Phát triển sản phẩm OCOP gắn với kinh tế số

11:38, 31/12/2021

BHG - Phát triển sản phẩm OCOP gắn với kinh tế số là xu hướng tất yếu, bền vững của nền nông nghiệp hiện đại, hướng đến mục tiêu nâng tầm chất lượng, giá trị cho nông sản địa phương và khai thác tối đa lợi thế cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Quá trình ấy đang được huyện Vị Xuyên cụ thể hóa bằng những bước đi vững chắc, tạo đà cho chuyển đổi số nông nghiệp trong tương lai.

Sản phẩm OCOP của huyện Vị Xuyên được nhiều khách du lịch lựa chọn.
Sản phẩm OCOP của huyện Vị Xuyên được nhiều khách du lịch lựa chọn.

Ra đời và đi vào hoạt động từ năm 2019, HTX Dược liệu Sơn Ý, xã Đạo Đức chủ yếu sản xuất các sản phẩm sạch, có nguồn gốc từ thiên nhiên. Để nâng cao chất lượng và đảm bảo các yêu cầu sản xuất, HTX đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm OCOP. Giám đốc HTX Nguyễn Thị Hồng Liễu chia sẻ: “Năm 2021, HTX đăng ký 3 mã sản phẩm dự thi Chương trình OCOP cấp tỉnh gồm: Bột rau má đường phèn, trà rau má, trà diếp cá túi lọc. Các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, được sản xuất sạch, an toàn theo đúng quy trình. Việc dự thi Chương trình OCOP năm nay là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển vượt bậc của HTX cả về chất lượng, mẫu mã, bao bì và thương hiệu sản phẩm”.

Ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa HTX Thuận Hòa (Vị Xuyên) và các đơn vị sản xuất.
Ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa HTX Thuận Hòa (Vị Xuyên) và các đơn vị sản xuất.

Năm 2020, sản phẩm chè Chốt 468 của HTX trồng và chế biến chè Thanh Thủy đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh, là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic Agriculture. Sản phẩm có chất lượng, thương hiệu, được thị trường ưa chuộng giúp HTX nâng cao thu nhập. Năm 2021, HTX tiếp tục đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm và dự thi nâng sao OCOP cấp tỉnh. 

Có thể khẳng định, sau 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh đã mang lại những bước tiến đáng kể cả về quy mô và giá trị sản xuất hàng hóa. Toàn huyện có 19 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có 17 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm thuộc các nhóm: Chè, thực phẩm tươi sống, thủ công mỹ nghệ, gia vị, thực phẩm chế biến. Sau khi đạt sao OCOP, các sản phẩm đều gia tăng cả về giá trị, thương hiệu và khả năng tiêu thụ; nhiều sản phẩm dễ dàng được người tiêu dùng lựa chọn. Điển hình như sản phẩm chổi chít của HTX Chổi chít Việt Thành (thị trấn Việt Lâm) mỗi năm sản xuất trên 1,5 triệu sản phẩm, doanh thu trên 35 tỷ đồng. 

Tận dụng lợi thế của công nghệ số, huyện đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX và người dân giới thiệu, quảng bá và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Sendo, Postmart, Lazada và các wedsize, mạng xã hội. Tiêu biểu có HTX Thanh niên sản xuất và thương mại nông nghiệp Việt Lâm, HTX trồng và chế biến chè Thanh Thủy, HTX chè Shan tuyết Cao Bồ… Qua đó, nhiều sản phẩm OCOP của huyện đã đến được tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Vị Xuyên là địa phương được thiên nhiên ưu đãi về đất đai rộng lớn, khí hậu thuận lợi để phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa, tuy nhiên các sản phẩm được chứng nhận OCOP hiện tại còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa vươn nhiều ra được thị trường ngoài tỉnh; hạn chế về số lượng, chủng loại; các chủ thể tham gia Chương trình OCOP phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, HTX, hộ sản xuất kinh doanh còn khó khăn về nguồn vốn, thiếu kỹ năng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm, chưa chú trọng đến hình thức, mẫu mã, bao bì; việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng hạn chế.

Để khắc phục khó khăn, tạo động lực và cơ hội cho sản phẩm OCOP phát triển, BCH Đảng bộ huyện Vị Xuyên khóa XXIV đã ban hành Nghị quyết chuyên đề thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu đến năm 2025 huyện có 50 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; 100% đơn vị cấp xã củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức OCOP; hỗ trợ, nâng cấp, thành lập mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia OCOP; hỗ trợ từ 3 - 5 chủ thể sản phẩm OCOP làm mới các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm. Đưa nghị quyết vào cuộc sống, huyện tập trung các giải pháp trọng tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao vai trò, vị thế sản phẩm OCOP trong phát triển nông nghiệp hàng hóa; hoàn thiện bộ máy, chu trình và đề xuất các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy Chương trình OCOP; triển khai chu trình OCOP thường niên; xúc tiến, quảng bá thương mại, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử; tập huấn nâng cao trình độ năng lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho chủ thể và cán bộ phụ trách; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn triển khai hiệu quả đề án.

Năm đầu tiên thực hiện nghị quyết, huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình OCOP huyện, ban hành Quy chế hoạt động; đánh giá, phân hạng và đề nghị Hội đồng OCOP cấp tỉnh công nhận 13 sản phẩm của 8 chủ thể đạt sao năm 2021, trong đó 12 sản phẩm mới và 1 sản phẩm nâng sao. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Mạnh Tuyên chia sẻ: “Xác định phát triển sản phẩm OCOP là hướng đi đúng đắn để phát triển nông nghiệp bền vững, những năm qua, huyện luôn quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đầu tư phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời tạo điều kiện để quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP; trong đó tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân đưa sản phẩm lên các sàn thương mại diện tử, websize, mạng xã hội; chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng các điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của địa phương ở trong và ngoài huyện, tiêu biểu là tạo điều kiện để HTX Thuận Hòa khai trương điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang gắn với khu du lịch tại Km11, Quốc lộ 4C”. 

Hướng đến mục tiêu hỗ trợ phát triển đa dạng loại hình sản phẩm có thế mạnh của địa phương; tâp trung nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường, các sản phẩm OCOP góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị, tạo luồng gió mới cho nông nghiệp phát triển bền vững.

Bài, ảnh:  BIỆN LUÂN


Cùng chuyên mục

"Chắp cánh" cho nông sản vươn xa

BHG - Sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, từ nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, chương trình mở ra hướng đi mới trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở nông thôn; chắp thêm đôi cánh để nông sản đặc trưng của Hà Giang có điều kiện khẳng định thương hiệu...

31/12/2020
HTX Hải Khang giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP

BHG - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những năm gần đây, huyện Bắc Quang đã hình thành và phát triển các sản phẩm đặc trưng, từng bước chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng khó tính trong nước và khu vực. HTX Hải Khang, thị trấn Việt Quang là một trong những điển hình, đi đầu lĩnh vực phân phối các loại nông sản sạch theo mô hình khép kín, an toàn vệ sinh thực phẩm.

27/04/2021
Mèo Vạc nâng tầm sản phẩm OCOP

BHG - Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, Mèo Vạc tạo môi trường thuận lợi giúp các tổ chức kinh tế mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, uy tín và tính cạnh tranh sản phẩm chủ lực, từng bước nâng tầm sản phẩm OCOP.

 

26/12/2020
Mận máu - đặc sản Hoàng Su Phì

BHG - Mận máu là một trong những loại quả nổi tiếng và là đặc sản của huyện biên giới Hoàng Su Phì, thường được trồng ở các xã phía Bắc, những nơi có độ cao trên 1500m. Với khí hậu quanh năm mát mẻ, cây mận máu sinh trưởng dựa vào tự nhiên, gần như không có sự can thiệp của con người, cho ra những quả mận tươi ngon nhất vào dịp tháng 6, tháng 7 hàng năm. Nhờ vị ngọt đậm, thơm mát, mận máu đã trở thành cây trồng chủ lực ở Hoàng Su Phì, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

 

26/06/2021