Hà Giang

Nghị định 26/2012/NĐ-CP ngày 5/4/2012 quy định thủ tục tiếp nhận vật liệu nổ

08:51, 19/03/2018

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THẨM QUYỀN VÀ KINH PHÍ PHỤC VỤ VIỆC TIẾP NHẬN, THU GOM, PHÂN LOẠI, BẢO QUẢN, THANH LÝ, TIÊU HỦY VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 30 tháng 6 năm 2011;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Hoạt động rà phá bom, mìn thuộc chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Quốc phòng; việc chuyển loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trang bị trong lực lượng Công an, Quân đội, Dân quân tự vệ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến việc trình báo, giao nộp, tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự; vật liệu nổ; công cụ hỗ trợ; phụ kiện của các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại đạn sử dụng cho vũ khí, công cụ hỗ trợ; chất nổ từ bom, mìn, lựu đạn, đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lợi, hỏa cụ.

2. Tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Là việc tổ chức nhận vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ từ cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp hoặc bàn giao.

3. Thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Là việc tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo, tố giác nhưng không xác định được cá nhân, cơ quan, tổ chức quản lý hoặc số vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sau chiến tranh còn tồn tại ở ngoài xã hội.

4. Phân loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Là việc phân tích, đánh giá chất lượng, giá trị sử dụng, tính chất nguy hiểm và thống kê theo chủng loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom.

5. Thanh lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Là việc loại bỏ để tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom.

6. Tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Là việc thực hiện các biện pháp làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng của vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom.

Điều 4. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom

1. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được trang bị hoặc sở hữu theo quy định của pháp luật.

2. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân được trang bị, cung nhượng để sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng bị hư hỏng, hết hạn sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng hoặc theo quy định của pháp luật không thuộc đối tượng được trang bị, quản lý, sử dụng.

3. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có liên quan đến các vụ án đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do các cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ.

4. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện nhưng không xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý hoặc sở hữu; vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sau chiến tranh còn tồn tại ở ngoài xã hội.

5. Vũ khí, vật liệu nổ không thuộc danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Điều 5. Đào bới, tìm kiếm vũ khí quân dụng, vật liệu nổ

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu và được Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là cấp huyện) cho phép bằng văn bản thì được đề nghị các đơn vị chuyên ngành quy định tại Khoản 2 Điều này thực hiện việc đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ.

Hồ sơ đề nghị thực hiện việc đào, bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện gồm văn bản đề nghị và bản sao hợp lệ các tài liệu chứng minh việc sử dụng hoặc quản lý hoặc thi công công trình hợp pháp của địa điểm đề nghị đào bới, tìm kiếm vũ khí vật liệu nổ của tổ chức, cá nhân đề nghị. Trường hợp cần đào, bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ tại các khu vực khác thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc cơ quan công an, quân sự cấp huyện có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Chậm nhất trong thời gian 05 ngày làm việc cơ quan tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân phải có văn bản trả lời kết quả.

2. Chỉ các đơn vị chuyên ngành kỹ thuật về quân khí của Quân đội và Công an mới được thực hiện việc tìm kiếm, đào bới vũ khí, vật liệu nổ.

Điều 6. Nguyên tắc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo, bàn giao, giao nộp, thu giữ (kể cả số vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do cơ quan chức năng thu giữ được nhưng không có thẩm quyền quản lý) đều phải chuyển giao cho cơ quan Quân sự hoặc cơ quan Công an để xử lý theo quy định.

2. Người làm công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải được tập huấn về chuyên môn quân khí và được trang bị các thiết bị bảo vệ để bảo đảm an toàn.

3. Việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an toàn và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Việc vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom được phải sử dụng phương tiện chuyên dùng hoặc các phương tiện khác nhưng phải bảo đảm an toàn.

4. Việc tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải được tiến hành thường xuyên hoặc thông qua các đợt vận động.

5. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn giá trị sử dụng sau khi được phân loại sẽ được đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TIẾP NHẬN, THU GOM, PHÂN LOẠI, BẢO QUẢN, THANH LÝ, TIÊU HỦY VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 7. Vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Công an chủ trì, hướng dẫn các Bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chỉ đạo thực hiện mở đợt vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên phạm vi toàn quốc.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền quản lý mở đợt vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại địa phương.

3. Trình tự tổ chức vận động

a) Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

b) Thực hiện công tác tuyên truyền liên quan tới việc tổ chức cuộc vận động, trong đó tập trung nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và trách nhiệm, quyền lợi của tổ chức, cá nhân giao nộp.

c) Quy định cụ thể địa điểm tiếp nhận và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

d) Quy định cụ thể thành phần tham gia cuộc vận động.

đ) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc tiếp nhận, thu gom.

e) Tổ chức tiếp nhận.

Điều 8. Thẩm quyền tiếp nhận, thu gom, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Tiếp nhận, thu gom, phân loại

a) Cơ quan Quân sự, Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên có thẩm quyền tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

b) Cơ quan Quân sự, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là cấp huyện), cấp Trung đoàn trở lên có trách nhiệm phân loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom.

2. Thanh lý

Cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này có thẩm quyền quyết định thanh lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để tiến hành tiêu hủy.

3. Tiêu hủy

Cơ quan Quân sự, Công an cấp huyện, cấp Trung đoàn trở lên thực hiện việc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sau khi có quyết định thanh lý.

Điều 9. Trình tự, thủ tục tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Trình tự, thủ tục tiếp nhận

a) Lập sổ tiếp nhận và ghi đầy đủ các thông tin liên quan đến việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

b) Lập biên bản về việc giao nộp. Biên bản được lập thành hai bản, một bản giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp, một bản lưu tại cơ quan tiếp nhận.

2. Trình tự, thủ tục thu gom

a) Lập biên bản và ghi đầy đủ các thông tin liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được thu gom và thông tin liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân trình báo, cung cấp thông tin.

b) Trường hợp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không xác định được đơn vị quản lý hoặc số vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sau chiến tranh còn tồn tại ở ngoài xã hội thì phải tổ chức bảo vệ, thu gom theo thẩm quyền.

c) Đối với bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại hoặc các vũ khí khác cần phải có kỹ thuật chuyên ngành của cơ quan Quân sự xử lý thì cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận thông tin phải thông báo ngay cho cơ quan Quân sự từ cấp huyện trở lên để thu gom, xử lý.

d) Tiến hành thu gom.

3. Trường hợp cơ quan tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nghi có dấu hiệu liên quan đến hoạt động phạm tội thì phải trao đổi với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Tổ chức giao nhận vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Việc lập thống kê bàn giao cho cơ quan Quân sự để xử lý theo quy định đối với bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại đã tiếp nhận, thu gom, thực hiện như sau:

a) Cơ quan Công an và Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện lập thống kê bàn giao cho cơ quan Quân sự cấp huyện.

b) Cơ quan Công an cấp tỉnh và các đơn vị thuộc Bộ Công an lập thống kê bàn giao cho cơ quan Quân sự cấp tỉnh.

Khi bàn giao phải lập biên bản, kèm theo bảng thống kê ghi cụ thể chủng loại, số lượng, nguồn gốc.

2. Việc vận chuyển các loại vũ khí, vật liệu nổ bàn giao theo quy định tại Khoản 1 Điều này do lực lượng chuyên ngành của cơ quan Quân sự đảm nhiệm.

3. Bộ Quốc phòng quy định cụ thể việc tiếp nhận, thu gom, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại đã tiếp nhận, thu gom hoặc do các cơ quan, đơn vị ngoài Quân đội chuyển giao.

Điều 11. Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom

1. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom phải được bảo quản chặt chẽ theo quy định. Có nội quy, phương án phòng cháy, chữa cháy. Không được bảo quản chung trong kho vũ khí, khí tài, kho tài liệu, kho vật tư của đơn vị.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành tiêu chuẩn kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành tiêu chuẩn kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 12. Trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý, tiêu hủy và giám sát tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom phải được thống kê, phân loại để xác định chất lượng và giá trị sử dụng phục vụ cho việc xử lý.

2. Trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý

a) Cơ quan Quân sự, Công an cấp huyện, cấp Trung đoàn trở lên có trách nhiệm phân loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom được để đề nghị cơ quan cấp trên trực tiếp quyết định xử lý theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Nghị định này hoặc để thanh lý, tiêu hủy.

b) Cơ quan cấp trên khi nhận được văn bản đề nghị phải xem xét và cho ý kiến bằng văn bản về việc cho phép đưa vào sử dụng số vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn giá trị sử dụng hoặc thành lập Hội đồng để quyết định việc thanh lý (sau đây viết gọn là Hội đồng thanh lý). Thành phần Hội đồng thanh lý bao gồm:

- Đại diện lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý là Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên môn kỹ thuật về quân khí cùng cấp; cơ quan đề nghị thanh lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là thành viên Hội đồng.

3. Trình tự, thủ tục tiêu hủy

a) Cơ quan đề nghị thanh lý sau khi được Hội đồng thanh lý cho phép tiêu hủy phải đề xuất Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp của đơn vị cấp Trung đoàn phê duyệt thành lập Hội đồng tiêu hủy và phương án tiêu hủy. Hội đồng tiêu hủy có trách nhiệm giám sát trong suốt quá trình tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thành phần Hội đồng tiêu hủy bao gồm:

- Đại diện lãnh đạo cơ quan đề nghị thanh lý là Chủ tịch Hội đồng.

- Đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật về quân khí và cơ quan môi trường cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm tiêu hủy là thành viên Hội đồng.

b) Phương án tiêu hủy

Phương án tiêu hủy bao gồm các nội dung sau: Số lượng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải tiêu hủy; thời gian, địa điểm, hình thức tiêu hủy; biện pháp bảo đảm an toàn, bảo đảm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và các yêu cầu cần thiết khác.

c) Trường hợp số vũ khí, vật liệu nổ có nguy cơ mất an toàn, cần xử lý khẩn cấp thì không phải thành lập Hội đồng thanh lý, tiêu hủy mà Thủ trưởng cơ quan Quân đội, Công an cấp huyện, cấp Trung đoàn trở lên quyết định tiêu hủy. Sau khi tiêu hủy phải báo cáo bằng văn bản gửi lãnh đạo cấp trên có thẩm quyền quyết định thanh lý.

d) Sau khi tiêu hủy, phải tiến hành kiểm tra tại hiện trường, bảo đảm tất cả vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiêu hủy đã bị làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng. Kết quả tiêu hủy phải được lập thành biên bản, có xác nhận của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng.

Chương III

TRÁCH NHIỆM TIẾP NHẬN, THU GOM, PHÂN LOẠI, BẢO QUẢN, THANH LÝ, TIÊU HỦY VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thuộc thẩm quyền, cụ thể:

a) Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp hoặc tàng trữ, sử dụng trái phép;

b) Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sau chiến tranh còn tồn tại ở ngoài xã hội;

c) Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có liên quan đến các vụ án đã được xử lý theo quy định hoặc do cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ hoặc không xác định được nguồn gốc.

2. Quy định cụ thể việc tiếp nhận, thu gom, bảo quản, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

3. Chỉ đạo cơ quan Công an các cấp phối hợp với cơ quan Quân sự và các cơ quan chức năng có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc thực hiện công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

4. Quy định cụ thể trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

5. Tổ chức mở đợt vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên phạm vi toàn quốc.

6. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương thống kê các loại bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại đã tiếp nhận hoặc thu gom để bàn giao cho cơ quan Quân sự.

7. Quy định việc kiểm tra, chuyển loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trang bị, sử dụng trong ngành Công an.

8. Kiến nghị hoặc theo thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

9. Sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý.

10. Quy định và tổ chức đào tạo, huấn luyện về quân khí cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý.

Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1.  Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền; phối hợp với Ủy ban nhân dân, cơ quan Công an trong việc thực hiện công tác này.

2. Quy định cụ thể việc tiếp nhận, thu gom, bảo quản, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền.

3. Quy định việc kiểm tra, chuyển loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trang bị trong Quân đội và lực lượng Dân quân tự vệ.

4. Kiến nghị hoặc theo thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

5. Sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, kết quả tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

6. Quy định và tổ chức đào tạo, huấn luyện về quân khí cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 15. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện các nhiệm vụ:

1. Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định tại Nghị định này theo chức năng và thẩm quyền.

2. Chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc thẩm quyền quản lý, định kỳ hàng năm phối hợp với cơ quan Quân sự hoặc cơ quan Công an kiểm tra, đánh giá số lượng, chất lượng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được trang bị, quản lý, sử dụng để có biện pháp xử lý theo quy định.

Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được trang bị hoặc sở hữu vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật mà có vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ từ bất cứ nguồn gốc nào (kể cả số vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mà các cơ quan chức năng phát hiện thu hồi được trong quá trình thi hành công vụ) đều phải giao nộp cho cơ quan Công an hoặc cơ quan Quân sự để xử lý theo quy định tại Nghị định này.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đều được khuyến khích và không bị coi là vi phạm. Trường hợp có thành tích trong việc phát hiện, trình báo cơ quan chức năng thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Những trường hợp tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chương IV.

KINH PHÍ PHỤC VỤ CHO VIỆC TIẾP NHẬN, THU GOM, BẢO QUẢN, THANH LÝ, TIÊU HỦY VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 17. Nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện công tác tiếp nhận, thu gom, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Ngân sách nhà nước.

2. Đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm hàng năm dự trù kinh phí gửi Bộ Tài chính tổng hợp.

Điều 18. Sử dụng kinh phí trong công tác tiếp nhận, thu gom, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Kinh phí bảo đảm thực hiện công tác tiếp nhận, thu gom, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được sử dụng cho các công việc sau:

1. Chi đầu tư phát triển gồm: Chi đầu tư xây dựng cơ bản; chi mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ công tác tiếp nhận, thu gom, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Chi sự nghiệp gồm: Chi cho hoạt động và duy trì hoạt động thường xuyên của các lực lượng thực hiện công tác tiếp nhận, thu gom, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quân khí; chi cho công tác tuyên truyền, vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các khoản chi cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định cụ thể chế độ quản lý, sử dụng tài chính bảo đảm cho công tác tiếp nhận, thu gom, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2012.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Nghị định này.

 

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Điểm mới Bộ luật hình sự 2015: Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi

Đánh tráo trẻ em ( người dưới 01 tuổi ), được hiểu là hành vi tráo trẻ em này lấy trẻ em khác một cách lén lút. Trên thực tế thì hành vi đánh tráo trẻ em thường chỉ được thực hiện đối với trẻ sơ sinh, ở những nơi là nhà hộ sinh, bệnh viện

30/11/2017
Ban chỉ đạo 138 Chính phủ và 389 Quốc gia triển khai nhiệm vụ năm 2018

BHG - Sáng 29.1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và BCĐ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố nhằm tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị. Về phía tỉnh dự Hội nghị có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.

29/01/2018
Những điểm mới của Luật Du lịch 2017

BHG - Luật Du lịch 2017 được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV với tỷ lệ gần 90% đại biểu tán thành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Báo Hà Giang điện tử tổng hợp, đăng tải về những điểm trọng tâm của Luật Du lịch 2017.

26/02/2018
Điểm mới Bộ luật hình sự 2015: Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Theo quy định tại Điều 144 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Bộ luật hình sự 2015:

23/11/2017