hấn trong khu vực và trên thế giới: “Trước khi gỡ bỏ những hạn chế, thế giới nên đòi hỏi Iran làm ba điều. Một là, chấm dứt sự gây hấn đối với các nước láng giềng. Hai là, chấm dứt hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố trên thế giới. Ba là, chấm dứt đe dọa hủy diệt Israel”.

Theo ông Netanyahu, nếu các cường quốc không sẵn sàng đòi hỏi Iran thay đổi cách hành xử của nước này trước khi ký thỏa thuận, thì ít nhất các nước nên đòi hỏi Tehran thay đổi cách hành xử trước khi một thỏa thuận hết hạn.

Ông Netanyahu còn cho rằng thà không đạt được thỏa thuận tốt hơn là một thỏa thuận tồi, và thỏa thuận mà Nhóm P5+1 đang đàm phán với Iran là rất tồi. Giải pháp thay thế cho thỏa thuận tồi đó là một thỏa thuận tốt hơn rất nhiều. Đó là không để cho Iran có một hạ tầng hạt nhân lớn và một khoảng thời gian nghỉ ngắn như vậy. Và một thỏa thuận tốt hơn là phải duy trì những hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran cho đến khi nào Tehran chấm dứt sự gây hấn và sẽ không dành cho nước này con đường dễ dàng để chế tạo bom hạt nhân.

Bài phát biểu của ông Netanyahuđã vấp phải những phản ứng trái chiều của các nghị sỹ Mỹ. Nếu như ông Netanyahu đã phải dừng lại tổng cộng 43 lần khi các nghị sỹ tham dự phiên họp đứng lên vỗ tay, thì cũng có tới 45 nghị sỹ đảng Dân chủ đã tẩy chay phiên họp.

Trong một tuyên bố giải thích lý do không tham dự, Thượng nghị sỹ kỳ cựu của đảng Dân chủ, ông Patrick Leahy, nhấn mạnh rằng thật đáng tiếc là các nhà lãnh đạo Hạ viện đã đơn phương dàn xếp, tiếp đó là chính trị hóa nặng nề bài phát biểu của Thủ tướng Israel, và vì vậy đã phá hủy giá trị mang tính xây dựng tiềm năng của phiên họp chung này.

Một số nghị sỹ và giới quan sát cũng cho rằng Thủ tướng Israelđã nói về giải pháp thay thế cho thỏa thuận mà Nhóm P5+1 đang đàm phán với Iran, song ông không thể đưa ra nội hàm của thỏa thuận tốt hơn đó như thế nào.

Bất chấp những cảnh báo trước đó của Nhà Trắng, ông Netanyahu cũng đã tiết lộ một số chi tiết của thỏa thuận đang được đàm phán, dù biện minh là có thể dễ dàng tìm kiếm trên Google, và điều đó có thể sẽ khiến mối quan hệ giữa chính quyền Obama với chính phủ hiện hành của Israelhiện ở mức xấu nhất trong vòng nhiều năm, càng trở nên xấu hơn./.

VOV.VN

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người Kurd chiếm pháo đài chiến lược của IS ở Syria

Các lực lượng người Kurd hôm qua chiếm được Tal Hamis, một trong những thành trì chiến lược của Nhà nước Hồi giáo, động thái có thể góp phần hạn chế nhóm phiến quân hoạt động tại khu vực gần biên giới với Iraq.

28/02/2015
Thái Lan: Thủ tướng sẽ không nhất thiết phải là một nghị sỹ

 

Một người ngoài Quốc hội có thể trở thành Thủ tướng với sự chấp nhận của các bên để có thể giải quyết bế tắc chính trị.

27/02/2015
Quân đội Iraq đẩy mạnh không kích IS, tiêu diệt nhiều phiến quân

Ít nhất 14 tay súng thánh chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thiệt mạng và hàng chục tay súng khác bị thương t ại tỉnh al-Anbar, Iraq

27/02/2015
Thủ tướng Đức vẫn hi vọng vào lệnh ngừng bắn ở Ukraine

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven tuyên bố châu Âu sẵn sàng áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga nếu cần thiết.

26/02/2015