Hà Giang

Những vấn đề thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013

22:11, 03/06/2021

BHG - Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 29.11.2013. Sau 7 năm thực thi cho thấy những tác động tích cực tới đời sống, phát triển KT – XH, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Nhưng cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đời sống tại địa phương.

Luật Đất dai 2013 đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư.  Trong ảnh: Khởi công Dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái của FLC tại Núi Mỏ neo (thành phố Hà Giang).
Luật Đất dai 2013 đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư. Trong ảnh: Khởi công Dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái của FLC tại núi Mỏ neo (thành phố Hà Giang).

Làm tốt công tác thi hành Luật

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 22.01.2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật, UBND tỉnh đã ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật và 100 văn bản cụ thể hóa các nhiệm vụ phù hợp với thực tế của địa phương, đáp ứng cơ bản yêu cầu quản lý, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển KT - XH của tỉnh. Đồng thời tổ chức quán triệt, tuyên truyền rộng rãi tới hàng nghìn lượt người với những nội dung thiết thực, hình thức phù hợp, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thi hành Luật. 

Từ sự giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, ngành của tỉnh, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai có nhiều chuyển biến tích cực: Chất lượng quy hoạch sử dụng đất được nâng lên; việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB, hạn chế thấp nhất việc khiếu kiện của người bị thu hồi đất. Hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai một cấp được kiện toàn, công tác CCHC, chuẩn hoá thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, cải thiện môi trường đầu tư. 

Thi công đường thành phố Hà Giang đi xã Đồng Tâm (Bắc Quang).
Thi công đường thành phố Hà Giang đi xã Đồng Tâm (Bắc Quang).

Trong 5 năm gần đây, HĐND tỉnh đã thông qua 14 nghị quyết danh mục dự án có sử dụng đất, với tổng số 1.446 dự án, công trình; tổng diện tích thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trên 10.888 ha; hoàn thành quy hoạch chung đô thị cho 11 huyện, thành phố với định hướng phát triển đến năm 2030; hoàn thành công tác thống kê đất đai hàng năm 100% các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã quyết định giao đất, cho thuê đất 843 trường hợp, với diện tích 448,21 ha; thực hiện trên 12.987 ha đất cho các dự án. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ trên 1.050 tỷ đồng. Thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính trên 112.638 ha, trong đó diện tích đã cấp Giấy chứng nhận lần đầu trên 28.146 ha, diện tích cấp đổi gần 6.250 ha, không cấp 3.336 ha; số giấy chứng nhận đã cấp 250.507 giấy, cấp đổi 63.799 giấy. Thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất và thuế, phí được trên 805 tỷ đồng. Sở TN&MT, UBND cấp huyện đã tiến hành thực hiện 133 cuộc thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực đất đai, sau thanh tra đã thu hồi trên 1.475 ha của 8 tổ chức và 7 cá nhân...

Cần điều chỉnh một số quy định

Giám đốc Sở TNMT Hoàng Văn Nhu cho biết: Luật Đất đai 2013 được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, góp phần CCHC, thu hút đầu tư, thúc đẩy KT – XH phát triển. Tuy nhiên một số điều Luật và văn bản hướng dẫn dưới luật còn có sự chồng chéo, chưa sát thực tiễn, cần sớm được Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp.

Có thể dẫn chứng một số vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực thi Luật Đất đai 2013 trên địa bàn tỉnh như: Trong thu hồi đất thực hiện các dự án, công trình, do quỹ đất sản xuất nông, lâm nghiệp của một số địa phương vùng cao như Hà Giang rất hạn hẹp nên gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí đất tái định cư gắn với bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho người bị thu hồi đất. Trong tranh chấp đất đai, do Luật quy định chưa rõ ràng, cụ thể các trường hợp nên việc giải quyết tranh chấp gặp nhiều khó khăn, kéo dài. Thực tế, việc đòi lại đất cũ đang diễn ra ở một số nơi nhưng trong Luật và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ chưa rõ quy định về trình tự, thủ tục giải quyết nên khi thụ lý còn lúng túng. Hay trong Luật, các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và tận thu… nếu người có đất nằm trong vùng dự án không đồng ý chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất thì nhà đầu tư sẽ không thực hiện được dự án dù đã được cấp Giấy phép khai thác và nhà nước đã thu phí khai thác khoáng sản. 

Ngoài ra, các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất nhà nước thu hồi do sắp xếp, xử lý trụ sở làm việc… gặp nhiều vướng mắc. Việc xác định giá đất thực tế khu vực giáp ranh giữa các địa phương để thực hiện công tác bồi thường có chênh lệch lớn. Nhiều quy định trong một số trường hợp phải thu hồi đất có sự chồng chéo, khó triển khai. Việc phân cấp cho cấp xã làm công tác kiểm kê đất đai định kỳ không phù hợp với thực tiễn, vì trình độ chuyên môn tại cơ sở không đáp ứng được so với các yêu cầu kỹ thuật nên tiến độ chậm, chất lượng thấp...

Có thể nói, từ khi Luật Đất đai 2013 được ban hành, những bất cập, vướng mắc của Luật đã được Chính phủ, Bộ TN&MT từng bước được tháo gỡ. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường phát triển nhanh như hiện nay, nước ta luôn nằm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu thế giới; con người và xã hội phát triển kéo theo nhiều thay đổi trong thực tiễn đời sống xã hội. Vì vậy Luật Đất đai cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, thuận lợi cho địa phương, cơ sở thực thi, thúc đẩy phát triển KT – XH và phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xử lý 12 cơ sở vi phạm quy định về vệ sinh ATTP

BHG - Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2021 diễn ra từ 15.4-15.5, toàn tỉnh đã thành lập 190 đoàn kiểm tra liên ngành, phát hiện, xử lý 12 cơ sở vi phạm, nhắc nhở 107 cơ sở.

30/05/2021
Cục Cảnh sát QLHC về TTXH làm việc tại huyện Vị Xuyên

BHG - Đoàn công tác của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an do Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng, Giám đốc Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư vừa có buổi làm việc với Công an huyện Vị Xuyên để nắm bắt tình hình, kết quả triển khai Dự án cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD).

28/05/2021
Góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa

BHG - Đóng vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm … những cán bộ Quản lý thị trường (QLTT) luôn chủ động đấu tranh, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, công nghiệp, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hoá.

26/05/2021
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số

BHG - Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp hiệu quả đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; nhất là PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, đồng bào dân tộc thiểu số.

26/05/2021