Quyết liệt phòng ngừa, kiềm chế hoạt động "tín dụng đen"

09:21, 07/07/2020

BHG - Chỉ hơn 1 năm, lực lượng chức năng của tỉnh đã bắt và khởi tố 13 bị can liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (TDĐ); đấu tranh triệt xóa 3 nhóm có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và cưỡng đoạt tài sản… Điều đó cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp, ngành trong việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “TDĐ” (theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 12/CT-TTG, ngày 25.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ).

Cán bộ Agribank Bắc Quang giúp khách hàng tiếp cận gói tín dụng phục vụ tiêu dùng.
Cán bộ Agribank Bắc Quang giúp khách hàng tiếp cận gói tín dụng phục vụ tiêu dùng.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn: Trước đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “TDĐ” trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, kéo theo sự gia tăng của nhiều loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan, như: Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tổ chức đánh bạc, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng... Nguyên nhân xuất phát từ một bộ phận không nhỏ người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản thế chấp, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng chính thức nên đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “TDĐ” để vay tiền, vì thủ tục nhanh, đơn giản. Hơn nữa, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, phương thức, thủ đoạn, hậu quả, tác hại, mức độ nguy hiểm của “TDĐ” chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao… Tuy nhiên, sau khi Chỉ thị số 12/CT-TTG ra đời, cùng với sự vào cuộc, triển khai quyết liệt của tỉnh, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “TDĐ” có chuyển biến tích cực. Có thể thấy ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao, nhiều chương trình hỗ trợ tài chính của hệ thống ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng được triển khai, đáp ứng nhu cầu của người dân nên số người tìm đến “TDĐ” để vay tiền giảm đáng kể... Tình trạng treo biển, dán tờ rơi, quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay nơi công cộng trên tường, cây xanh và mạng xã hội giảm rõ rệt. Các nhóm hoạt động “TDĐ” từ rầm rộ dựng, treo biển quảng cáo cho vay, công khai mời chào chuyển sang hoạt động cầm chừng, núp bóng, lén lút, hoạt động lưu động, không còn cơ sở, địa điểm cụ thể nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng. Đặc biệt, hoạt động sử dụng các đối tượng côn đồ, có tiền án, tiền sự, đối tượng nghiện ma túy để xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản gây hoang mang, bức xúc trong dư luận không còn diễn biến phức tạp…

Quyết liệt phòng ngừa, kiềm chế hoạt động “TDĐ”, tỉnh ta đã thành lập Tổ kiểm tra liên ngành, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính trên địa bàn. Từ đó, quản lý chặt chẽ, hạn chế những thiếu sót, lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước. Tháng 1.2019, toàn tỉnh có 202 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ thì nay chỉ còn 86 cơ sở. Như vậy, việc chỉ đạo và thực hiện quyết liệt công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đã giảm 116 cơ sở kinh doanh cầm đồ; trong đó, 18 cơ sở kinh doanh buộc phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; 98 cơ sở xin ngừng hoạt động. Đặc biệt, một số địa phương, như: Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Đồng Văn không còn cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Cùng với kết quả này, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đẩy mạnh thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn; đưa ra 56 kiến nghị, yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉnh sửa sai sót, hạn chế... Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tiếp nhận 36 vụ việc ném chất bẩn, chất thải vào các gia đình có người thân nợ tiền của đối tượng cho vay lãi nặng. Trên cơ sở này, điều tra làm rõ 1 vụ/1 đối tượng với hình thức xử phạt hành chính 2 triệu đồng; tiếp nhận 5 tin báo về hành vi cho vay lãi nặng. Trong đó, đã giải quyết 4 tin (khởi tố 1 vụ/1 bị can, xử lý hành chính 2 vụ/3 đối tượng), 1 tin không khởi tố và 1 tin đang trong quá trình giải quyết. Điều tra làm rõ 8 vụ/13 đối tượng liên quan đến hoạt động “TDĐ”, bắt và khởi tố 13 bị can; đấu tranh triệt xóa 2 nhóm/4 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; 1 nhóm/5 đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản…

Thực tế cho thấy, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “TDĐ” trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Song, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, quá trình điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến “TDĐ” còn nhiều khó khăn, vướng mắc: Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là tội phạm ít nghiêm trọng, có khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Với khung hình phạt này, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự không áp dụng được biện pháp tạm giam đối với các đối tượng. Vì vậy, khó khăn cho quá trình đấu tranh, khai thác, mở rộng vụ án, chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, những ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn nhiều bất cập, sơ hở. Luật Dân sự tại Điều 468 quy định trần lãi suất là 20% nhưng lại quy định trừ khi luật chuyên ngành có quy định khác. Do vậy, cần có hướng dẫn cụ thể thì mới thống nhất áp dụng được Luật Hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự…

Giám đốc Agribank Bắc Quang, Trương Đức Hào, chia sẻ: Việc phòng ngừa, kiềm chế hoạt động “TDĐ” cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Trong đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh nói chung, có mạng lưới rộng, phủ khắp các địa bàn, đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm đáp ứng tín dụng phục vụ phát triển KT-XH địa phương và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Ngân hàng sẽ là một trong những kênh hữu hiệu để “giải cứu” người dân khỏi nạn “TDĐ”.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Cùng chuyên mục

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế

BHG - Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế; việc quản lý thuế phải đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế. Ngoài ra, thuế luôn gắn liền với các vấn đề tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội...

29/06/2020
Bắc Mê siết chặt quản lý tài nguyên - khoáng sản

BHG - Bắc Mê là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với trữ lượng lớn và chất lượng cao, như: Sắt, Mangan, Chì, Kẽm, Ăngtimon, đá vôi, cát sỏi… Đây là lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, là thế mạnh tiềm năng phát triển của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 14 Giấy phép khai thác khoáng sản được Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Hà Giang cấp phép, trong đó có 13 dự án khai thác khoáng sản kim loại, với 3 điểm mỏ đang hoạt động và 5 điểm đang hoàn thiện hồ sơ. 

29/06/2020
Hiệu quả bước đầu đưa công an chính quy về xã ở Quản Bạ

BHG - Mặc dù mới triển khai, thực hiện được một thời gian, nhưng việc điều động, bố trí lực lượng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã (CAX), thị trấn trên địa huyện Quản Bạ bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo ANTT, đem lại sự an tâm cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

 

28/05/2020
Mua xe máy ở tiệm cầm đồ, có hợp pháp?

Tôi định mua chiếc xe máy ở tiệm cầm đồ vì thấy còn mới, giá lại tốt. Xin hỏi, việc này có hợp pháp không? 

25/05/2020