Ông Obama đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng sức mạnh quân sự chống IS

08:48, 12/02/2015

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (11/2) đề nghị Quốc hội nước này chính thức cho phép sử dụng lực lượng quân sự trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 13 năm một Tổng thống Mỹ lại yêu cầu Quốc hội trao quyền sử dụng sức mạnh quân sự.

Các nghị sỹ Mỹ đã nhận được bản thảo về Quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự (AUMF), một nghị quyết mà sẽ chính thức cho phép thực thi nỗ lực quân sự của Mỹ để chống IS. Nghị quyết giới hạn quyền của Tổng thống bắt đầu một chiến dịch quân sự chống IS trong 3 năm và không cho phép tiến hành “các chiến dịch tấn công trên bộ kéo dài”.

 

Quân đội Mỹ có thể tham chiến chống IS (Ảnh: army.mil)

Trong bức thư gửi kèm lên Quốc hội, Tổng thống Obama cho rằng, IS đang gây ra một mối đe dọa đối với người dân Iraq, Syria và rộng hơn là khu vực TArung Đông. IS đe dọa các nhân viên, cơ sở của Mỹ đóng trong khu vực và chịu trách nhiệm về cái chết của 4 công dân Mỹ là James Foley, Steven Sotloff, Abdul-Rahman Peter Kassig và Kayla Mueller. Nếu không bị ngăn chặn, IS sẽ gây ra mối đe dọa vượt ra ngoài khu vực Trung Đông, vươn tới tận lãnh thổ Mỹ.

Theo Tổng thống Obama, không phải lực lượng quân sự Mỹ, mà các lực lượng địa phương cần được triển khai để tiến hành các chiến dịch trên bộ chống IS. Tuy nhiên, nghị quyết sẽ mang đến một sự linh hoạt để tiến hành các chiến dịch trên bộ trong những hoàn cảnh giới hạn hơn, chẳng hạn các chiến dịch giải cứu liên quan đến nhân viên người Mỹ hoặc liên quân, hay sử dụng lực lượng đặc nhiệm để thực thi hành động quân sự chống giới thủ lĩnh IS.

Nghị quyết cũng sẽ cho phép sử dụng lực lượng Mỹ trong thu thập và chia sẻ thông tin tình báo, các sứ mệnh nhằm tăng cường khả năng tấn công, cung cấp kế hoạch tác chiến, và các hình thức khác về cố vấn và hỗ trợ cho lực lượng đối tác.

Tổng thống Obama nhấn mạnh, không có cách nào tốt hơn trong việc đảm bảo an ninh cho nước Mỹ là Quốc hội thông qua dự luật này, và đó cũng là cách để chứng tỏ với thế giới là chính quyền và quốc hội Mỹ đoàn kết ngăn chặn mối đe dọa do IS gây ra. Tuy nhiên, đề xuất của ông Obama đã vấp phải phản ứng trái chiều từ các nghị sỹ của hai đảng.

Các nghị sỹ Dân chủ, trong khi hoan nghênh quyết định của Tổng thống Obama tìm kiếm sự cho phép mới của Quốc hội trong việc chống lại IS, họ cũng lo ngại nghị quyết đó quá mập mờ và có thể khiến nước Mỹ lại sa lầy vào một cuộc chiến trên bộ kéo dài.

Để trấn an những người tỏ ý hoài nghi, Tổng thống Obama tuyên bố mục tiêu chủ chốt trong dự thảo nghị quyết mà ông vừa gửi đến Quốc hội là hủy diệt IS.

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng vào sáng sớm nay (theo giờ Việt Nam), với sự tham dự của Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Tổng thống Obama khẳng định: “Nghị quyết mà tôi vừa đệ trình không kêu gọi triển khai lực lượng bộ binh Mỹ đến Iraq hoặc Syria. Đó không phải là sự xin phép về một cuộc chiến trên bộ khác như ở Afghanistan hoặc Iraq. 2.600 binh sỹ Mỹ hiện có mặt tại Iraq chủ yếu phục vụ trong các căn cứ. Tất nhiên, họ phải đối mặt với những rủi ro như làm nhiệm vụ ở bất kỳ môi trường nguy hiểm nào khác, nhưng họ không có sứ mệnh chiến đấu. Họ tập trung vào việc huấn luyện các lực lượng Iraq, bao gồm lực lượng người Kurd. Như đã nói trước đây, tôi tin rằng Mỹ sẽ không nên sa lầy vào một cuộc chiến trên bộ kéo dài nữa ở Trung Đông”.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói rằng, ông có những quan ngại là dự thảo nghị quyết không trao cho các tư lệnh quân đội sự linh hoạt và các quyền mà họ cần để thành công và bảo vệ người dân Mỹ. Theo ông Boehner,  nếu muốn đánh bại IS, Mỹ cần một chiến lược quân sự hoàn chỉnh và sự cho phép nhanh chóng, chứ không phải những lựa chọn hạn chế. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã lên kế hoạch tổ chức phiên điều trần ngay trong ngày mai đối với dự thảo nghị quyết mà Tổng thống Obama vừa trình.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker cũng đã cam kết nhanh chóng bắt đầu các phiên điều trần kỹ lưỡng nhằm tạo cơ hội cho chính quyền Obama cung cấp cho Quốc hội và người dân Mỹ một chiến lược rõ ràng hơn để giải quyết mối đe dọa từ IS.

Phát biểu với báo giới, ông Corker nhấn mạnh, bỏ phiếu cho phép sử dụng lực lượng quân sự là một trong những hành động quan trọng mà Quốc hội có thể thực thi. Trong khi thừa nhận còn có những khác biệt, ông Corker bày tỏ hy vọng các nghị sỹ sẽ thực thi trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp, thông qua dự thảo nghị quyết này với sự ủng hộ lưỡng đảng để cho phép nước Mỹ đương đầu với mối đe dọa rất nguy hiểm do IS gây ra.

Nhưng giới quan sát cho rằng, việc nghị quyết xin phép Quốc hội cho Nhà Trắng tiến hành chiến dịch quân sự trong thời gian 3 năm, đồng nghĩa với việc Mỹ có thể tấn công IS cả ở Jordan, Lebanon và Lybia nếu tổ chức này mở rộng hoạt động tới ba nước vừa nêu./.

Theo: VOV


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Libya: Phe đối lập nêu điều kiện đàm phán với chính phủ

Ngày 29/1, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) Libya - cơ quan lập pháp cũ không chịu từ nhiệm đã nêu điều kiện đàm phán với chính phủ được quốc tế công nhận theo đó phe đối lập sẽ chỉ tham gia nếu đàm phán được tổ chức ở Libya.

30/01/2015
Ông Ashton Carter sắp trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Tối 10/2, Ủy ban Quân lực Thượng viện đã nhất trí bỏ phiếu chuẩn thuận ông Ashton Carter làm Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp cuả Mỹ.

11/02/2015
Nhà Trắng đề nghị quốc hội cho phép dùng vũ lực chống IS

Nhà Trắng ngày mai sẽ đề nghị quốc hội cho Washington thêm quyền dùng vũ lực để đối phó Nhà nước Hồi giáo, mở đường cho các nghị sĩ bỏ phiếu về quy mô của chiến dịch không kích 6 tháng qua.

11/02/2015
Lần đầu tiên Nhật Bản công khai viện trợ cho quân đội nước ngoài

Theo hướng dẫn mới, Nhật Bản sẽ ưu tiên viện trợ cho các nước Đông Nam Á, khu vực mà nước này đang tăng cường quan hệ trên mọi mặt.

10/02/2015