Hà Giang

Chủ động phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò

17:40, 05/12/2020

BHG - Hiện nay, bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xuất hiện tại một số tỉnh giáp ranh với Hà Giang. Theo cơ quan chuyên môn, đây là bệnh mới ở gia súc, lần đầu tiên xuất hiện, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch vào thời điểm này đang rất cấp thiết nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ chăn nuôi. 

Hộ chăn nuôi xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) chủ động phòng bệnh đàn bò.
Hộ chăn nuôi xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) chủ động phòng bệnh đàn bò.

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, thời gian gần đây, dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò có chiều hướng gia tăng tại Trung Quốc; tính đến nay đã phát hiện 13 ổ dịch tại Trung Quốc; đặc biệt, trong khoảng thời gian này đã ghi nhận 5 ổ dịch mới tại tỉnh Quảng Tây. Tại Việt Nam đã xuất hiện dịch bệnh ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn và Quảng Ninh. Để chủ động ngăn chặn không cho dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, các huyện đang duy trì 8 chốt kiểm dịch động vật tạm thời theo chỉ đạo của tỉnh để tổ chức kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc vào địa bàn tỉnh; tuyệt đối không cho nhập gia súc không rõ nguồn gốc, gia súc có nguồn gốc từ các địa phương đang có dịch vào Hà Giang. Đối với các huyện giáp biên giới Trung Quốc thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh Viêm da nổi cục. 

Theo cơ quan chuyên môn, bệnh Viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò và không lây bệnh sang người. Vi rút này có sức đề kháng cao như vi rút gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phi và có thể tồn tại ngoài môi trường từ 1 đến 3 tháng. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như: Muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn; thời gian ủ bệnh trung bình từ 4 -14 ngày. Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu: Sốt cao, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu, hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm… 

Chi cục Trưởng Thú y tỉnh, Trịnh Văn Bình, cho biết: Cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là vệ sinh chuồng trại và làm sạch môi trường xung quanh. Đến nay, Chi cục đã cấp hơn 20 tấn hóa chất để các hộ chăn nuôi gia súc tổng vệ sinh chuồng trại. Đồng thời, đề nghị các huyện, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền, đối với những người thường xuyên qua lại khu vực biên giới, khách du lịch và người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò để thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát nguy cơ bệnh xâm nhiễm vào tỉnh. Tổ chức giám sát chặt chẽ, lấy mẫu đối với trâu, bò có dấu hiệu bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ hoặc trong quá trình vận chuyển; gửi mẫu về Phòng Xét nghiệm thuộc Cục Thú y để xác định nguyên nhân gây bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc như: Tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc; chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y. Thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng hoặc sử dụng vôi bột để khử trùng khu vực nuôi.  

Để chung tay phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò có hiệu quả, tránh gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi, người dân cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở gia súc. Thực hiện tốt 5 không gồm: Không giấu dịch; không mua, bán vận chuyển trâu, bò bệnh hoặc chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu, bò bệnh hoặc chết; không vứt xác trâu, bò chết ra môi trường; khi phát hiện gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh phải báo ngay chính quyền và cơ quan chức năng lấy mẫu bệnh xét nghiệm. 

Bài, ảnh: Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

153 người chết, thiệt hại 2,7 nghìn tỷ đồng do mưa lũ

BHG - Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu về thiệt hại do thiên tai xảy ra trong tháng 10/2020. Theo đó, thiên tai xảy ra trong tháng Mười chủ yếu là bão, mưa lớn, sạt lở, lốc xoáy tại một số địa phương làm 153 người chết và mất tích, 222 người bị thương; 111,9 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng; 3 nghìn con gia súc và 600,5 nghìn con gia cầm bị chết; 45 nghìn ha lúa và 22,3 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 2,7 nghìn tỷ đồng.

30/10/2020
Bão số 9 tàn phá Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

BHG - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, sáng 28-10, sau khi đi vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Ðịnh, bão số 9 đã giảm đi một cấp, xuống cấp 12. Chiều 28-10, sau khi đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Ðà Nẵng đến Phú Yên, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

29/10/2020
Cấp 15.000 lít hóa chất phòng, chống dịch bệnh động vật

BHG - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1960/QĐ-UBND ngày 23.10.2020 về việc phân bổ hóa chất hỗ trợ các huyện, thành phố phòng, chống dịch bệnh động vật.

 

29/10/2020
Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hạt giống cây trồng hỗ trợ 2 tỉnh Ninh Thuận và Hà Giang

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xuất cấp hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh Ninh Thuận và Hà Giang để hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán vụ Hè thu 2020 và thiên tai 7 tháng đầu năm 2020.

 

27/10/2020