Quản Bạ nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP

16:58, 29/08/2019

BHG - Chất lượng đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phân phối rộng rãi..., là những tiêu chí mà huyện Quản Bạ đã và đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhằm khẳng định thương hiệu và trở thành thói quen tiêu dùng trong đời sống hàng ngày của người dân. Thời gian qua,  huyện Quản Bạ đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu sản phẩm địa phương trên thị trường trong, ngoài tỉnh và vươn ra thị trường thế giới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến tham quan Trung tâm Trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện Quản Bạ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến tham quan Trung tâm Trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện Quản Bạ.

Hiện, trên địa bàn huyện có 85 sản phẩm đặc trưng theo Đề án mỗi xã một sản phẩm; trong đó, có 55 sản phẩm đã có tem, nhãn mác được truy xuất nguồn gốc và 30 sản phẩm ý tưởng.

Trong năm 2019, huyện lựa chọn được 16 sản phẩm để tập trung triển khai thực hiện và đề nghị các cấp hỗ trợ phát triển để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như hoàn thiện các nội dung về tem, nhãn, mác, truy xuất nguồn gốc..., với 16 sản phẩm, gồm: Mật ong hoa Xuyến chi; mật ong rừng; mật ong Bạc hà; Hồng không hạt; rượu ngô Thanh Vân; rượu Pú Y; chè Shan tuyết; cao Astiso; cao ống bẻ Astiso; cao mạnh gân; cồn xoa bóp; dầu tía tô trắng; trà gừng Cao nguyên đá; trà Giảo cổ lam; dệt lanh...

Để nâng cao chất lượng cũng như tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm đặc trưng theo Đề án OCOP, huyện đã và đang chỉ đạo các cơ quan truyền thông; các ban, ngành, đoàn thể; các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép vào các buổi tuyên truyền xây dựng Nông thôn mới, họp thôn, sinh hoạt chi bộ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mẫu mã, bao bì sản phẩm; rà soát các nhóm sản phẩm mới, tập trung củng cố nâng cao chất lượng, sản lượng các sản phẩm đã có; đặc biệt huyện đẩy mạnh việc tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh khi có thông báo từ cấp tỉnh. Tháng 6 vừa qua, huyện đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thị trấn Tam Sơn với quy mô trưng bày đầy đủ 85 sản phẩm đặc trưng của địa phương; đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu và mua sản phẩm. Tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP của huyện được nhiều người biết đến, dễ tìm kiếm và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm...

Anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX Cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ cho biết: HTX đang thực hiện áp dụng việc quản lý chất lượng sản phẩm dược liệu Trà gừng Cao nguyên đá theo tiểu chuẩn ISO. Cùng với đó, tập trung mở rộng thị trường bằng việc hình thành các kênh phân phối thương mại qua việc ký kết với nhà phân phối sản phẩm lớn như BigC; đồng thời phát triển qua các kênh bán hàng online và xây dựng website bán hàng… Hiện, HTX đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp máy móc, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như sản lượng.

Để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng; HTX Dệt lanh xã Cán Tỷ và HTX dệt lanh Hợp Tiến, xã Lùng Tám thường xuyên tổ chức đi tham quan các mẫu sản phẩm thêu, dệt, may thổ cẩm từ vải lanh; từng bước hiện đại hóa các họa tiết nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa dân tộc và nâng cấp máy móc ngày một hiện đại hơn. Phối hợp với các nghệ nhân chuyên thêu, may các họa tiết trên trang phục các dân tộc ở nước ngoài như Pháp, Mỹ sang hướng dẫn xã viên về cách phối màu, họa tiết hiện đại; không chỉ may mặc trang phục dân tộc mà đa dạng hóa các sản phẩm từ thổ cẩm dệt lanh như: Chăn, ga, gối, đệm, túi sách, khăn... Ngoài ra, xã đang tập trung thiết kế logo cho sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh để giữ vững thương hiệu và ngày càng đưa sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh địa phương vươn xa hơn nữa...

Với những giải pháp đồng bộ, các sản phẩm OCOP chủ lực của Quản Bạ sẽ ngày càng được nâng cao chất lượng và khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm địa phương chất lượng cao, mà còn giúp người lao động tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và  làm giàu bền vững…

Bài, ảnh: VƯƠNG MAI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết địnhban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là One Commune One Product - OCOP, gọi tắt là Chương trình OCOP), gọi chung là Bộ Tiêu chí OCOP.

26/08/2019
Cán bộ khuyến nông tâm huyết với giống cây đặc sản địa phương

BHG - Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì gần 11 km, xã Chiến Phố có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng các loại cây ăn quả, như: Lê đường, Mận máu, Hồng không hạt... Hiện, tổng diện tích cây Lê đường và Mận máu ở Chiến Phố có trên 65 ha; trong đó, trên 11 ha đang cho sản phẩm, với giá bán dao động từ 25 đến 40.000 đồng/kg. Những loài cây ăn quả nói trên đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân. 

25/06/2019
"Chắp cánh" cho sản phẩm mật ong Thảo quả

BHG - Hợp tác công – tư giữa Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) với hộ kinh doanh Tô Thị Vân Anh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) được ký kết vào cuối năm 2017 nhằm thực hiện Tiểu dự án "Phát triển nuôi ong lấy mật, xây dựng và quản lý nhãn hiệu mật ong Thảo quả". Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình CPRP, đến nay cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong Thảo quả Vân Anh đã và đang phát triển về quy mô cũng như chất lượng, sản phẩm mật ong Thảo quả được thị trường ưa chuộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. 

24/04/2019
Cây mận Máu giúp người dân Hoàng Su Phì thoát nghèo

BHG - Huyện Hoàng Su Phì có trên 200 ha mận Máu; trong đó, hơn 70 ha cho thu hoạch, sản lượng hàng năm đạt trên 600 tấn quả, giá bán bình quân đạt trên 20.000 đồng/kg… Cây mận Máu đang mang lại nguồn thu đáng kể, giúp người dân từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Quả mận Máu Hoàng Su Phì thường chín vào đầu tháng 6, kéo dài đến trung tuần tháng 7. Năm nay thời tiết thuận lợi, mận Máu của huyện tiếp tục cho mùa vụ bội thu. Thực tế cho thấy...

20/06/2019