Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

07:46, 12/10/2017

Điều 28. Các chi phí khác được bồi thường

1. Các chi phí hợp lý khác được bồi thường bao gồm:

a) Chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại;

b) Chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù trong tố tụng hình sự.

Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù được xác định theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi hành án hình sự.

2. Chi phí quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được xác định như sau:

a) Chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu được thanh toán theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp với giá trị được xác định tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này nhưng tối đa không quá mức quy định của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức; chế độ chi tổ chức hội nghị đối với cơ quan nhà nước.

Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với các chi phí quy định tại điểm này thì chi phí được bồi thường không quá 06 tháng lương cơ sở tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này cho 01 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền;

b) Chi phí gửi đơn thư đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết được tính theo biên lai cước phí bưu chính với giá trị được xác định tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này.

Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được biên lai cước phí đối với các chi phí quy định tại điểm này thì chi phí được bồi thường không quá 01 tháng lương cơ sở tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này cho 01 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền;

c) Chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại được thanh toán theo hợp đồng thực tế nhưng không quá mức thù lao do Chính phủ quy định đối với luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và chỉ thanh toán cho một người bào chữa hoặc một người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại tại một thời điểm.

3. Chi phí quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được xác định theo số người, số lần thăm gặp thực tế nhưng không quá số người, số lần được thăm gặp tối đa theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi hành án hình sự. Trường hợp không chứng minh được số người, số lần thăm gặp thực tế thì chi phí này được xác định theo số người, số lần được thăm gặp tối đa theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi hành án hình sự.

4. Khoảng thời gian làm căn cứ xác định chi phí được bồi thường quy định tại Điều này được tính từ ngày phát sinh thiệt hại thực tế cho đến ngày có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 29. Khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác đối với người bị thiệt hại

1. Ngoài các thiệt hại được bồi thường quy định tại các điều 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật này, người bị thiệt hại là cá nhân còn được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp sau đây:

a) Khôi phục chức vụ (nếu có), việc làm và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan;

b) Khôi phục quyền học tập;

c) Khôi phục tư cách thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

2. Ngoài các thiệt hại được bồi thường quy định tại các điều 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật này, người bị thiệt hại là tổ chức còn được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Trình tự, thủ tục khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật và các quy định, quy chế, điều lệ của các tổ chức có liên quan.

Điều 30. Trả lại tài sản

1. Tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu trái pháp luật phải được trả lại ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ.

2. Việc trả lại tài sản bị tạm giữ, tịch thu trái pháp luật trong hoạt động quản lý hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

3. Việc trả lại tài sản bị kê biên trái pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

4. Việc trả lại tài sản bị thu giữ trái pháp luật trong hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 31. Phục hồi danh dự

1. Người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật, người bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trái pháp luật thì được phục hồi danh dự.

2. Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm chủ động thực hiện việc phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này. Việc phục hồi danh dự được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương V của Luật này.

Điều 32. Các thiệt hại Nhà nước không bồi thường

1. Nhà nước không bồi thường các thiệt hại sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép;

c) Thiệt hại xảy ra trong hoàn cảnh người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 23 của Luật này.

2. Ngoài các thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều này, trong hoạt động tố tụng hình sự, Nhà nước không bồi thường các thiệt hại sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự;

b) Thiệt hại xảy ra do người bị thiệt hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm;

c) Thiệt hại xảy ra do người có hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu rõ ràng cấu thành tội phạm, bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố;

d) Thiệt hại xảy ra do người bị khởi tố, truy tố, xét xử đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử.

3. Ngoài các thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều này, trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đúng yêu cầu của người yêu cầu mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba. Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

4. Ngoài các thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều này, trong hoạt động thi hành án dân sự, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo đúng yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại. Người yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

29/09/2017
Công an thành phố Hà Giang Bắt khẩn cấp đối tượng hiếp dâm

BHG - Ngày 26.9, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Giang vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự để điều tra đối với Nguyễn Việt Trí (24 tuổi), trú tại tổ 9, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang về hành vi hiếp dâm.

27/09/2017
Luật phòng cháy và chữa cháy: Chương I – Những quy định chung

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về phòng cháy, chữa cháy, xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện, chính sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

26/09/2017
Tai nạn giao thông nghiêm trọng: 3 mẹ con tử vong tại chỗ

BHG- Vào hồi 9 giờ 20 phút ngày 24.9 đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng tại km 10 + 500 tỉnh lộ 176 (Yên Minh – Mèo Vạc), thuộc địa phận thôn Kéo Hẻn, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh khiến 3 mẹ con tử vong tại chỗ.

24/09/2017