Hà Giang

Mèo Vạc giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP

08:41, 13/01/2022

BHG - Đến nay, huyện Mèo Vạc có 14 sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP. Nhiều sản phẩm đã có mặt tại các thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng ưa chuộng. Để có được điều này, huyện đặc biệt quan tâm đến việc phát triển, nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu các sản phẩm OCOP.

Nhiều sản phẩm OCOP huyện Mèo Vạc được giới thiệu tại Không gian trưng bày các sản phẩm đặc trưng của tỉnh năm 2021.
Nhiều sản phẩm OCOP huyện Mèo Vạc được giới thiệu tại Không gian trưng bày các sản phẩm đặc trưng của tỉnh năm 2021.

Năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông lâm nghiệp và du lịch thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà có 2 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh, gồm sản phẩm gạo Khẩu mang túi 5 kg và túi 10 kg. Đây là loại gạo có chất lượng thơm ngon, dễ bán, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và luôn có giá cao so với các loại gạo khác. Với việc xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đã phát huy lợi thế về tiềm năng đất đai, chất lượng lúa đặc sản của địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đặc biệt là tạo ra sản phẩm nông sản đặc trưng phục vụ nhu cầu du khách khi đến với Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tát Ngà. Nhằm phát triển, giữ vững thương hiệu gạo Khẩu mang, huyện Mèo Vạc đang triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu lúa đặc sản trên cơ sở phát huy lợi thế, khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai theo hướng ổn định và bền vững; phát triển kinh tế hợp tác, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng liên kết giữa nông dân và HTX, doanh nghiệp…

Tương tự sản phẩm gạo Khẩu mang, việc nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP thịt lợn đen Lũng Pù được huyện đặc biệt chú trọng. Năm 2020, được sự quan tâm của huyện, HTX Tuấn Dũng (tổ 2, thị trấn Mèo Vạc) có sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh. Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù có chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao. Đây cũng là giống lợn có nguồn gen quý hiếm đang được huyện bảo tồn và phát triển. Để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, HTX đã thực hiện đồng bộ các quy trình từ khâu sản xuất đến chế biến sản phẩm, trong đó đặc biệt chú trọng đến khâu lựa chọn con giống, đảm bảo vệ sinh môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh hai sản phẩm OCOP trên, mật ong Bạc hà cũng là sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Mèo Vạc. Đến nay, toàn huyện có 4 sản phẩm mật ong Bạc hà được công nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh của 2 chủ thể là HTX Tuấn Dũng và HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng. Đây là sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu và có số lượng lớn người tiêu dùng sử dụng. Hiện sản phẩm mật ong Bạc hà mang Chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc được bày bán tại hệ thống siêu thị VinMart và nằm trong 39 sản phẩm của Việt Nam được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ. Để bảo tồn, phát triển và đảm bảo chất lượng sản phẩm, thời gian qua, huyện tích cực triển khai nhiều giải pháp như: Bảo vệ và phát triển diện tích cây Bạc hà; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các sản phẩm mật ong Bạc hà trên địa bàn; tổ chức, hướng dẫn các HTX kinh doanh, sản xuất mật ong Bạc hà đủ điều kiện được sử dụng bao bì, nhãn mác theo mẫu chung của Sở Công thương…

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Thời gian qua, các sản phẩm OCOP của huyện phát triển cả về quy mô và số lượng. Nhằm giữ vững thương hiệu các sản phẩm OCOP, huyện luôn lấy tiêu chí chất lượng làm yếu tố tiên quyết trong toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm. Đây cũng là hướng phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp của huyện, qua đó góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra các sản phẩm đặc trưng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Cùng chuyên mục

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với kinh tế số

BHG - Phát triển sản phẩm OCOP gắn với kinh tế số là xu hướng tất yếu, bền vững của nền nông nghiệp hiện đại, hướng đến mục tiêu nâng tầm chất lượng, giá trị cho nông sản địa phương và khai thác tối đa lợi thế cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Quá trình ấy đang được huyện Vị Xuyên cụ thể hóa bằng những bước đi vững chắc, tạo đà cho chuyển đổi số nông nghiệp trong tương lai.

31/12/2021
"Chắp cánh" cho nông sản vươn xa

BHG - Sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, từ nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, chương trình mở ra hướng đi mới trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở nông thôn; chắp thêm đôi cánh để nông sản đặc trưng của Hà Giang có điều kiện khẳng định thương hiệu...

31/12/2020
HTX Hải Khang giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP

BHG - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những năm gần đây, huyện Bắc Quang đã hình thành và phát triển các sản phẩm đặc trưng, từng bước chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng khó tính trong nước và khu vực. HTX Hải Khang, thị trấn Việt Quang là một trong những điển hình, đi đầu lĩnh vực phân phối các loại nông sản sạch theo mô hình khép kín, an toàn vệ sinh thực phẩm.

27/04/2021
Mèo Vạc nâng tầm sản phẩm OCOP

BHG - Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, Mèo Vạc tạo môi trường thuận lợi giúp các tổ chức kinh tế mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, uy tín và tính cạnh tranh sản phẩm chủ lực, từng bước nâng tầm sản phẩm OCOP.

 

26/12/2020