Cảnh giác với những hoạt động theo kiểu "tín dụng đen"

08:57, 14/01/2017

BHG- “Tín dụng đen” (TDĐ) được hiểu là dạng huy động và cho vay tín dụng không thông qua hệ thống Ngân hàng, không đăng ký kinh doanh cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức của bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào. Ngoài ra, có những cơ sở núp bóng dưới các tiệm cầm đồ, cho vay, hỗ trợ tài chính dưới những thỏa thuận dân sự nhất định. TDĐ có lãi suất huy động và cho vay cao, thủ tục tiếp cận đơn giản so với các tổ chức tín dụng của Nhà nước, giải quyết nhanh chóng nên nhiều người dân đã tìm đến những hoạt động này.

Thời gian gần đây, hoạt động này có dấu hiệu bùng phát và biến tướng khó lường. Những tờ rơi quảng cáo được dán ở nhiều nơi: Trên vỉa hè, góc phố, trên cột điện, trên mạng xã hội,... rất dễ cập nhật được thông tin về hoạt động của TDĐ; những phương thức tiếp cận dễ dàng, đơn giản như: không cần tài sản thế chấp, không cần thu nhập ổn định, chỉ cần hóa đơn tiền điện, chứng minh thư nhân dân, thuận tiện, nhanh chóng chỉ sau vài phút là có tiền... Theo đánh giá của cơ quan Công an thời gian qua, trên địa bàn, tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động TDĐ xảy ra ở cả thành thị lẫn nông thôn, nạn nhân cũng rất đa dạng, ở nhiều lứa tuổi, trình độ học vấn và tính chất công việc khác nhau. Các hoạt động cho vay, thuê, cầm cố tài sản không tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự, xảy ra nhiều vụ việc khiếu kiện, đòi nợ, chanh chấp liên quan đến hoạt động vay và cho vay. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có cả những cá nhân là cán bộ, công chức Nhà nước, lao động tự do, không kinh doanh dịch vụ cầm đồ có dấu hiệu tham gia vào việc cho vay với lãi suất cao. Khi cho vay, trong hợp đồng không thể hiện mức lãi suất, mà chỉ thỏa thuận giữa người vay và người cho vay; đối với các tài sản thế chấp có giá trị lớn, các chủ cơ sở kinh doanh hoặc người cho vay thường yêu cầu chủ tài sản ký hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng chuyển nhượng tài sản, hình thức khi giao dịch là dân sự, khi xảy ra tranh chấp gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Theo tìm hiểu, TDĐ hiện nay phổ biến dưới dạng cho vay nặng lãi và cho vay lại để lấy lãi suất cao, ăn chênh lệch. Với mức lãi suất thường là 3.000 đồng đến 7.000 đồng/1 triệu/1 ngày (thậm chí còn cao hơn nữa), nhưng trên giấy vay không ghi lãi suất cũng như phương thức tính lãi hoặc ngầm thỏa thuận với mục đích là trốn tránh các cơ quan thực thi pháp luật. Khi đến hạn mà người vay chưa trả, chủ nợ sẽ cho người đến bắt viết giấy vay mới (bao gồm cả gốc và lãi). Điều này, làm người vay phải chịu cảnh lãi chồng lãi, rồi lãi mẹ đẻ lãi con... Nếu không trả đủ cả gốc lẫn lãi thì lại nhập lãi vào nợ gốc rồi tính kỳ hạn mới khiến con nợ không thể trả nổi. Khi đó, chủ nợ cho người đến đe dọa, chửi mắng, ném chất bẩn, khủng bố tinh thần nạn nhân, thậm chí còn khống chế, đánh đập, gây thương tích rồi ép nạn nhân bán nhà, cầm cố tải sản lại với giá rẻ...

Trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, gậy mất an ninh trật tự ở địa phương xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến các hoạt động TDĐ. Cơ quan Công an đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự, cố ý gây thương tích. Điển hình như vụ Quan Thị Trang Nhung (trú tại tổ 3 phường Trần Phú, thành phố Hà Giang) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng, hiện đang chịu mức án 14 năm tù về hành vi của mình; vụ Giàng Thị Kim Anh (trú tại tổ 5, phường Trần Phú), lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; hay vụ việc tại phường Nguyễn Trãi, các đối tượng đòi nợ đã có hành vi đổ chất bẩn vào nhà nạn nhân và rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề vay nợ, gây mất an ninh trật tự, tấn công cả lực lượng chức năng đã và đang được xử lý theo quy định của pháp luật. Năm 2016, riêng tại địa bàn huyện Bắc Quang xảy ra vụ vỡ nợ với thiệt hại lên tới 14 tỷ đồng.

Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động liên quan đến TDĐ trên địa bàn, các cơ quan chức năng đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và phòng ngừa hệ lụy của hoạt động này. Công an tỉnh đã xây dựng các văn bản, kế hoạch chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động TDĐ trên địa bàn. Đại úy Trịnh Bá Khiêm, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Giang) cho biết: “Đơn vị đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tập trung xác minh các đối tượng cho vay nặng lãi có hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần, cản trở cuộc sống sinh hoạt bình thường của người dân; đẩy mạnh công tác nắm tình hình, thu thập những tài liệu liên quan đến hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và các cá nhân có dấu hiệu cho vay với lãi suất cao; tổ chức đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm tội phạm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, không tham gia vào các hoạt động liên quan đến TDĐ, chủ động phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm”.

Thượng tá Vũ Hữu Toản, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) khuyến cáo: Để ngăn chặn hiệu quả hoạt động TDĐ, hơn hết vẫn là nâng cao nhận thức của mọi người để phòng tránh và nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, không tiếp tay cho những hoạt động của bọn tội phạm, không tham gia vay mượn, cầm cố khi không thật cần thiết; hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng trong công tác giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan, bởi thực chất: TDĐ dễ vay – khó trả!

                      N. L


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những chiến công thầm lặng

BHG - Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an tỉnh tuy không trực tiếp đương đầu với tội phạm nhưng trong mọi vụ án luôn là một trong những lực lượng có mặt đầu tiên tại hiện trường. 

31/12/2016
Ban chỉ đạo 389 Hà Giang tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017

BHG- Ngày 29.12, Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Hà Giang (389) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban chỉ đạo 389 Hà Giang chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành viên Ban chỉ đạo.

29/12/2016
Mèo Vạc đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn giao thông dịp cuối năm

BHG- Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn, trong thời gian qua huyện Mèo Vạc đã triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan và Ban ATGT đẩy mạnh nhiều biện pháp thiết thực để đảm bảo TTATGT. Do làm tốt công tác hướng dẫn người dân, kết hợp với thực thi nhiều biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn nên trong thời gian qua tình hình TTATGT tại địa bàn huyện luôn được đảm bảo an toàn.

28/12/2016
Hội nghị trực tuyến Chính phủ về công tác Phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy

BHG- Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chiều 23.12, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác Phòng chống ma túy (PCMT) và cai nghiện ma túy với các địa phương trong cả nước.

26/12/2016