Các cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraine lâm vào bế tắc

19:47, 08/02/2015

Theo Thủ tướng Đức Merkel, thật khó tưởng tượng tình hình sẽ trở nên như thế nào nếu quân đội Ukraine được trang bị vũ khí sát thương.

Hơn 5.300 người thiệt mạng kể từ khi xung đột tại miền Đông Ukraine bùng phát hồi đầu năm ngoái, trong khi các cuộc đàm phán đều không mang lại kết quả cụ thể nào. Và một điều nguy hiểm là một số nước đã bắt đầu tính tới việc hỗ trợ vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine, một sáng kiến mà theo Tổng thống Pháp Francois Hollande có thể dẫn tới “một cuộc chiến tranh toàn diện”.

Đống đổ nát ở Donetsk (ảnh: mashable)

Trong 2 ngày qua đã diễn ra một loạt cuộc gặp song phương và đa phương giữa Nga, Mỹ và phương Tây, song đều không đi tới kết quả cụ thể nào. Ngày 6/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tới thủ đô Moscow gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, mang theo một kế hoạch hòa bình nhằm tránh nguy cơ “một cuộc chiến tranh toàn diện”. Tuy nhiên, sau 5 giờ thảo luận,  hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức đã lặng lẽ rời khỏi điện Kremlin với kết quả duy nhất là một thỏa thuận nhằm “chuẩn bị” cho một kế hoạch hòa bình trong tương lai bao gồm cả đề xuất của Pháp-Đức, cũng như của  Nga và Ucraine.

Trong một phát biểu trên truyền hình tối qua, Ngoại trưởng Đức Franhk-Walter Steinmeier cho biết, thành công của sáng kiến này sẽ được quyết định trong 2 hoặc 3 ngày tới, song ông lại tỏ ra khá bi quan khi bày tỏ hy vọng các bên chí ít cũng đạt được bước tiến.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán này. Theo ông, đây là “một trong những cơ hội cuối cùng”. Nếu các bên không thể đi tới một thỏa thuận hòa bình bền vững thì kịch bản tồi tệ nhất sẽ xảy ra: “một cuộc chiến tranh toàn diện”. Dự kiến trong ngày hôm nay, ông Hollande, cùng với các nhà lãnh đạo Đức, Nga và Ukraine sẽ có cuộc điện đàm để đánh giá những bước tiến đạt được.

Trong khi đó, hãng tin Interfax dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga là một quốc gia yêu hòa bình, không muốn chiến tranh và muốn hợp tác với tất cả các bên.

Theo ông, chiến tranh đã không xảy ra, song lại đang tồn tại một âm mưu nhằm kìm hãm sự phát triển của nước Nga thông qua nhiều biện pháp: "Một thực tế không thể phủ nhận là hiện có một âm mưu nhằm kiềm chế sự phát triển của Nga thông qua nhiều biện pháp. Đây là một âm mưu nhằm gây rối loạn trật tự thế giới hiện nay. Song Nga là quốc gia yêu chuông hòa bình, chúng tôi không thích chiến tranh và muốn hợp tác với tất cả các nước, kể cả những nước đang nỗ lực thực hiện cái gọi là trừng phạt. Tôi nghĩ rằng họ sẽ không làm cho bất cứ ai hạnh phúc, và các lệnh trừng phạt đó cũng không có tác dụng nhiều mặc dù chúng có thể gây ra cho chúng ta một số tác hại”.

Trong khi cuộc xung đột tại Ukraine vẫn không có dấu hiệu lắng dịu và các nỗ lực ngoại giao vẫn đang được thúc đẩy nhằm đi tới một kết quả hữu ích cho tất cả các bên liên quan, thì chính quyền Mỹ lại đang cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Đây là một vấn đề đang gây bất đồng lớn giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Các nước châu Âu, trong đó có Đức và Pháp phản đối một sáng kiến như thế.

Theo bà Merkel, thật khó tưởng tượng tình hình sẽ trở nên như thế nào nếu quân đội Ukraine được trang bị vũ khí sát thương. Về mặt quân sự, điều này sẽ không thể giúp chấm dứt cuộc xung đột. Vì thế, giải pháp ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu: "Chúng tôi không muốn châu Âu bị chia rẽ. Không ai trong chúng ta muốn chứng kiến khủng hoảng  leo thang. Chúng tôi muốn kiến tạo hòa bình cùng với Ukraine, chứ không phải là chống lại Ukraine. Điều này liên quan tới an ninh và ổn định châu Âu và khu vực xuyên Đại Tây Dương. Chúng ta cần cùng nhau đối mặt với các vấn đề và thách thức quốc tế.”

Theo các nhà phân tích, hai vướng mắc chính khiến các các cuộc đàm phán về Ukraine không thể đạt được bước đột pháp, đó chính là lập trường vững vàng của Nga bất chấp mọi sức ép từ bên ngoài và sự ngoan cố của Mỹ. Vì thế, có lẽ vai trò của Liên minh châu Âu sẽ mang tính quyết định.

Luôn bị mắc kẹt giữa Mỹ và Nga, Liên minh châu Âu sẽ cần những bước đi dũng cảm nhằm xoay chuyển tình hình, cũng như để cân bằng các lợi ích./.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Libya: Phe đối lập nêu điều kiện đàm phán với chính phủ

Ngày 29/1, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) Libya - cơ quan lập pháp cũ không chịu từ nhiệm đã nêu điều kiện đàm phán với chính phủ được quốc tế công nhận theo đó phe đối lập sẽ chỉ tham gia nếu đàm phán được tổ chức ở Libya.

30/01/2015
Tổng thống Nga Putin: Lệnh trừng phạt của phương Tây vô tác dụng

Tổng thống Putin khẳng định Nga vẫn sẽ hợp tác với những người đang nỗ lực thực hiện cái gọi là trừng phạt.

08/02/2015
Một tuần tìm kiếm chiếc máy bay AirAsia gặp nạn

Hôm nay (4/1), tròn 1 tuần sự cố xảy ra với chiếc máy bay AirAsia xấu số mang số hiệu QZ8501. Các lực lượng tìm kiếm vẫn đang tích cực làm việc, điều tra nguyên nhân vụ việc.

07/01/2015
Campuchia kỷ niệm ngày giải phóng 07/01

Ngày mai (07/01) là ngày đất nước Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.

07/01/2015