Người đưa thương hiệu sản phẩm từ cây nghệ Bắc Mê vươn xa

08:46, 05/07/2019

BHG - Cây nghệ, một sản phẩm đặc trưng của huyện Bắc Mê; với tổng diện tích 280 ha, sản lượng bình quân ước khoảng 3.362 tấn. Hiện, các sản phẩm chiết xuất từ cây nghệ Bắc Mê đã có mặt tại nhiều thị trường trong nước. Một trong những người tạo nên chỗ đứng cho cây nghệ Bắc Mê là anh Trần Quý Bình, Giám đốc Công ty TNHH Cát Thành; với việc đầu tư nhiều máy móc hiện đại để chiết xuất đã giúp cây nghệ ở Bắc Mê trở thành những sản phẩm có giá trị cao và tạo sinh kế cho người dân.

Anh Trần Quý Bình giới thiệu các bước sản xuất tinh bột nghệ.
Anh Trần Quý Bình giới thiệu các bước sản xuất tinh bột nghệ.

Là một trong hai cơ sở thu mua và tiêu thụ nghệ tại Bắc Mê, từ đầu năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Cát Thành đã mua hơn 80 tấn và liên kết với người dân xã Yên Cường trồng hơn 60 ha nghệ nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Hiện, các sản phẩm được chế biến từ củ nghệ của Công ty, gồm: Tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ đen, bột nghệ nguyên chất, viên nghệ vàng mật ong, viên nghệ đen mật ong, tinh dầu nghệ, cao nghệ curcumin, bánh khảo nghệ. Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư nhiều máy móc hiện đại, như: Máy sản xuất curcumin; mấy sấy ở nhiệt độ âm...

Để có sản phẩm và tạo uy tín trên thị trường, anh Trần Quý Bình, cho biết: “Một sản phẩm nghệ ra đời phải trải qua nhiều công đoạn; đầu tiên, nguyên liệu phải được chọn loại nghệ tốt, nghệ nếp; sau đó đưa về sơ chế, đặc biệt là phải rửa thật sạch để bụi bẩn, đất cát không còn bám trên nghệ; sau đó, cho vào say và thực hiện việc lắng lọc. Khi đã có sản phẩm thô là tinh bột nghệ, bước tiếp theo chia nguyên liệu và sử dụng máy móc để cho ra các sản phẩm hoàn chỉnh; đây được xem là bước quan trọng trong việc điều chế các sản phẩm nghệ. Việc áp dụng máy móc hiện đại như máy sản xuất curcumin, máy sấy lạnh ở nhiệt độ âm... sẽ giúp các sản phẩm không bị biến tính, đảm bảo chất lượng...”.

Trong những ngày thu hoạch vụ nghệ năm 2019, chúng tôi có dịp đến thăm xưởng sản xuất của Công ty tại tổ 1 thị trấn Yên Phú. Dưới sự hướng dẫn của anh Bình, chúng tôi được trải nghiệm và khám phá các công đoạn của một sản phẩm nghệ hoàn chỉnh. Với số công nhân thường xuyên trên 10 người, mỗi công đoạn chỉ cần 2 người... ngoài giới thiệu về quy trình làm nghệ, anh Bình còn “bật mí” về những sản phẩm khác công ty đang nghiên cứu và chuẩn bị cho ra thị trường. Không gian xưởng sản xuất khá rộng và sạch sẽ; mọi thứ đều được sắp xếp quy củ với từng phòng đặc thù. Trong xưởng luôn phẳng phất mùi nghệ cay cay và mùi hương của các sản phẩm từ cây Hồi.

 Anh Bình cho biết thêm: “Bắc Mê được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng, giúp tạo nên những cây trồng đặc trưng và có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, như: Cây Hồi và các loại cây có hạt...”. Ngoài cây nghệ, anh Bình còn nghiên cứu và khôi phục nhiều sản phẩm đặc trưng khác, như: Tinh dầu Hồi Bắc Mê; rượu Phú Nam; bột ngũ cốc dinh dưỡng; bánh khảo nghệ; mắc khén...

Với niềm đam mê và có nghề gia truyền trong việc điều chế thuốc, anh Bình đã xây dựng thành công thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của Bắc Mê. Hiện, số lượng mặt hàng của Công ty TNHH Cát Thành đã lên đến hơn 25 sản phẩm và đều được thị trường đón nhận.

Bài, ảnh:  HOÀNG YẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cán bộ khuyến nông tâm huyết với giống cây đặc sản địa phương

BHG - Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì gần 11 km, xã Chiến Phố có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng các loại cây ăn quả, như: Lê đường, Mận máu, Hồng không hạt... Hiện, tổng diện tích cây Lê đường và Mận máu ở Chiến Phố có trên 65 ha; trong đó, trên 11 ha đang cho sản phẩm, với giá bán dao động từ 25 đến 40.000 đồng/kg. Những loài cây ăn quả nói trên đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân. 

25/06/2019
"Chắp cánh" cho sản phẩm mật ong Thảo quả

BHG - Hợp tác công – tư giữa Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) với hộ kinh doanh Tô Thị Vân Anh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) được ký kết vào cuối năm 2017 nhằm thực hiện Tiểu dự án "Phát triển nuôi ong lấy mật, xây dựng và quản lý nhãn hiệu mật ong Thảo quả". Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình CPRP, đến nay cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong Thảo quả Vân Anh đã và đang phát triển về quy mô cũng như chất lượng, sản phẩm mật ong Thảo quả được thị trường ưa chuộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. 

24/04/2019
Người giữ nghề dệt truyền thống tại xã Du Già

BHG - Từ sạp hàng bán các sản phẩm dệt thủ công đầy màu sắc tại chợ phiên xã Du Già (Yên Minh), chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Liên, thôn Làng Khác A để tìm hiểu về nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày nơi đây. Chúng tôi đến nhà, đúng lúc chị Liên đang dệt vải; những sợi tơ nhiều màu được đôi bàn tay khéo léo đan dệt thành những hoa văn rất tinh tế. Ngừng tay dệt, chị Liên kể về cơ duyên đến với nghề; ban đầu...

22/03/2019
Nỗ lực khôi phục danh trà Mạn Hảo

BHG - "Làm trai biết đánh tổ tôm. Uống trà Mạn Hảo, ngâm nôm Thúy Kiều". Lần theo câu ca dao này có thể thấy trà Mạn Hảo được xếp ngang hàng với danh tác truyện Kiều của Nguyễn Du, từ thế kỷ XIX, trà Mạn Hảo đã là thức uống ưa thích của các danh sỹ và nhà giàu. Nhiều lý do trà Mạn Hảo dần bị thất truyền ở nước ta và thậm chí bị hiểu lầm là một sản phẩm của Trung Quốc.

 

20/06/2019