Hà Giang

Vì sao tội phạm lừa đảo chạy việc làm có "đất" sống?

10:39, 02/01/2014
Có cầu ắt có cung, xuất phát từ nhu cầu tìm việc làm, chạy trường, chạy điểm… thời gian qua trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Phú Thọ nói riêng, liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng thực hiện hầu hết là các cán bộ công chức Nhà nước. Dưới vỏ bọc hoàn hảo của một cán bộ Nhà nước, phô trương có quan hệ xã hội rộng, các đối tượng đánh vào sự nhẹ dạ cả tin của những người có nhu cầu.

Về phía người bị hại, khi tìm được các mối giải quyết, họ sẵn sàng chấp nhận mọi phí tổn, kể cả tài chính để kiếm được cơ hội đi làm, đi học và kiếm kế sinh nhai. Nguyên nhân của vụ việc trên xuất phát từ cơ chế tuyển lựa, tuyển sinh, tuyển dụng chưa thực sự minh bạch, khiến người có nhu cầu thực sự rất thiếu thông tin.

Trắng tay vì chạy việc cho con

 Ngồi thẫn thờ bên dòng suối mùa này cạn nước, ông Hà Văn Long, (trú tại tỉnh Phú Thọ) chìm trong suy tư. Từ ngày bị mất 150 triệu đồng vào tay các đối tượng lừa đảo xin việc làm, việc ra suối kiếm cá của ông Long không còn đơn thuần chỉ để cải thiện bữa ăn gia đình như lúc trước.

Gặp chúng tôi, ông Long rầu rầu chia sẻ: Con gái ông là Hà Thị Yến đã tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành điều dưỡng thuộc Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ nhưng gần ba năm nay không tìm được việc làm. Công việc hàng ngày của Yến là phụ giúp cha, mẹ việc đồng áng và chăm sóc  đàn lợn… Qua sự giới thiệu của những người quen, ông Long gặp được một đối tượng, tự giới thiệu có thể xin việc cho con ông vào một cơ quan Nhà nước với số tiền 150 triệu đồng. Với gia đình thuần nông như ông Long, số tiền này là một khoản không nhỏ… song vì tương lai của con mình, ông Long phải vay mượn khắp nơi.

Theo thông tin chúng tôi nắm được thì trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ngoài việc đứng ra nhận xin vào làm việc tại các cơ sở y tế, trường học trên địa bàn 2 huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, đối tượng chủ mưu thực hiện vụ án này còn nhận xin học vào các trường thuộc lực lượng vũ trang. Để tạo niềm tin, đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo xin việc làm này thường huênh hoang giới thiệu mình là cán bộ của Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ nên có mối quan hệ rộng, có thể xin vào nhiều cơ quan trong bộ máy hành chính. Tin tưởng lời của các đối tượng này, nhiều người sẵn sàng giao hàng trăm triệu đồng mà chỉ có duy nhất một tờ giấy nhận nợ làm tin. Chỉ đến khi mọi việc vỡ lở thì nhiều người mới kịp nhận ra.

Một trong các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ.

Chân dung các "cò"chạy việc

Để làm rõ các thủ đoạn phạm tội của Nguyễn Văn Hiền, đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên, chúng tôi tìm gặp Hiền tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ. Nguyễn Văn Hiền là Hiệu phó Trường Tiểu học xã Long Cốc, huyện Tân Sơn. Vậy nhưng Hiền lại khoe rằng anh ta là cán bộ của Sở Nội vụ, để thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân mà Nguyễn Văn Hiền nhằm vào các đối tượng đang có nhu cầu xin việc làm ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi mà bà con ít hiểu biết về quy trình tuyển dụng cũng như chỉ tiêu tuyển dụng hàng năm của các cơ quan, đơn vị. Để tạo niềm tin cho những người đang có nhu cầu nhờ xin việc, Hiền sử dụng mạng lưới chân rết để "đánh bóng" tên tuổi của mình bằng cách đi đâu các đối tượng này cũng giới thiệu Hiền hiện là cán bộ của Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ, nên có mối quan hệ quen biết rộng, có thể xin việc làm vào nhiều vị trí công tác khác nhau trên địa bàn tỉnh, thậm chí cả các cơ quan trung ương tại Hà Nội. Mỗi lần gặp gỡ "đối tác", Hiền không đi bằng xe máy như thường nhật mà luôn xuất hiện bằng xe ôtô. Và để che giấu hành tung của mình, Hiền không bao giờ cung cấp địa chỉ nhà ở và nơi làm việc của mình. Trong tổng số gần 150 bộ hồ sơ mà Hiền và các chân rết của mình đã tiếp nhận từ năm 2010 đến thời điểm bị bắt là năm 2013, Hiền chưa xin được việc làm cho bất kỳ trường hợp nào, trong khi số tiền mà Hiền đã chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng.

Ngoài việc khám phá ra đường dây lừa đảo bằng hình thức xin việc làm do Nguyễn Văn Hiền (trú tại huyện Thanh Sơn) cầm đầu, gần đây nhất, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh còn khám phá ra một đường dây lừa đảo xin việc do Bùi Thị Ngọc Yến (45 tuổi, cán bộ Trung tâm Kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ) thực hiện. Trước khi trở thành bị can trong vụ án này, Yến từng được đánh giá là một cán bộ có năng lực. Thủ đoạn của Yến cũng là đánh bóng tên, tuổi. Khi gặp những người bị hại, Yến thường giới thiệu chị ta có quan hệ với nhiều vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, có thể xin việc cho nhiều người vào các ngành, nghề khác nhau, trong đó có các trường thuộc lực lượng vũ trang, với mức giá hết sức hợp lý. Miếng bánh vẽ của Yến đã khiến nhiều người bị hại sập bẫy chị ta. Bằng việc "buôn nước bọt" Yến đã chiếm đoạt của những người bị hại gần 6 tỷ đồng. Có một điều người bị hại không biết là mặc dù nhận hồ sơ cho người khác nhưng con gái Yến cũng không có việc làm.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đinh Văn Phúc, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Xuất phát từ nhu cầu bức xúc của xã hội là có việc làm và được học hành… các đối tượng cò mới có "đất" để thực hiện hành vi phạm tội. Qua các vụ việc này cũng cho thấy những sơ hở trong cơ chế tuyển dụng, tuyển sinh chưa thực sự minh bạch nên dẫn đến tình trạng, người có nhu cầu rất thiếu thông tin, không biết là năm nay tuyển bao nhiêu chỉ tiêu. Bên cạnh đó, có một bộ phận nhỏ, cán bộ công chức được giao nhiệm vụ tuyển sinh, tuyển dụng vì mục đích lợi nhuận, đã chuyển tải những thông tin không có thật nên những người có nhu cầu, không có được thông tin đầy đủ… Để ngăn chặn tình trạng trên, những người có nhu cầu xin công chức, xin đi học, xin vào các trường học cần phải tìm hiểu nguồn thông tin một cách chính thống; tránh việc tiếp xúc với các cá nhân, không có tư cách pháp nhân, tự đánh bóng vị trí để lấy lòng tin của người bị hại. Trong một số trường hợp cần phải tỉnh táo, kiểm tra xem con người ấy là như thế nào, trước lúc trao đổi nguyện vọng và đưa tiền để họ giúp cho mình…

Về phía các cơ quan công quyền có nhu cầu tuyển dụng công chức, biên chế phải công khai hóa, minh bạch hóa công tác tuyển dụng, các bước quy trình của qúa trình tuyển dụng và thông báo để quần chúng được biết và kết hợp với các cơ sở đào tạo, đây cũng là khâu chiến lược. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát đội ngũ công chức, đặc biệt là những người được phân công vào vị trí nhạy cảm như tuyển sinh, tuyển dụng và cán bộ tổ chức… 

Từ các vụ án trên cho thấy, chính sự thiếu hiểu biết của người dân và áp lực quá lớn của vấn đề xin việc làm hiện nay đã tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo, những "cò" công chức có đất sống


cand.com.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tổng kết năm ATGT 2013
HGĐT- Ngày 31.12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương, tổng kết năm ATGT 2013, triển khai nhiệm vụ 2014. Dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh ta có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, thành
31/12/2013
Kinh doanh nhà nghỉ kiêm hoạt động mại dâm
HGĐT- Vào hồi 23 giờ 10 phút ngày 30.12, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh) đã bắt quả tang 3 đôi nam nữ đang thực hiện hành vi mua bán dâm tại 3 phòng của nhà nghỉ Thanh Thanh Tùng, có địa chỉ tại Thôn Tân Bình, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang.
31/12/2013
Tiếp nhận điều tra vụ án chiếm đoạt vật liệu nổ
HGĐT- Ngày 31.12, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh tiếp nhận vụ án Chiếm đoạt, tàng trữ, vận chuyển trái phép vật liệu nổ do Công an huyện Yên Minh đã khởi tố chuyển giao để tiếp tục thụ lý điều tra theo thẩm quyền, sự việc như sau :
31/12/2013
Khởi tố vụ án tham ô tài sản tại Chi cục Bảo vệ thực vật
HGĐT- Ngày 30.12, Đại tá Hầu Văn Lý, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng cơ quan CSĐT, ký quyết định khởi tố điều tra vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT).
31/12/2013