Đa cấp về bản và những lời trần tình

07:02, 31/05/2016

BHG- Với luận điệu lôi kéo của “cán bộ” bán hàng đa cấp (BHĐC) được cho là của Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (LMTDVN), khiến không ít người, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn hoang tưởng rằng, nếu tham gia BHĐC của công ty này sẽ chẳng mấy chốc trở thành... tỷ phú. Nhưng, rồi bà con cũng dần ngộ ra một thực tế phũ phàng.

Vợ chồng anh Lò Sào Sén lo lắng vì số tiền bán bò đầu tư vào LMTDVN, nay coi như đã mất.
Vợ chồng anh Lò Sào Sén lo lắng vì số tiền bán bò đầu tư vào LMTDVN, nay coi như đã mất.

Đa cấp về bản

Thôn Tùng Vài Phìn, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ có 107 hộ đồng bào Mông. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, vì thế khi thấy cảnh giàu sang do “cán bộ” BHĐC vẽ ra, đã có khoảng chục hộ ở đây đầu tư vào BHĐC.

Thào Thìn Lư, là Công an viên ở Tùng Vài Phìn, cho biết: “Qua một số lần xuống T.p Hà Giang, tôi bị một người phụ nữ tên Loan mời gọi. Nghe bùi tai, khoảng tháng 6.2015, tôi mua 100 mã hàng, trị giá gần 1 tỷ đồng. Để có số tiền trên tôi đã phải bán 23 con bò và một cái máy xúc. Tham gia LMTDVN, họ có trả thưởng hoa hồng cho tôi một vài lần. Về sau không thấy trả nữa, số tiền thu về không thấm so với số đầu tư gần 1 tỷ đồng”.

Theo Thào Thìn Lừ, thời gian trước có một người tên P, là nhân viên của một sở của tỉnh, từng đi cả ô tô lên đây vận động bà con tham gia LMTDVN. Bị lôi kéo, có hộ ít thì mua 1 mã, người nhiều mua đến 7 - 8 mã hàng của LMTDVN.

Rời nhà Thào Thìn Lừ, chúng tôi đến nhà Lò Sào Sén. Gặp chúng tôi, vợ chồng anh Sén rất bức xúc vì số tiền bán 1 con bò được 27 triệu đồng, vét cả nhà có 30 triệu đồng, đầu tư vào LMTDVN, nay có nguy cơ mất. Anh Sén cho biết: “Tôi mua 3 mã hàng của LMTDVN từ tháng 7.2015. Lúc đầu họ trả cho 2,5 triệu đồng tiền hoa hồng, về sau không thấy họ trả như đã hứa hẹn. Những sản phẩm họ đưa cho toàn thứ tôi không biết tên, đến bây giờ nhà tôi vẫn chưa dùng hết”. Nói đến đây, vợ anh Sén ngồi bên cạnh ấm ức trào nước mắt vì biết có thể sẽ mất đi số tiền bán con bò, là công sức nhiều năm vất vả.

Theo thông tin từ lãnh đạo xã Tùng Vài và một “cán bộ” từng tham gia LMTDVN, ở Tùng Vài Phìn có khoảng chục hộ tham gia BHĐC của LMTDVN. Ngoài ra, còn tham gia vào một số công ty BHĐC khác. Được hứa hẹn về lợi nhuận “khủng”, nhiều người u mê tham gia BHĐC mà chưa hiểu gì về loại hình kinh doanh này. Tiếp đó là việc đi rủ thêm bà con, anh em. Một nạn nhân BHĐC chua chát nói, ở đây có hộ lo cái ăn còn khó, thế mà mấy ông đa cấp bóng mượt lại lôi kéo người nghèo mua thực phẩm chức năng để... bồi bổ và làm giàu.

Cơ sở của LMTDVN tại thành phố Hà Giang được hợp đồng thuê với ông Bùi Viết Tam 2 năm, nhưng sau 3 tháng đã lặng lẽ… rời đi trong đêm.
Cơ sở của LMTDVN tại thành phố Hà Giang được hợp đồng thuê với ông Bùi Viết Tam 2 năm, nhưng sau 3 tháng đã lặng lẽ… rời đi trong đêm.

Lời trần tình về BHĐC

Trong ánh mắt có phần lo lắng, Thào Thìn Lừ cho biết: “Trước thông tin về BHĐC biến tướng, tôi đã về T.p Hà Giang tìm hiểu thì mới biết cơ sở đại diện của LMTDVN ở đây đã không còn. Anh Tiến (đại diện cơ sở) cũng bỏ không làm ở đây nữa. Thế nhưng, tôi và mấy người khác gọi điện thì anh này nói rằng Công ty vẫn đang hoạt động bình thường, dạo này kiểm tra nhiều nên mới tạm... đóng cửa thôi”. Anh Lừ bộc bạch: “Sự thực tôi thấy họ bảo một mã hàng trị giá 10 triệu đồng, sau 5 năm thì sẽ được trả tiền lãi lên đến 60 triệu đồng, nên tôi mới bỏ tiền ra mua vì nghĩ rằng, mình gửi tiền ngân hàng cũng không thể được lãi bằng ấy”.

Anh Tô Quốc Trí, ở T.p Hà Giang, người viết lá đơn tố cáo dài 5 trang gửi Trung tâm tin tức VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: “Cảm thấy bị lừa, tôi tìm về trụ sở Công ty CP LMTDVN ở Hà Nội. Tại đây có khá nhiều bảo vệ bao bọc, tôi tiếp cận được lãnh đạo Công ty và bất ngờ khi các vị lãnh đạo ở đây cho biết, những người lên Hà Giang lôi kéo khách hàng, xưng là “trụ cột” của LMTDVN trong buổi Đại hội khách hàng tổ chức tại Khách sạn Hà An năm 2015 đều không phải là cán bộ của Công ty mà chỉ là... cộng tác viên của Công ty.

Trao đổi với Trịnh Xuân Tiến, người được cho là đại diện cơ sở LMTDVN tại Hà Giang, Tiến cho biết mình chỉ làm đại lí ký gửi hàng hóa của LMTDVN. Tiến cũng cho biết, sự thực có một số người từng lên Hà Giang được giới thiệu là cán bộ, lãnh đạo, “trụ cột” của LMTDVN, nhưng họ chỉ là cộng tác viên của Công ty CP LMTDVN. Riêng anh Thêm, người được cho là Phó Giám đốc cơ sở Hà Giang cũng chỉ là “tự phong” lên. Sau khi làm ăn khó khăn, đến giờ anh Thêm nghe nói đã bỏ và chuyển sang làm sửa chữa ô - tô ở Tuyên Quang. Còn một số người từng lên Hà Giang xưng là “trụ cột” của Công ty thì cũng không còn ở LMTDVN nữa, họ đã đầu quân cho công ty đa cấp khác.

Trịnh Xuân Tiến cho biết, hiện anh cũng không còn làm đại lý cho LMTDVN nữa. Có một số lần anh nói chuyện với lãnh đạo LMTDVN rằng nếu không trả hoa hồng như đã hứa, người ta sẽ kiện công ty đấy. Tiến cho biết, con số người tham gia BHĐC của LMTDVN mà anh nắm được trong tỉnh hiện khoảng 60 – 70 người. Ngoài ra còn những người tham gia LMTDVN ở những chi nhánh nơi khác, Tiến không nắm được. Một bất ngờ được Tiến tiết lộ, đó là có một số người được cho là mua 100 mã hàng (khoảng 1 tỷ đồng), nhưng sự thực họ mua ít hơn thế. Con số 100 mã chỉ đưa lên để... dễ lôi kéo khách hàng khác.

Qua điều tra một trong số những nơi từng đặt cơ sở của LMTDVN, chúng tôi được chủ nhà là ông Bùi Viết Tam, ở số nhà 41D, tổ 17, phường Nguyễn Trãi, T.p Hà Giang, cho biết: “Công ty CP LMTDVN thuê nhà ông từ khoảng tháng 8.2015, làm hợp đồng 2 năm, tiền thuê nhà là 18 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, công ty này chỉ ở đây có 3 tháng, trả tiền nhà được 54 triệu đồng. Đến tháng 12 (âm lịch 2015), họ lặng lẽ chuyển đi trong đêm mà không báo gì. Nhờ có hàng xóm phát hiện, báo lại tôi mới biết. Ông Tam cũng cho biết, khi ký hợp đồng ông cũng cảm thấy nghi ngờ vì người đại diện là anh Tiến đến quảng cáo rất hoành tráng, nhưng khi ký hợp đồng thì lại không có con dấu của công ty”. Ông Tam cũng cho biết, khi Công ty LMTDVN hoạt động ở đây có rất nhiều người dân từ trong làng, bản đến.

Có thể nói, một trong những thủ đoạn BHĐC biến tướng là việc các công ty sử dụng cộng tác viên, các chi nhánh để xây dựng và phát triển mạng lưới. Đây là cách làm an toàn và dễ bề thoái thác trách nhiệm khi bị bóc mẽ, bởi sai là do cộng tác viên và do chi nhánh chứ đâu phải do cán bộ của các công ty BHĐC. Còn với các cộng tác viên BHĐC, sau khi thấy làm ăn ko ổn ở công ty này, họ sẽ “lướt sóng” sang các công ty khác để tiếp tục hành trình đi lôi kéo khách hàng bằng hình thức sang trọng giả tạo và mồm mép lẻo hoạt của mình.

Toan SắcK – L.Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xử phạt 2 xe ô tô chở 8 tấn lợn không rõ nguồn gốc

BHG - Hồi 18 giờ ngày 27.4, tại km 8 và km 24 (đường Hà Giang đi Đồng Văn), Tổ công tác của Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) phát hiện 2 chiếc xe ô tô tải chở hơn 8 tấn lợn không có giấy tờ kiểm dịch và nguồn gốc xuất xứ.

29/04/2016
Thêm những nạn nhân... tiền mất, tật mang

BHG- Sau khi Báo Hà Giang đăng tải loạt bài viết "Bão đa cấp lên núi", thời gian qua, phóng viên tiếp tục nhận thêm thông tin về những nạn nhân của bán hàng đa cấp (BHĐC) mới được cho là liên quan đến Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (LMTDVN). Theo sự phản ánh và dẫn đường của những nạn nhân, chúng tôi từng bước tiếp cận với một kiểu đa cấp biến tướng, mà ở đó các nạn nhân đã bị đưa vào một canh bạc của lòng tham và sự u mê.

26/05/2016
Đội QLTT cơ động bắt giữ sản phẩm động vật (thịt lợn) không rõ nguồn gốc

BHG - Vào hồi 10 giở 30 phút ngày 25. 4, tại địa bàn huyện Vị Xuyên, Đội Quản lý thị trường (QLTT ) cơ động (Chi cục QLTT tỉnh) đã tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô BKS: 30Y – 8158 do ông Lương Mạnh Thế, Phường Ỷ La, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang là lái xe kiêm chủ hàng. 

26/04/2016
Sông Lô... "oằn mình" bởi nạn "cát tặc"

BHG- Hàng chục điểm khai thác cát, sỏi trái phép hoạt động ngang nhiên, tấp nập trên sông Lô đoạn chạy qua địa bàn huyện Vị Xuyên, thành phố Hà Giang như đang "thi gan" với cơ quan công quyền. Đối phó với nạn "cát tặc", chính quyền huyện Vị Xuyên, thành phố Hà Giang luôn chỉ đạo xử lý nghiêm, đình chỉ ngay... nhưng cơ sở lại thờ ơ như không phải việc của mình. Chính vì vậy, các điểm khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lô vẫn diễn ra thường xuyên.

25/05/2016