Vị Xuyên đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP

08:05, 26/08/2022

BHG - Thời gian qua, huyện Vị Xuyên triển khai nhiều giải pháp trong xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao.

Thanh niên Lý Đức Dân giới thiệu sản phẩm OCOP chè Chốt 468.
					Ảnh: KHÁNH HUYỀN
Thanh niên Lý Đức Dân giới thiệu sản phẩm OCOP chè Chốt 468. Ảnh: KHÁNH HUYỀN

Từ khi huyện triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Hợp tác xã (HTX) khởi nghiệp Hữu Nghị (thị trấn Vị Xuyên) được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đến nay, HTX khởi nghiệp Hữu Nghị đã có 2 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 4 sao; 4 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao, trong đó có những sản phẩm tiêu biểu rất được ưa chuộng trên thị trường như: Hồng trà cổ đại, Phổ nhĩ trà, Dầu ăn Thảo quả… Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, đơn vị luôn sử dụng nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, cùng với đó nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn.

Ông Trần Quý Bình, đại diện HTX khởi nghiệp Hữu Nghị cho biết: HTX hoạt động năm 2020, với 8 thành viên. Các sản phẩm đều là nông sản từ chè và Thảo quả, được sản xuất sạch, an toàn theo đúng quy trình. Năm 2020, HTX đăng ký 10 mã sản phẩm dự thi Chương trình OCOP cấp tỉnh và hiện nay có 6 sản phẩm đạt chất lượng OCOP.

HTX Thanh niên sản xuất và thương mại nông nghiệp Việt Lâm (thôn Chung, xã Việt Lâm) của đoàn viên Hà Ngọc Châm với 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao (Sản phẩm Phong vân trà hộp thiếc 100g, Trà lam hoa Nhài gói 100g), sản lượng 3 tấn/ tháng đã mang lại hiệu quả kinh tế cũng như góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng Nông thôn mới của huyện và tỉnh.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh đã mang lại những bước tiến đáng kể cả về quy mô và giá trị sản xuất hàng hóa. Toàn huyện có 25 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 23 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 4 sao. Dự kiến trong năm 2022, huyện sẽ đăng ký thêm 14 sản phẩm, nâng hạng sao 3 sản phẩm. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của huyện đã và đang có những bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì đảm bảo các điều kiện về nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được khách hàng đánh giá cao, lựa chọn tin dùng.

Để tạo động lực và cơ hội cho sản phẩm OCOP phát triển, Ban Chỉ đạo OCOP huyện đã tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng. Đặc biệt các sản phẩm tham gia chương trình OCOP được truy xuất nguồn gốc thông qua quét mã QR ứng dụng trên điện thoại di động, đảm bảo công khai thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng hiểu rõ về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP để OCOP trở thành một thương hiệu, hình ảnh và niềm tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Việc công nhận sản phẩm OCOP góp phần thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cho đến xây dựng nhãn mác hàng hóa, thương hiệu sản phẩm của chính quyền, người nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để đạt được sản phẩm OCOP các sản phẩm tham dự phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đạt sản phẩm OCOP như: An toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tạo công ăn việc làm cho địa phương, bảo vệ môi trường, bao bì, nhãn mã, tiềm năng xuất khẩu, khả năng thương mại hóa, nguồn nguyên liệu lấy tại địa phương,...

Thời gian tới, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP, giới thiệu sản phẩm OCOP bằng các tin bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều hình thức khác nhằm thay đổi nhận thức của người dân về nâng cao chất lượng các sản phẩm. Tiếp tục thực hiện tư vấn phát triển sản phẩm đối với các chủ thể đăng kí tham gia Chương trình OCOP năm 2022. Kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để đưa sản phẩm của địa phương đến với những khách hàng tiềm năng, giúp tăng giá trị sản phẩm.

 KHÁNH HUYỀN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với kinh tế số

BHG - Phát triển sản phẩm OCOP gắn với kinh tế số là xu hướng tất yếu, bền vững của nền nông nghiệp hiện đại, hướng đến mục tiêu nâng tầm chất lượng, giá trị cho nông sản địa phương và khai thác tối đa lợi thế cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Quá trình ấy đang được huyện Vị Xuyên cụ thể hóa bằng những bước đi vững chắc, tạo đà cho chuyển đổi số nông nghiệp trong tương lai.

31/12/2021
Huyện Đồng Văn có 15 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên
BHG - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện Đồng Văn tiếp tục phát huy các thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo điều kiện cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá cấp tỉnh. Đến nay, qua rà soát phát triển mới, huyện Đồng Văn đã có 15 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên.
28/06/2022
OCOP - cơ hội “vàng” cho nông sản
BHG - Với đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng, Hà Giang có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, chương trình OCOP được tỉnh ta xác định là hướng đi mới giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, nâng cao năng suất và giá trị cây trồng, vật nuôi, tạo “sức bật” để nông sản địa phương vươn tới các thị trường lớn ở trong và ngoài nước
28/02/2022
Mận máu - đặc sản Hoàng Su Phì

BHG - Mận máu là một trong những loại quả nổi tiếng và là đặc sản của huyện biên giới Hoàng Su Phì, thường được trồng ở các xã phía Bắc, những nơi có độ cao trên 1500m. Với khí hậu quanh năm mát mẻ, cây mận máu sinh trưởng dựa vào tự nhiên, gần như không có sự can thiệp của con người, cho ra những quả mận tươi ngon nhất vào dịp tháng 6, tháng 7 hàng năm. Nhờ vị ngọt đậm, thơm mát, mận máu đã trở thành cây trồng chủ lực ở Hoàng Su Phì, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

 

26/06/2021