Báo Hà Giang điện tử
.

Bừng sáng Cao nguyên đá

09:43, 09/06/2022
 

BHG - Sau 3 nhiệm kỳ nắm giữ danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC), với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương và người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, CVĐC đã "thay da đổi thịt", sáng bừng sức sống, trở thành "địa chỉ đỏ" trên bản đồ du lịch (DL).

 

Công viên địa chất trải qua lịch sử phát triển địa chất của trái đất với niên đại khoảng 540 triệu năm; trải qua các niên đại: Cổ sinh, Trung sinh và Tân sinh với 13 tầng địa chất được phân chia gồm: Chang Pung, Lut Xia, Si Ka, Bắc Bun, Mia Lé, Si Phai, Tốc Tót, Lũng Nậm, Bắc Sơn, Đồng Đăng, Hồng Ngài, Sông Hiến và Lân Pảng. CVĐC được các nhà khoa học đánh giá cao về giá trị khoa học địa chất mà hiếm nơi nào trên thế giới có được, với nhiều biểu hiện di sản đã được hình thành trong suốt lịch sử tiến hóa địa chất của khu vực này. Đây là khu vực có mức độ đa dạng về tuổi địa chất vào loại cao nhất nước ta; có đá trầm tích phổ biến nhất với đại diện của tất cả các nhóm đá: Vụn cơ học, hóa học, sinh học và sinh hóa. Ngoài ra, trong vùng còn gặp các hệ thống uốn nếp, đứt gãy làm cho cấu trúc địa chất ở đây vốn đa dạng càng trở lên phức tạp. CVĐC có địa hình bị chia cắt mạnh với nhiều núi cao hiểm trở và nhiều thung lũng sâu, độ cao trung bình từ 1.000 -1.600m so với mặt nước biển, tạo ta nhiều cảnh quan hùng vĩ như: Hẻm vực Tu Sản, sa mạc đá, Núi đôi, dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, nhiều vách núi dựng đứngnhiều hang động đẹp.

Thung lũng Sà Phìn; Núi đôi Quản Bạ và dãy núi đá tai mèo trùng điệp tạo cho Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn được ví như một Hạ Long trên cạn.

 

 

Tại các trầm tích đá có tuổi khác nhau ở trên CVĐC, các nhà khoa học đã phát hiện rất nhiều hóa thạch thuộc các nhóm: Tay cuộn, San hô vách đáy, San hô 4 tia, đầu động vật dạng rêu, Huệ biển, Vá cứng, Giáp xác cổ, Thực vật thủy sinh, Tảo cổ và Chitinozoa. Các cổ sinh vật hóa thạch này mang những dạng kiến tạo địa chất, địa tầng điển hình, có giá trị khoa học cao, nhiều hóa thạch có tuổi đời lên đến hàng trăm triệu năm cho thấy CVĐC thực sự có bề dày phát triển của địa chất. CVĐC có 30 cụm và 139 điểm di sản địa chất, trong đó có 15 di sản địa chất cấp quốc tế, 68 cấp quốc gia và 56 cấp địa phương.

 

 
 

Trước đây, CVĐC được ví như nơi "sơn cùng thuỷ tận" với đường giao thông chia cắt, đời sống người dân khó khăn, các dịch vụ xã hội cơ bản chưa phát triển. Nhưng từ ngày góp mặt vào mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Unesco (từ tháng 10.2010), với sự quan tâm, đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực của nhân dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, KT - XH vùng CVĐC có bước phát triển vượt bậc.

hị trấn Tam Sơn, Quản Bạ ngày càng phát triển.
Thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ ngày càng phát triển.

UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chung và điều chỉnh quy hoạch các thị trấn trên vùng CVĐC; quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ. Giai đoạn 2013 - 2022, tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp, bảo trì gần 300km các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; hoàn chỉnh cơ bản các tuyến đường giao thông thuộc xã Nông thôn mới, đường liên huyện, liên xã; hoàn thành hơn 40 dự án cấp điện thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; đầu tư, xây dựng 94 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; triển khai 25 đề tài, dự án cấp tỉnh liên quan đến CVĐC với tổng kinh phí trên 43 tỷ đồng. Hệ thống trường học, y tế từng bước được hoàn thiện, trang thiết bị đầy đủ, đảm bảo công tác dạy học, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các làng nghề truyền thống được đầu tư, khôi phục. Toàn vùng có 150 HTX áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương; 72 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 56 sản phẩm 3 sao, 16 sản phẩm 4 sao. Nhiều mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững phát huy hiệu quả, diện mạo Nông thôn mới khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường trên Công viên địa chất.
Sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường trên Công viên địa chất.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Sèn Thăng Long nhấn mạnh: "Trong 10 năm qua, Quản Bạ có sự thay đổi ngoạn mục trên tất cả các lĩnh vực, KT - XH chuyển biến mạnh mẽ, quy mô ngành dịch vụ tăng gấp khoảng 5 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, thu nhập tăng cao, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả với cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn".

Các mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập cho người dân 4 huyện vùng cao nguyên đá.
Các mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập cho người dân 4 huyện vùng Cao nguyên đá.

Năm 2021, tổng giá trị sản phẩm theo giá hiện hành của vùng CVĐC tăng gấp hơn 3,5 lần so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2010 - 2021 đạt 6,43%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người tăng cao, trong đó huyện Quản Bạ đạt 25 triệu đồng/người/năm, Yên Minh đạt 18,64 triệu đồng/năm, Đồng Văn đạt 16,48 triệu đồng/năm, Mèo Vạc đạt 23 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại 4 huyện CVĐC đều giảm trên 6%/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Văn Chinh

 

 

 

Nguyễn Văn Khuy, xã Du Già (Yên Minh) là một trong những người làm DL thành công trên CVĐC với mô hình homestay. Bắt đầu kinh doanh DL từ năm 2017, đến nay, anh đã phát triển 2 cơ sở lưu trú, mỗi ngày có thể đón khoảng 100 du khách, doanh thu đạt gần 200 triệu đồng/năm. Đây là một trong số rất nhiều hộ dân tiêu biểu trên vùng CVĐC biết biến tài nguyên di sản thành cơ hội để phát triển kinh tế.

Các du khách tham quan du lịch tại xã Du Già (Yên Minh)
Các du khách tham quan du lịch tại xã Du Già (Yên Minh)

Khai thác giá trị di sản và văn hóa đặc trưng của đồng bào người Mông để phát triển DL, thu hút đầu tư, khu nghỉ dưỡng H'mong Village xã Đông Hà (Quản Bạ) khẳng định sự phát triển đúng hướng khi thu hút rất đông du khách ghé thăm. Chủ tịch Hội đồng quản trị H'mông Village Lại Quốc Tĩnh chia sẻ: "Giá trị cốt lõi của H'mông Village là phát triển DL xanh gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc. Dù thiết kế hiện đại, dịch vụ chuyên nghiệp, nhưng du khách đều cảm nhận được những nét văn hóa đặc trưng của người Mông từ những nếp nhà trình tường, hàng rào đá, cổng vào, mái ngói âm dương, ngôi nhà quẩy tấu, đến những món ăn đậm đà bản sắc".

Khu nghỉ dưỡng Hmong Village xã Đông Hà (Quản Bạ)
Khu nghỉ dưỡng H'mong Village xã Đông Hà (Quản Bạ)

Khai thác lợi thế về tài nguyên DL phong phú, đa dạng và hấp dẫn, 4 huyện trên vùng CVĐC đều xác định phát triển DL thành ngành kinh tế "mũi nhọn", từ đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, sản phẩm DL độc đáo, đáp ứng nhu cầu du khách. Toàn vùng hiện có 5.160 cơ sở thương mại, 971 khách sạn, nhà hàng, homestay và 605 cơ sở dịch vụ khác. Các địa phương chủ động xây dựng những tuyến đường DL trải nghiệm; cải tạo, khai thác hệ thống hang động; tăng cường  quảng bá hình ảnh CVĐC gắn với phát triển sản phẩm DL thể thao như: Đạp xe, motor địa hình, Giải Marathon quốc tế “Chạy trên cung đường Hạnh Phúc”, Chèo thuyền kayak và đi thuyền trên sông Nho Quế, thám hiểm hẻm vực Tu Sản, trải nghiệm Mê cung đá. Phát huy hiệu quả hoạt động của 35 làng văn hóa DL cộng đồng. Tiêu biểu như: Tại Làng văn hóa DL cộng đồng thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) có 28 hộ phát triển DL, làng văn hoá DL cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) có 28 hộ làm DL, làng văn hoá DL cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) có trên 30 hộ làm DL. Tất cả họ đều có thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Khách du lịch

 

Các cấp, ngành phối hợp mở các lớp đào tạo, tập huấn cho gần 5 nghìn người về: Hướng dẫn viên DL, đầu bếp, phục vụ lễ tân, dịch vụ nhà hàng, thêu dệt thổ cẩm, đan lát thủ công, chế tác nhạc cụ dân tộc, rèn và chạm bạc, quản lý DL  sinh thái và phát triển DL cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án thuộc lĩnh vực DL, trong đó có một số dự án tiêu biểu trên vùng CVĐC như: Khu phức hợp làng văn hóa DL cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống OASIS Mã Pì Lèng A; Khu DL sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú; Phục dựng bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc H’Mông.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Văn Chinh nhấn mạnh: "Việc được nắm giữ danh hiệu CVĐC mở ra cơ hội phát triển DL mạnh mẽ cho huyện Đồng Văn, lượng khách và doanh thu từ DL, dịch vụ tăng cao theo từng năm, DL tạo nhiều sinh kế, việc làm cho lao động địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập". 

Với hơn 70% lượt khách DL đến tỉnh đi lên vùng CVĐC, doanh thu từ DL đóng góp đáng kể vào tổng giá trị sản phẩm của 4 huyện vùng cao. DL thực sự trở thành "chìa khoá" giảm nghèo và phát triển bền vững của vùng CVĐC.

 

 

 

Để bảo tồn và phát triển CVĐC, ngày 30.7.2013, BCH Đảng bộ tỉnh khoá XV ban hành Nghị quyết số 14 về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2013 - 2020. Sau gần 10 năm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Tỉnh tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của mạng lưới CVĐC, xuất sắc vượt qua 2 kỳ tái đánh giá thành viên mạng lưới vào năm 2014 và 2018; ký kết biên bản ghi nhớ với 3 CVĐC trên thế giới để phối hợp, trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật xây dựng CVĐC; tổ chức thành công các hoạt động do UNESCO và Mạng lưới CVĐC phát độngHội thảo khoa học đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển bền vững CVĐC.

 

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển CVĐC vào nội dung văn kiện các kỳ đại hội, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng về bảo tồn di sản  bằng nhiều hình thức. Hệ thống di sản được đầu tư, tôn tạo, những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng CVĐC được phục dựng, gìn giữ, kế thừa và phát huy. Công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh về CVĐC được triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả, đưa hình ảnh Hà Giang vươn tầm quốc tế. Các làng nghề truyền thống được khôi phục; gắn phát triển DL với bảo tồn giá trị di sản, không đánh đổi di sản, môi trường vì lợi ích kinh tế.

Học sinh Trường THCS Du Già, Yên Minh tham gia cuộc thi vẽ tranh về Công viên địa chất.
 

Để đáp ứng yêu cầu bảo tồn di sản trong tình hình mới, BTV Tỉnh uỷ vừa ban hành Nghị quyết số 19 về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 với mục tiêu: Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC gắn với phát triển KT - XH, đặc biệt là kinh tế du lịch, tạo sinh kế cho người dân vươn lên giảm nghèo bền vững. Giữ vững danh hiệu CVĐC. Đến năm 2025, phát triển CVĐC thành một khu du lịch với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý

CVĐC là "báu vật" của Hà Giang, với cách làm linh hoạt và sáng tạo trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tỉnh, "báu vật" ấy đang tạo ra cơ hội phát triển bền vững.

Người dân và du khách tham quan bảo tàng văn hoá huyện Đồng Văn.
Người dân và du khách tham quan Bảo tàng văn hoá huyện Đồng Văn.

 

 

BÀI, ẢNH, VIDEO: BIỆN LUÂN

THIẾT KẾ: LÊ LÂM

 

Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp