HTX Cộng đồng Nặm Đăm phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

10:43, 06/05/2021

BHG - Được biết đến là nơi bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý của huyện Quản Bạ, HTX Cộng đồng Nặm Đăm đã nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm OCOP từ nguồn cây dược liệu sẵn có của địa phương. Đồng thời, tạo sự liên kết với người dân cùng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Để tạo sự đa dạng các sản phẩm, HTX đã phát triển dịch vụ tắm lá thuốc phục vụ du khách, góp phần vào phát triển du lịch tại địa phương.

 Các thành viên HTX đóng hộp sản phẩm trà gừng.
Các thành viên HTX đóng hộp sản phẩm trà gừng.

HTX Cộng đồng Nặm Đăm nằm ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, nơi có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển các sản phẩm dược liệu, trong đó có những sản phẩm OCOP được khách hàng xa gần ưa chuộng. Giám đốc HTX, Lý Tà Dèn chia sẻ: “HTX được thành lập từ năm 2014, nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các chuyên gia đầu ngành về y dược, HTX đã xây dựng được hệ thống nhà xưởng sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm với khu sơ chế, chế biến dược liệu rộng hơn 4.000 m2, có nồi chiết suất bằng hơi công suất 1,5 tấn nguyên liệu/ngày; vườn ươm giống nhà kính rộng 1.200 m2, khu tắm lá thuốc… Đồng bào từ chỗ không có việc làm, quanh năm chỉ biết làm nương, rẫy, cuộc sống khó khăn thì nay cuộc sống của các hộ trong thôn đã tốt hơn xưa nhờ vào việc làm thuê và bán dược liệu cho HTX. Các sản phẩm của HTX được bán tại rất nhiều điểm dừng chân trên Cao nguyên đá Đồng Văn, các địa điểm du lịch để giới thiệu sản phẩm đặc trưng đến với du khách xa gần”.

Đến nay, HTX đã sản xuất được 20 sản phẩm, như: Cao Atiso, cao củ Dòm, cao mạnh gân hoạt cốt, cao ích não, trà gừng, dầu xoa bóp, cao Hà thủ ô, nước tắm thảo dược, tinh dầu… Trong đó, có 3 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh gồm: Cao Atiso, trà gừng, hoa Kim ngân. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, mỗi năm HTX trồng gần 10 ha cây dược liệu các loại như: Atiso, Kim ngân, Đương quy, Huyền sâm, củ Dòm… Bên cạnh đó là mua dược liệu thu hái tự nhiên trong dân. Các sản phẩm của HTX đã được người tiêu dùng tin tưởng, tạo dựng được thương hiệu sản phẩm, sản xuất, kinh doanh ổn định. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh thu của HTX vẫn đạt trên 1,4 tỷ đồng. Hiện nay, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương.

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm dược liệu, HTX đã xây dựng 1 khu nhà tắm 14 phòng, anh Dèn chia sẻ thêm: Trước đây chúng tôi đã xây dựng 1 khu nhà tắm lá thuốc dân tộc Dao để quảng bá và cho du khác trải nghiệm tắm lá thuốc có tác dụng chữa các bệnh về xương khớp, nhất là đối với những du khách đi treckking một ngày dài mệt mỏi sẽ được thư giãn, phục hồi sức khỏe. Đồng thời, tạo ra một sản phẩm du lịch mới tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm, các du khách nghỉ tại các homestay trong làng đến trải nghiệm bản sắc văn hóa địa phương. Sau một thời gian triển khai có hiệu quả song song với việc phát triển các sản phẩm dược liệu, HTX đã đầu tư xây dựng lại khu nhà tắm mới hơn 1 tỷ đồng ở địa điểm đẹp hơn, trên đỉnh đồi của trụ sở HTX, trong phòng tắm có view nhìn xuống thung lũng; nội thất, bồn tắm của mỗi phòng đều bằng gỗ, tạo cho khách hàng cảm nhận gần gũi với thiên nhiên. Với mức giá rất phải chăng là 120 nghìn đồng/người. Tại khu nhà tắm còn có phòng trưng bày sản phẩm, khi du khách tới sẽ được nhân viên mời uống trà là những sản phẩm của HTX. Sự kết hợp giữa sản xuất sản phẩm dược liệu và du lịch đã tạo ra một điểm nhấn mới cho HTX, giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. 

Anh Dèn chia sẻ, năm 2021 chúng tôi đặt ra mục tiêu kinh doanh là đạt doanh thu 2 tỷ đồng, do dự đoán Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng tới việc kinh doanh. Mặc dù HTX đã có các đại lý và kênh bán hàng online, tuy nhiên doanh thu của chúng tôi vẫn dựa nhiều vào khách du lịch. HTX mong rằng trong thời gian tới tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, mở các hội chợ thương mại, triển lãm để giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng khắp mọi miền.

Bài, ảnh: LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Chắp cánh" cho nông sản vươn xa

BHG - Sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, từ nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, chương trình mở ra hướng đi mới trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở nông thôn; chắp thêm đôi cánh để nông sản đặc trưng của Hà Giang có điều kiện khẳng định thương hiệu...

31/12/2020
HTX Hải Khang giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP

BHG - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những năm gần đây, huyện Bắc Quang đã hình thành và phát triển các sản phẩm đặc trưng, từng bước chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng khó tính trong nước và khu vực. HTX Hải Khang, thị trấn Việt Quang là một trong những điển hình, đi đầu lĩnh vực phân phối các loại nông sản sạch theo mô hình khép kín, an toàn vệ sinh thực phẩm.

27/04/2021
Mèo Vạc nâng tầm sản phẩm OCOP

BHG - Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, Mèo Vạc tạo môi trường thuận lợi giúp các tổ chức kinh tế mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, uy tín và tính cạnh tranh sản phẩm chủ lực, từng bước nâng tầm sản phẩm OCOP.

 

26/12/2020
Toàn tỉnh có 49 sản phẩm OCOP đạt hạng 3-4 sao

BHG - Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định 1487, phê duyệt kết quả phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hà Giang năm 2020 (lần 1).

25/08/2020