Hương chè Túng Sán bay xa!

14:52, 04/08/2019

BHG - Huyện Hoàng Su Phì có trên 4.500 ha chè, trong đó trên 3.000 ha cho thu hoạch và phần lớn là chè cổ thụ. Được thiên nhiêu ưu đãi với thời tiết quanh năm mây phủ, sương mù, khí hậu mát mẻ, rất thích hợp cho cây chè phát triển. Những rừng chè Shan tuyết cổ thụ phát triển tự nhiên, không dùng phân bón, hóa chất hay các loại thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, sản phẩm chè Shan tuyết Hoàng Su Phì đã chiếm được tình cảm của khách thập phương bởi hương vị đậm đà, riêng biệt, hiếm có…

Người dân thôn Hợp Nhất, xã Túng Sán thu hái chè Shan tuyết.
Người dân thôn Hợp Nhất, xã Túng Sán thu hái chè Shan tuyết.

Mảnh đất phía Tây Hoàng Su Phì có tiềm năng, thế mạnh với vùng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Những cây chè cổ thụ sống ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển luôn đâm chồi, nảy lộc, cho ra những búp chè xanh mướt, là nguồn thu nhập chính bà con các xã vùng chè. Đồng chí Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Hoàng Su Phì, cho biết: Phong tục, tập quán của người trồng chè Hoàng Su Phì rất đặc biệt, cây chè rất thưa và rất to, cao. Không bao giờ người dân bón phân hay phun bất kỳ loại thuốc nào, chỉ phát cỏ, vun gốc nên chất chè rất đặc biệt và đó là thế mạnh để chè Hoàng Su Phì cạnh tranh tốt trên thị trường.

Khi nhắc đến chè Shan tuyết Hoàng Su Phì, người tiêu dùng thường nghĩ đến sản phẩm của HTX chế biến chè Phìn Hồ, thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên chuyên sản xuất và chế biến đặc sản chè sạch Shan tuyết cổ thụ. Còn đối với sản phẩm chè của xã Túng Sán dù chất lượng, hương vị không hề thua kém Phìn Hồ, nhưng do trước kia, người trồng chè chưa thực sự đầu tư sâu; hàng trăm gốc chè cổ thụ có tuổi đời ngót trăm năm chỉ được thu hoạch sử dụng trong gia đình, trong phạm vi xã nên giá trị kinh tế chưa cao.

Xã Túng Sán nằm dưới chân núi Tây Côn Lĩnh trên dãy Hoàng Liên Sơn, có độ cao và khí hậu rất phù hợp với cây chè Shan tuyết. Vì thế, chất lượng chè ở đây được người dân đánh giá rất cao. Hiện, xã Túng Sán có gần 300 ha chè, diện tích đang cho thu hoạch trên 200 ha và phần lớn trong số đó là chè cổ thụ. Để tiềm năng, thế mạnh chè Túng Sán thực sự phát huy, từ năm 2016, huyện Hoàng Su Phì đã thành lập trên 80 nhóm cùng sở thích phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp dưới sự hỗ trợ của Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh. Thông qua hoạt động của các nhóm cùng sở thích, đã dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Năm 2017, mười hộ dân thôn Hợp Nhất, xã Túng Sán đã thành lập nhóm cùng sở thích trồng chè, cùng bàn bạc xây dựng phương án sản xuất chè quy mô lớn. Phương án này được Chương trình CPRP phê duyệt và giải ngân 110 triệu đồng, hỗ trợ nhóm đầu tư sản xuất. Đến nay, xã Túng Sán đã có hơn 60% số hộ dân tham gia thu hái chè, toàn xã đã có gần 40 máy vò, máy sao chè. Khái niệm chè hữu cơ cũng đã bắt đầu được phổ biến ở Túng Sán. Tâm sự với chúng tôi, anh Chu Văn Thành Trưởng nhóm sở thích thôn Hợp Nhất, cho biết: “Sau hơn một năm đi vào hoạt động, nhờ có sự bàn bạc, liên kết trong các khâu sản xuất, thu hái chè giữa các thành viên, được Tổ hỗ trợ Chương trình CPRP huyện hỗ trợ máy sơ chế và hướng dẫn kỹ thuật thu hái, bảo quản… nên thu nhập của người trồng chè được nâng lên. Trước đây, mỗi hộ trong nhóm chỉ thu được không quá 5 triệu đồng thì nay có những hộ thu trên 30 triệu đồng từ cây chè/năm”. Chè Shan tuyết Túng Sán đã dần tạo dựng được thương hiệu; giá chè búp tươi dao động từ 10 – 15 nghìn đồng/kg, chè khô từ 200 – 500 nghìn đồng/kg, cây chè đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân.

Chị Hoàng Thị Thủy, cán bộ phát triển chuỗi giá trị thị trường Chương trình CPRP huyện, cho biết: “Nhóm cùng sở thích được thành lập tự nguyện, tập hợp những hộ cùng chí hướng phát triển kinh tế với những loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh ở thôn, bản. Chương trình hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho các nhóm hoạt động nhằm đạt mục tiêu nâng cao năng lực, tính sáng tạo cho các thành viên, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, thông tin thị trường. Đồng thời, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong sản xuất, tiến tới hình thành vùng sản xuất tập trung hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân. Không chỉ sản xuất sạch, an toàn, người dân nơi đây còn phải tuyệt đối tuân thủ các quy định trong việc thu hái, bảo quản để sản phẩm chè đạt chất lượng tốt nhất. Búp chè phải hái đúng kỹ thuật thì mới không ảnh hưởng tới mẫu mã, độ đậm và độ chát của trà. Trong vòng 2 giờ sau khi thu hoạch, những búp chè tươi phải được chuyển tới nhà máy để chế biến. Với bí quyết chế biến chè truyền thống của người dân nơi đây cùng dây chuyền thiết bị hiện đại, sản phẩm chè chất lượng đã ra đời, góp phần nâng cao giá trị cây chè Shan tuyết Túng Sán”.

Nhờ biết thay đổi tư duy, mạnh dạn từ cách nghĩ đến cách làm trong sản xuất nông nghiệp; cùng với những chính sách dành cho cây chè, sản phẩm chè Shan tuyết của người Cờ Lao xã Túng Sán đã từng bước khẳng định thương hiệu, góp phần mang lại cuộc sống no ấm cho người dân.

Bài, ảnh: Phi Anh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cán bộ khuyến nông tâm huyết với giống cây đặc sản địa phương

BHG - Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì gần 11 km, xã Chiến Phố có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng các loại cây ăn quả, như: Lê đường, Mận máu, Hồng không hạt... Hiện, tổng diện tích cây Lê đường và Mận máu ở Chiến Phố có trên 65 ha; trong đó, trên 11 ha đang cho sản phẩm, với giá bán dao động từ 25 đến 40.000 đồng/kg. Những loài cây ăn quả nói trên đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân. 

25/06/2019
"Chắp cánh" cho sản phẩm mật ong Thảo quả

BHG - Hợp tác công – tư giữa Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) với hộ kinh doanh Tô Thị Vân Anh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) được ký kết vào cuối năm 2017 nhằm thực hiện Tiểu dự án "Phát triển nuôi ong lấy mật, xây dựng và quản lý nhãn hiệu mật ong Thảo quả". Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình CPRP, đến nay cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong Thảo quả Vân Anh đã và đang phát triển về quy mô cũng như chất lượng, sản phẩm mật ong Thảo quả được thị trường ưa chuộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. 

24/04/2019
Nỗ lực khôi phục danh trà Mạn Hảo

BHG - "Làm trai biết đánh tổ tôm. Uống trà Mạn Hảo, ngâm nôm Thúy Kiều". Lần theo câu ca dao này có thể thấy trà Mạn Hảo được xếp ngang hàng với danh tác truyện Kiều của Nguyễn Du, từ thế kỷ XIX, trà Mạn Hảo đã là thức uống ưa thích của các danh sỹ và nhà giàu. Nhiều lý do trà Mạn Hảo dần bị thất truyền ở nước ta và thậm chí bị hiểu lầm là một sản phẩm của Trung Quốc.

 

20/06/2019
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án OCOP

BHG - Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thành công Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình xây dựng Nông thôn mới.

 

20/06/2019