Hà Giang

Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Thịt lợn đen thành phố Hà Giang"

10:00, 24/11/2020

BHG - Thành phố Hà Giang đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Thịt lợn đen thành phố Hà Giang” để tạo cơ hội cho người dân địa phương phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu ra các thị trường rộng hơn, đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người dân và du khách gần xa. 

Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Thịt lợn đen thành phố Hà Giang”của HTX Yến Nhi.                                                        Ảnh: LÊ  HẢI
Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Thịt lợn đen thành phố Hà Giang”của HTX Yến Nhi. Ảnh: LÊ HẢI

Đến thăm Hợp tác xã (HTX) Yến Nhi, tổ 15, phường Minh Khai, là cơ sở đầu tiên bán sản phẩm đã có bảo hộ NHCN “Thịt lợn đen thành phố Hà Giang”, được chị Tô Thị Thu Thủy, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Từ lúc có thêm sản phẩm thịt lợn đen, là thịt lợn tươi được đóng gói hút chân không, cơ sở của chúng tôi đã có thêm nhiều khách hàng ở ngoài tỉnh đặt mua, do thịt lợn có nhãn hiệu, có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo quản được lâu nên khách hàng rất ưa chuộng. Thời gian đầu HTX bán được từ 180 – 200 kg thịt lợn đen/tháng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn dùng thịt lợn đen làm nguyên liệu cho các sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao là thịt treo gác bếp, lạp sườn, sườn lợn treo cũng được khách hàng xa gần yêu thích”.

Để có được sản phẩm thịt lợn đen đạt tiêu chuẩn, HTX Yến Nhi đã tham gia thử nghiệm mô hình liên kết với hộ chăn nuôi là Công ty TNHH AH Hà Giang và cơ sở giết mổ Nguyễn Thị Kim Tuyến, tổ 1, phường Minh Khai. Đây là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo sản phẩm sạch từ khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến và bày bán. Hiện nay, chất lượng nông sản không chỉ do khách hàng truyền miệng, cảm nhận, mà sản phẩm phải được bảo đảm bằng nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ... mới có khả năng tiếp cận người tiêu dùng. Đây cũng là định hướng phát triển sản phẩm sạch, an toàn và bền vững mà thành phố đang hướng đến. 

Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Hà Giang, Vũ Bình Yên, cho biết: “Xây dựng NHCN “Thịt lợn đen thành phố Hà Giang” là đề án cấp tỉnh, được Sở KH&CN hướng dẫn thực hiện, mục tiêu là đưa sản phẩm “Thịt lợn đen thành phố Hà Giang” trở thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, được bảo hộ nhãn hiệu và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Từ đó, xây dựng được một nhãn hiệu đặc sản của thành phố phục vụ cho thương mại và du lịch. Sản phẩm đã được Cục Sở Hữu trí tuệ cấp NHCN và do UBND thành phố Hà Giang làm chủ sở hữu. Theo đó, 8 xã, phường trên địa bàn thành phố sẽ được phép sử dụng nhãn hiệu “Thịt lợn đen thành phố Hà Giang” nếu sản xuất được sản phẩm thịt lợn đen đạt các tiêu chuẩn quy định”.

Trong quá trình xây dựng NHCN, các ban, ngành, xã, phường và các hộ chăn nuôi lợn, các lò mổ, quầy bán thịt và cửa hàng thực phẩm sạch đã tham gia đánh giá chất lượng cảm quan của thịt lợn đen. Các chuyên gia đã tổ chức lấy 18 mẫu thịt lợn đen trên địa bàn 3 xã, phường của thành phố Hà Giang gửi đi phân tích. Trên cơ sở kết quả đánh giá chất lượng cảm quan, phân tích các chỉ tiêu lý hóa, an toàn thực phẩm, các ngành chức năng đã tổ chức hội thảo thống nhất và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thịt lợn đen mang NHCN. Bên cạnh đó, dự án cũng nghiên cứu quy trình kỹ thuật chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản và đóng gói thịt lợn đen hiện hành. Đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu “Thịt lợn đen thành phố Hà Giang”; xây dựng hệ thống truy suất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó làm cơ sở để thành phố quy hoạch phát triển chăn nuôi, khoanh vùng chăn nuôi lợn đen; xây dựng quy chế quản lý và sử dụng NHCN “Thịt lợn đen thành phố Hà Giang”.

Từ việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc thù đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm “Thịt lợn đen thành phố Hà Giang” bước đầu đã khẳng định được danh tiếng trên thị trường bằng chất lượng. Đây cũng là đặc sản có tiềm năng, được thành phố dự định mở rộng sản xuất trong tương lai cùng với việc quy hoạch và quản lý chặt chẽ, nhằm duy trì chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu và quyền sử dụng NHCN.

Bài, ảnh: Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tâm huyết với hạt gạo nếp Quảng Nguyên

BHG - Xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp dưới chân đèo Gió, năm 2017, chàng thanh niên người Tày Nguyễn Trọng Quế, thôn Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên (Xín Mần) đã mạnh dạn đầu tư và thành lập HTX Thanh Tâm với mục đích liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm gạo nếp Quảng Nguyên và từng bước đưa đặc sản của địa phương ra thị trường trong nước.

 

30/06/2020
Quang Bình xây dựng sản phẩm chè Shan tuyết đạt chuẩn OCOP

BHG - Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đến nay, huyện Quang Bình có 4 sản phẩm đạt hạng 3, 4 sao. Trong đó, 2 sản phẩm đạt 4 sao là chè Shan tuyết chất lượng cao của Hợp tác xã (HTX) Minh Quang, xã Xuân Minh; 2 sản phẩm đạt 3 sao là chè Shan tuyết Quang Sơn của hộ kinh doanh Lý Chàn Tòng, xã Tiên Nguyên... 

28/02/2020
Toàn tỉnh có 49 sản phẩm OCOP đạt hạng 3-4 sao

BHG - Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định 1487, phê duyệt kết quả phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hà Giang năm 2020 (lần 1).

25/08/2020
Đảng viên Vàng Seo Khương tiên phong trồng Mướp đắng rừng ở Nàn Ma

BHG - Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đảng viên Vàng Seo Khương, thôn  Nàn Lũng, xã Nàn Ma (Xín Mần) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ ngô sang trồng Mướp đắng rừng, một sản phẩm OCOP của huyện mang lại thu nhập cao, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, được nhiều người dân làm theo.

 

23/07/2020