"Tín dụng đen" và sự tắc trách của công chứng viên

08:55, 21/05/2010

Kẹt tiền, kẹt vốn cùng với ý thức tự bảo vệ không cao, nhiều người đã chủ động biến mình trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo. Sự tắc trách, thiếu cẩn trọng của công chứng viên, cũng như sự thiếu thông tin kết nối giữa các tổ chức hành nghề công chứng đã vô tình, hoặc hữu ý tiếp tay cho những kẻ lừa đảo…!


Chân dung các "siêu lừa"

Đến nay, nhiều đối tượng lừa đảo thông qua các bản hợp đồng công chứng ủy quyền đã được cơ quan chức năng xác định làm rõ, trong đó có đối tượng Nguyễn Thu Hợp và Phạm Tuấn Anh. Nguyễn Thu Hợp xuất thân từ một phụ nữ buôn bán quần áo may sẵn, từng có 1 tiền án tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào năm 1992. Hợp và Tuấn Anh thành lập công ty, sử dụng một loạt "vệ tinh" chuyên làm dịch vụ cho vay tiền bằng thế chấp "sổ đỏ".

Trước năm 2007, các đối tượng sử dụng pháp nhân của công ty trên để thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng rồi cho người có tài sản vay lại với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, từ năm 2007, khi ngân hàng siết chặt các hoạt động tín dụng, các đối tượng chuyển sang dùng sổ đỏ của người dân để vay "tín dụng đen" (thế chấp sổ đỏ để vay tiền của tư nhân).

Từ đây, lợi dụng tâm lý sốt ruột vay tiền và cả tin của người dân trong thực hiện công chứng ủy quyền (như bài trước đã nêu), các đối tượng chuyển sang hoạt động lừa đảo. Chúng dùng hợp đồng ủy quyền có nội dung chuyển nhượng (trong khi người có tài sản chỉ có nhu cầu thế chấp vay vốn) cùng "sổ đỏ" đi bán để chiếm đoạt tiền với số lượng lớn. Đến nay, theo xác định của cơ quan chức năng, với thủ đoạn trên, Nguyễn Thu Hợp cùng đồng bọn đã bán ít nhất 5 ngôi nhà, đất chiếm đoạt hàng tỷ đồng của những người ký hợp đồng ủy quyền vay vốn một cách thiếu cảnh giác.

Sở Tư pháp Hà Nội thường xuyên quan tâm quản lý, chỉ đạo uốn nắn lĩnh vực công chứng.

Tương tự như vậy, năm 2008, do làm ăn thua lỗ, Quách Huyền Thi, Giám đốc Công ty CP Thương mại dịch vụ và đầu tư phát triển kinh tế Tây Bắc chuyển hướng từ kinh doanh "xăng dầu" sang kinh doanh "tín dụng", nhận cầm cố, thế chấp "sổ đỏ" với ngân hàng hoặc cầm cố vay của các cá nhân khác lấy số tiền lớn hơn mà người cần vay nhằm mục đích chiếm đoạt tiền chênh lệch. Thi sử dụng những đối tượng môi giới để tiếp cận những người có nhu cầu vay tiền.

Để tạo lòng tin cho họ, Thi giả vờ dẫn người đóng giả làm cán bộ ngân hàng tới nhà họ để làm thủ tục "thẩm định tài sản" trước khi cho vay tiền rồi dẫn người có tài sản đi cùng tới văn phòng công chứng làm hợp đồng ủy quyền. Khi ký kết, Thi và các đối tượng môi giới nói dối chủ tài sản đó là những hợp đồng mẫu có nội dung thế chấp sổ đỏ để vay tiền ngân hàng, tìm cách để chủ tài sản ký mà không đọc được nội dung hợp đồng. Sau đó, Thi sử dụng hợp đồng ủy quyền cùng sổ đỏ gốc đi bán cho người khác để chiếm đoạt tiền.

Chỉ riêng trong năm 2009, Thi đã bán 4 quyển "sổ đỏ" của những người có nhu cầu vay vốn chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng, sau đó chỉ đưa lại cho chủ tài sản một phần rất nhỏ trong số tiền đã bán để tạo niềm tin cho họ tưởng là đã được vay vốn ngân hàng. Nhiều người đã làm đơn gửi đến cơ quan Công an tố cáo hành vi lừa đảo của Quách Huyền Thi.

Kẽ hở công chứng

Từ các vụ việc trên, có thể thấy rõ các đối tượng lừa đảo thông qua hoạt động "tín dụng đen" này đều có chung thủ đoạn lập hợp đồng ủy quyền công chứng một nơi và thực hiện hợp đồng công chứng chuyển nhượng tài sản ở một nơi khác. Trong vụ án Quách Huyền Thi, tất cả các hợp đồng ủy quyền được lập ở Văn phòng công chứng (VPCC) Thái Hà, còn hợp đồng chuyển nhượng được lập ở PCC số 6.

Tình trạng làm giả văn bản công chứng khiến UBND TP Hà Nội phải lên tiếng yêu cầu cơ quan Công an làm rõ.

Tương tự như vậy, Nguyễn Thu Hợp và đồng bọn đã lựa chọn Phòng công chứng số 5 làm điểm lập hợp đồng ủy quyền với 12 hợp đồng ủy quyền đã được công chứng trong thời gian từ năm 2007-2008, sau đó lại giao dịch tiếp ở tổ chức hành nghề công chứng khác. Từ mối quan hệ thông qua các hoạt động công chứng thường xuyên này, một khi công chứng viên thiếu tỉnh táo sẽ dẫn đến việc bị đối tượng điều khiển, lợi dụng theo ý đồ riêng của chúng và nhiều trường hợp đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo mà vô ý hoặc cố tình tiếp tay cho chúng. Vụ việc xảy ra tại VPCC Việt Tín là một ví dụ điển hình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động hành nghề công chứng hơn 2 năm gần đây khác nhiều so với những năm trước. Trước đây, khi chỉ có các PCC (công chứng của nhà nước) thì người ta phải xếp hàng, cạy cục quan hệ mới được công chứng nhanh. Giờ thì hoạt động chứng thực đã được tách ra, đưa về UBND cấp xã, rồi công chứng được xã hội hóa. Do đó, bên cạnh các PCC trực thuộc Sở Tư pháp, đã xuất hiện nhiều VPCC do các công chứng viên tự lập ra.

Riêng Hà Nội, số VPCC đã gấp 3 lần PCC. Vì thế, thông thường muốn đông khách đến công chứng thì phải có quan hệ. Trong đó, quan hệ với nhóm đối tượng thường xuyên giao dịch bất động sản như cò nhà đất, các sàn giao dịch bất động sản hay tổ chức tín dụng liên quan đến thế chấp,… được chú trọng nhất. Với quan hệ các bên cùng có lợi và muốn duy trì lâu dài thì những sự linh động về giấy tờ trong khuôn khổ pháp luật cho phép hay công chứng tận công ty, tận nhà,… hoàn toàn có thể được các tổ chức công chứng vận dụng để chiều khách hàng.

Những quan hệ này không ai dám bảo là xấu, là tiêu cực, thậm chí có được những mối quan hệ rộng rãi còn là mục tiêu phấn đấu của không ít người hoạt động trong lĩnh vực công chứng, cũng như nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trường hợp mà ít nhất một trong các bên cố ý lạm dụng quan hệ này hoặc "móc" với nhau để trục lợi bất hợp pháp thì lại khác.

Bản thân người viết bài trong một lần vô tình ngồi với một đại gia bất động sản ở thời điểm khoảng 2 ngày sau cái chết của Trưởng VPCC Việt Tín, đã nghe được mẩu thoại qua điện thoại của anh ta: "Anh không biết tin gì hả. Ông Hải (công chứng viên Nguyễn Minh Hải) chết là vì cái Linh đấy. Khổ cái lão ấy, phải công chứng bao nhiêu cái hợp đồng của nó anh ạ, mà những hợp đồng của nó thì…".

Sự việc ở VPCC Việt Tín và một số VPCC khác mà chúng tôi đã nêu cho thấy con dấu công chứng đã được "triện" một cách rất dễ dãi do vô tình, do thiếu trách nhiệm hoặc do cố ý vì những nguyên cớ khó nói. Chúng tôi rất muốn tin rằng, sự dễ dãi nguy hiểm này chỉ diễn ra ở một số ít, rất ít giao dịch trong tổng số hàng vạn giao dịch được công chứng mỗi năm riêng trên địa bàn Hà Nội(!)


cand

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

5 án tử hình, 11 án chung thân cho vụ án buôn 51 bánh heroin ở Thái Nguyên
Sau 14 ngày tiến hành xét xử, ngày 26-3, TAND tỉnh Thái Nguyên đã kết thúc phiên tòa sơ thẩm vụ án Nguyễn Văn Đua, 43 tuổi, trú ở khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội cùng đồng bọn. Đây được coi là vụ án ma túy có đông bị cáo nhất Thái Nguyên với 29 đối tượng.
29/03/2010
Tòa án nhân dân tỉnh: Xét xử sơ thẩm công khai lưu động vụ án hình sự giết người
HGĐT- Ngày 25.4, tại sân vân động huyện Quản Bạ, Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai lưu động, vụ án hình sự đối với bị cáo Thào Chính Dư(SN 1987), dân tộc Mông, trú tại thôn Hoa Sì Pan, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, về tội “Giết người”.
26/04/2010
Đội KLCĐ-PCCCR số 1 thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng
HGĐT- Đội Kiểm lâm cơ động (KLCĐ) - phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) số I được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, quản lý lâm sản; kiểm tra, giám sát việc khai thác, chế biến, sử dụng, kinh doanh, vận chuyển lâm sản; đôn đốc các đơn vị, chủ rừng về công tác PCCCR, tham gia chữa cháy rừng.
25/03/2010
Bắt vụ vận chuyển 149,3kg ngà voi
Ngày 22/3, Phòng CSGT Công an đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao toàn bộ số đối tượng và tang vật là 149,3kg ngà voi cho Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV để điều tra làm rõ.
24/03/2010