Hà Giang

Điểm mới Bộ luật hình sự 2015: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

14:17, 20/11/2017

Hiếp dâm theo quy định được hiểu là hành vi xâm hại tình dục của nạn nhân trái ý muốn thông qua việc thực hiện hành vi giao cấu.

I. Căn cứ pháp lý

Điều 142 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi như sau:

1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;

b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Có tính chất loạn luân;

b) Làm nạn nhân có thai;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

đ) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

e) Phạm tội 02 lần trở lên; g) Đối với 02 người trở lên; h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Có tổ chức;

b) Nhiều người hiếp một người;

c) Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

e) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

II. Các yếu tố cấu thành tội phạm

a. Khách thể của tội phạm

Hành vi phạm tội đã xâm phạm quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mỹ tục đồng thời, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường về tâm, sinh lý của trẻ em.

Trẻ em trong trường hợp này là người dưới 16 tuổi, trong độ tuổi trẻ em nên có một vài dấu hiệu thuộc về phía nạn nhân không giống với trường hợp hiếp dâm mà nạn nhân không phải là trẻ em như : Đối với nạn nhân từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải xác định việc giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân, còn đối với nạn nhân dưới 13 tuổi thì dù nạn nhân có đồng ý hay không đồng ý giao cấu thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Việc nhà làm luật quy định nạn nhân dưới 13 tuổi dù có đồng ý để người phạm tội giao cấu thì hành vi giao cấu này vẫn bị coi là phạm tội hiếp dâm trẻ em xuất phát từ luận điểm: ở độ tuổi dưới 13 trẻ em còn hết sức non nớt, yếu ớt, chưa có khả năng biểu lộ ý chí đúng đắn, dễ bị người khác lôi kéo, rủ rê, mua chuộc, khó có thể tự vệ được, nên cần được bảo vệ một cách đặc biệt nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường, lành mạnh của các em mà cần phải trừng trị thật nghiêm khắc đối với hành vi xâm phạm tình dục đối với các em.

Tuổi của nạn nhân (người bị hiếp) là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, thể hiện ngay trong tên của tội danh. Việc xác định tuổi của người bị hại trên cơ sở giấy khai sinh của họ nếu trường hợp mất giấy khai sinh hoặc không có giấy khai sinh thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng tất cả các biện pháp có thể được, để xác định tuổi thật của người bị hại. Cuối cùng nếu không còn cách nào để xác định tuổi thật của người bị hại, thì theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.

b. Mặt khách quan của tội phạm

- Hành vi khách quan

Đặc trưng cơ bản nhất theo khoa học pháp lý thừa nhận trước thời điểm BLHS 2015 có hiệu lực để xác định một người thực hiện hành vi hiếp dâm chính là hành vi giao cấu. Đó là hành vi đưa bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ và thực hiện các hành động đạt được mục đích thỏa mãn tình dục,tức là được thực hiện giữa chủ thể là nam giới đối với nữ giới. Hành vi giao cấu phải được thực hiện dưới hình thức sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc với thủ đoạn khác để đạt được mục đích thực hiện hành vi.

Đối với quy định tại điều 142 BLHS 2015, hành vi giao cấu không còn là hành vi duy nhất để tội phạm thực hiện tội hiếp dâm đối với người dưới 16 tuổi. “Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” hoặc “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”.

Ở đây ngoài hành vi giao cấu như đã giải thích ở trên, quy định thêm thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, các hành vi quan hệ tình dục khác mặc dù chưa được TANDTC hướng dẫn một cách cụ thể nhưng có thể được hiểu là hành vi quan hệ tình dục bằng miệng hoặc là quan hệ tình dục đồng giới thông qua việc sử dụng bộ phận sinh dục nam và hậu môn của một người nam giới khác hoặc cưỡng ép trong quan hệ đồng giới giữa nữ giới với nhau. Đây là các hành vi quan hệ tình dục khác đã được thừa nhận trong thực tiễn đời sống xã hội và trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm tình dục cũng bắt gặp nhưng chưa thể xử lý bởi thiếu quy định.

Như vậy, để thực hiện được mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn nạn nhân trong tội hiếp dâm được thực hiện thông qua các biểu hiện cụ thể sau:

Hành vi dùng vũ lực thông thường là làm thế nào để buộc nạn nhân phải để cho kẻ tấn công giao cấu hoặc thực hiện hành vi tình dục khác như: Vật lộn, giữ chân tay, bịp mồm, bóp cổ, đánh đấm, trói v.v… Những hành vi này chủ yếu làm tê liệt sự kháng cự của người bị hại để người phạm tội thực hiện được việc giao cấu hoặc hành vi tình dục khác. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp người phạm tội đã dùng vũ lực tới mức làm cho người bị hại bất tỉnh nhưng chưa bị chết và sau khi người phạm tội đã thoả mãn dục vọng, người bị hiếp đã chết thì người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, ngoài tội hiếp dâm mà họ đã thực hiện.

Đe doạ dùng vũ lực là hành vi của một người dùng lời nói hoặc hành động uy hiếp tinh thần của người khác, làm cho người bị đe doạ sợ hãi như: doạ giết, doạ đánh, doạ bắn… làm cho người bị hại sợ hãi phải để cho người phạm tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi tình dục khác trái với ý muốn của mình. Điều luật không quy định đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, nên có thể hiểu hành vi đe doạ dùng vũ lực quy định ở đây bao gồm cả trường hợp đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc và trường hợp đe doạ dùng vũ lực sau đó cách một thời gian.

Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là trường hợp nạn nhân rơi vào tình trạng nếu như bị người khác giao cấu thì không thể chống cự lại được. Tình trạng này, có thể do chính người phạm tội tạo hoặc từ chính nạn nhân như việc lợi dụng nạn nhân bại liệt, bệnh tật để thực hiện hành vi.

Thủ đoạn khác là những thủ đoạn ngoài những hành vi đã được quy định trong cấu thành ( dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân). Đây là quy định mở nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Những thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện hoặc lợi dụng phải là những thủ đoạn nhằm đưa người bị hại lâm vào tình trạng không còn khả năng làm chủ bản thân như: cho uống thuốc kích dục hoặc lợi dụng sự kém hiểu biết của nạn nhân để thực hiện hành vi giao cấu,quan hệ tình dục trái với ý muốn của nạn nhân.

Quy định tại BLHS 2015 là một bước tiến quan trọng trong thực tiễn đấu tranh tội phạm tình dục. Đặc biệt là việc quy định các hành vi tình dục khác, mở đường cho việc xử lý các hành vi cưỡng ép, ép buộc nạn nhân quan hệ trái ý muốn trong tình dục đồng giới.

- Hậu quả và mối quan hệ nhân quả

Hành vi hiếp dâm xâm phạm quyền tự do tình dục của con người. Điều này đồng nghĩa khi xét về hậu quả thì phải xác định được việc tự do tình dục đã bị xâm hại từ hành vi đó như thế nào. Nhiều quan điểm cho rằng hiếp dâm chỉ được xem là cấu thành tội phạm khi đã thực hiện được hành vi xâm hại tình dục xong, tức là cấu thành vật chất bắt buộc phải có hậu quả xảy ra là đã thực hiện được hành vi giao cấu, hành vi quan hệ tình dục khác. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi nói riêng, tội hiếp dâm nói chung là tội cấu thành hình thức, tức là chỉ cần người phạm tội sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, lợi dụng tình trạng không tự vệ được của nạn nhân hoặc sử dụng các thủ đoạn khác để nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện hành vi tình dục khác với nạn nhân là người từ 14 đến 16 tuổi hoặc thực hiện các hành vi giao cấu, quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi thì đã cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Bản thân chúng tôi nghĩ rằng, việc thực hiện xong hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác trong tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi không nên được xem là căn cứ để xác định chủ thể thực hiện tội phạm đã phạm tội. Tội hiêp dâm người dưới 16 tuổi tương tự tội hiếp dâm, là tội cấu thành hình thức, tức là trong ý chỉ của chủ thể thực hiện hành vi phải thể hiện mong muốn giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân. Các hành vi để thực hiện được ý đồ đó trên thực tế phải được diễn ra trước, hành vi giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác không nhất thiết phải ở tình trạng hoàn thành mà có thể được diễn ra ở giao đoạn chuẩn bị, phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành hoặc phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. Mục đích cuối cùng là thỏa mãn nhu cầu tình dục trái ý muốn đối với nạn nhân, để đánh giá điều này rất khó khăn. Nên trên thực tế việc đánh giá hậu quả chỉ cần dựa vào việc đối tượng đã thực hiện đủ các thủ đoạn, hành vi trước giao cấu, hành vi quan hệ tình dục khác và thể hiện rõ mục đích giao cấu, thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác là đã đủ cấu thành tội phạm đối với tội hiếp dâm.

c. Chủ thể thực hiện hành

Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội trong tội hiếp dâm trẻ em tại BLHS 1999 được hiểu là nam giới. Nữ giới không thể trở thành chủ thể của tội hiếp dâm trẻ em thông thường bởi đi ngược với bản chất của hành vi giao cấu. Nữ giới chỉ có thể trở thành chủ thể của tội phạm hiếp dâm trẻ em trong trường hợp đồng phạm với vai trò người giúp sức. Thực tiễn xét xử kể từ khi BLHS 1999 có hiệu lực đã thừa nhận điều này. Tuy nhiên với BLHS 2015, chủ thể của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có thể là nam giới và nữ giới bởi xử lý cả các hành vi quan hệ tình dục khác, đây là các hành vi không bị trói buộc bởi quan điểm về hành vi giao cấu thông thường giữa nam giới và nữ giới. Như vậy người đủ năng lực trách nhiệm hình sự, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm đối với tội hiếp dâm.

d. Mặt chủ quan của tội phạm

Ngươi phạm tội thực hiện hành vi này với lỗi cố ý.

3. Hình phạt

- Theo quy định tại khoản 1 điều 142 BLHS 2015 người thực hiện các hành vi được mô tả trong cấu thành cơ bản của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

- Thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tăng nặng thuộc các trường hợp tại khoản 2 điều này thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

- Thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tăng nặng thuộc các trường hợp tại khoản 2 điều này thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Và đây là tội phạm duy nhất trong các tội liên quan đến tình dục quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội danh lên đến tử hình.

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thủ tướng chỉ thị tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm chống người thi hành công vụ

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 39/CT-TTgvề tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ.

30/10/2017
Luật Trợ giúp pháp lý

Luật này quy định về người được trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.

30/10/2017
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Điều 47. Quyết định giải quyết bồi thường

1. Ngay sau khi có biên bản kết quả thương lượng thành, Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định giải quyết bồi thường và trao cho người yêu cầu bồi thường tại buổi thương lượng.

30/10/2017
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Điều 44. Tạm ứng kinh phí bồi thường

1. Theo đề nghị của người yêu cầu bồi thường quy định tại điểm e khoản 3 Điều 41 của Luật này, cơ quan giải quyết bồi thường tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại sau đây:

a) Thiệt hại về tinh thần quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 27 của Luật này;

b) Thiệt hại khác có thể tính được ngay mà không cần xác minh.

26/10/2017