Mèo Vạc tăng cường quản lý máy cưa xăng

09:13, 07/09/2017

BHG - Mèo Vạc lâu nay là một trong những địa bàn thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô. Do đó, việc bảo vệ những cánh rừng đầu nguồn được xem là vấn đề sống còn giúp người dân nơi đây xoa dịu cơn khát. Tuy nhiên, tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn và khai thác lâm sản trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán bằng máy cưa xăng (MCX) trên địa bàn thời gian qua vẫn chưa được xử lý triệt để. Với việc xây dựng phương án quản lý MCX tập trung tại các xã, thị trấn cùng với sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện đã giúp cho những cánh rừng ở Mèo Vạc bớt đi nỗi lo bị đốn hạ.

Các ngành chức năng huyện Mèo Vạc kiểm tra một vụ khai thác lâm sản trái phép bằng máy cưa xăng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán.
Các ngành chức năng huyện Mèo Vạc kiểm tra một vụ khai thác lâm sản trái phép bằng máy cưa xăng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán.

Hiện nay, tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn huyện Mèo Vạc chiếm 21 nghìn ha và Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán với tổng diện tích trên 5 nghìn ha. khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Theo báo cáo của lực lượng Kiểm lâm huyện, những năm gần đây, trên địa bàn huyện xảy ra một số vụ vi phạm về hành vi khai thác rừng trái phép; phương tiện chính dùng để thực hiện hành vi khai thác gỗ là MCX. Theo thống kê của chính quyền các xã, thị trấn; hiện toàn huyện có khoảng 130 MCX, tập trung tại 12 xã, thị trấn. Số máy này do người dân tự mua hoặc thuê, mượn ở địa bàn khác. Do lợi ích từ việc khai thác tài nguyên rừng trái phép là rất lớn nên một số tổ chức, cá nhân đã bất chấp các quy định của pháp luật, sử dụng mọi thủ đoạn để xâm hại đến tài nguyên rừng. Mặt khác, do nhu cầu cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân sống gần rừng, phụ thuộc vào rừng và đất lâm nghiệp đã gây sức ép rất lớn đến tài nguyên rừng, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Qua tìm hiểu, tình trạng “chảy máu” rừng đầu nguồn và Khu bảo tồn thiên nhiên ở Mèo Vạc đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Cách đây không lâu, qua công tác kiểm tra, xác minh trên địa bàn 6 xã, thị trấn của huyện Mèo Vạc, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, Hạt Kiểm lâm và các ngành chức năng huyện Mèo Vạc đã xác định có tổng số 29 cây gỗ nghiến (nhóm IIA) bị khai thác trái phép; tổng khối lượng được phát hiện tại hiện trường 134,04 m3 gỗ; trong đó, gỗ tròn 131,08 m3, gỗ xẻ 2,96 m3; toàn bộ số gỗ bị chặt hạ bằng MCX. Sau khi nắm bắt tình hình vụ việc, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND các xã có diện tích rừng nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình khai thác, bảo vệ và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số gỗ bị chặt hạ và bị đổ; tiếp tục rà soát, thống kê, kiểm đếm số cây gỗ đổ, gãy do thiên tai và khai thác trái phép từ những năm trước đây còn nằm rải rác trên rừng; điều tra, xác minh đối tượng vi phạm xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước tình trạng đó, xác định rõ mức độ tàn phá nghiêm trọng của MCX đối với tài nguyên rừng, UBND huyện Mèo Vạc đã xây dựng phương án quản lý MCX tập trung, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở; trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể tới các ngành liên quan. Đồng thời, theo dõi, quản lý chặt chẽ các chủ MCX để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sử dụng MCX khai thác gỗ trái phép tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Theo đó, các xã, thị trấn rà soát, thống kê MCX trên địa bàn; tuyên truyền, vận động các tổ chức, gia đình có MCX tự nguyện khai báo, giao nộp để quản lý tập trung tại thôn; giao cho Trưởng thôn trực tiếp quản lý, theo dõi; phối hợp đồng bộ giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, UBND các xã, thị trấn và các ngành, đoàn thể từ xã tới thôn trong việc vận động đưa MCX tập trung để quản lý. Đến nay, gần như toàn bộ số MCX hiện có trên địa bàn đã được đưa về quản lý tập trung tại các thôn. Đồng chí Trần Ngọc Thặng, Bí thư Đảng ủy xã Sủng Máng cho biết: “Trên địa bàn xã có số lượng MCX khá nhiều. Sau khi được tuyên truyền, người dân đã chủ động mang về thôn quản lý tập trung. Do đó, đã hạn chế tối đa tình trạng người dân phá rừng”.

Có thể khẳng định, bằng việc tổ chức thực hiện tốt phương án quản lý MCX đã giúp cho những cánh rừng ở Mèo Vạc bớt đi nỗi lo “chảy máu”. Từ chỗ giảm thiểu tình trạng khai thác rừng trái phép, ngăn chặn sự suy giảm về tài nguyên rừng đã giúp địa phương bảo vệ được những cánh rừng đầu nguồn, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, tính đa dạng sinh học và phát triển rừng bền vững.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắt quả tang 31 đối tượng đang đánh bạc

BHG - Hồi 15 giờ 45 phút ngày 27.8, tại nhà riêng của bà Bàn Thị Lợi (51 tuổi) trú tại thôn Việt An, xã Việt Hồng (Bắc Quang), Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) phối hợp với Công an huyện Bắc Quang bắt quả tang một vụ đánh bạc có quy mô lớn.

28/08/2017
Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử lưu động vụ án Vi phạm các qui định về khai thác bảo vệ rừng và chống người thi hành công vụ.

BHG - Ngày 27.8, Tại UBND TT Việt Lâm, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Vũ Mạnh Hoạch, trú tại tổ 5 TT Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, về tội vi phạm các qui định về khai thác bảo vệ rừng và chống người thi hành công vụ.

27/08/2017
Thu giữ lâm sản cất giấu ven rừng

BHG - Vào hồi 22 giờ 30 phút ngày 26.8, tổ công tác của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường (Công an tỉnh) đã phát hiện thu giữ 31 cục gỗ nghiến đang cất giấu chờ mang đi tiêu thụ.

27/08/2017
Sửa đổi, bổ sung một số điều thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

25/08/2017