Bắc Quang tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng

11:05, 14/05/2019

BHG - Mỗi năm, huyện Bắc Quang cung cấp ra thị trường trên 2.000 tấn gạo đặc sản, trên 6.000 tấn lạc và dầu lạc, tinh dầu cam cùng với hàng trăm tấn chè thành phẩm... Lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững của các sản phẩm nông sản đặc trưng vùng, miền đang được Bắc Quang tập trung đầu tư.

Trồng Thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân xã Đồng Yên.
Trồng Thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân xã Đồng Yên.

Chủ tịch UBND xã Tân Lập, Hoàng Văn Hùng cho biết, địa phương hiện có trên 290 ha chè được tổ chức Nông lương Thế giới công nhận đạt chuẩn chè Shan tuyết hữu cơ. Từ khi được công nhận chứng chỉ, các sản phẩm chè của HTX Kim Chỉnh (Cổng trời 1) và Công ty TNHH Trà Hoàng Long (Tân Lập) chế biến ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó; giá bán các sản phẩm chè hữu cơ cũng tăng gần gấp đôi sản phẩm cùng chủng loại. Đại diện HTX chè Cổng trời 1 cho biết: UBND huyện Bắc Quang, xã Tân Lập có nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mua sắm thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ chế biến, tạo ra các sản phẩm chè chất lượng cao. Bên cạnh đó, HTX còn được ưu đãi vay vốn lãi suất thấp để thu mua chè nguyên liệu cho bà con. Có máy mới, có công nghệ chế biến hiệu quả, chất lượng cao nên sản phẩm chè của HTX luôn được thị trường đón nhận. Chè đặc sản Cổng trời 1 làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, đồng vốn đầu tư được quay vòng liên tục.

Nhận thấy lợi ích của cây chè cổ thụ mang lại, UBND xã Tân Thành đà xúc tiến đăng ký Chỉ dẫn địa lý sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ trên đỉnh núi thôn Phìn Hồ 1, 2 và 3. Sau gần một năm xây dựng thương hiệu, Tân Thành có 100 ha chè Shan tuyết cổ thụ hữu cơ tại các thôn Phìn Hồ 1, 2 và 3 được công nhận chè hữu cơ trong quý I vừa qua. Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành, Nguyễn Viết Thắng cho biết: Cơ sở thu mua và chế biến chè Vĩnh Sính được UBND xã giao trách nhiệm gìn giữ, phát triển thương hiệu chè hữu cơ Phìn Hồ thành sản phẩm đặc trưng cấp tỉnh. Kèm theo đó, Tân Thành còn phát triển nghề nuôi cá lồng đặc sản trên mặt nước vùng lòng hồ Thuỷ điện Sông Lô 4. Hiện tại, có 10 bè cá, khoảng 140 lồng nuôi, sản lượng ước khoảng 100 tấn/năm. Hiện nay, địa phương đã đăng ký phát triển bền vững 3 sản phẩm đặc trưng đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Sau gần 2 năm đầu tư xây dựng, sản phẩm dầu lạc hữu cơ của HTX chế biến Dầu lạc Đồng Yên đã đi vào sản xuất ổn định. Mỗi năm, HTX chế biến và cung cấp ra thị trường hàng nghìn lít dầu ép nguyên chất từ hạt lạc nhân trồng tại xã Đồng Yên, Vĩnh Phúc. UBND huyện Bắc Quang đã hỗ trợ 150 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP của huyện để HTX đầu tư công nghệ ép dầu, hỗ trợ quảng bá sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Hồng Tuyên cho biết: UBND huyện đã xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP để hỗ trợ đầu tư sản xuất cho 26 sản phẩm đặc sản tại các địa phương. Theo đó, cả 23 xã, thị trấn phải xây dựng ít nhất 1 sản phẩm tiêu biểu/xã. Năm 2019, Bắc Quang đăng ký với tỉnh xây dựng 26 sản phẩm tiêu biểu theo tiêu chuẩn OCOP.

Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Về với vùng hồi Bắc Mê

BHG - Thôn Nà Nôm, xã Đường Âm – nơi khởi điểm hình thành vùng trồng cây Hồi tại Bắc Mê những ngày này luôn ngập tràn hương thơm ngào ngạt. Với đặc điểm nằm trong vùng khí hậu ôn đới, những năm qua cây Hồi đã bước đầu đem lại giá trị kinh tế, từng bước giúp người dân nơi đây thoát nghèo. Ông Phùng Văn Hỏn, người đầu tiên đưa cây Hồi về trồng thử nghiệm tại thôn Nà Nôm cho biết: "Cách đây 10 năm, khi đi làm tại tỉnh Cao Bằng, thấy người dân nơi đây trồng rất nhiều Hồi, giá thành sản phẩm cao, tôi đã mua cây giống về để trồng thử; không ngờ cây Hồi rất hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. 

30/11/2018
Sủng Máng phát huy nghề may trang phục truyền thống

BHG - Trong rất nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp trên Cao nguyên đá, nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Dao, Mông ở xã Sủng Máng (Mèo Vạc) đang được nhiều hộ dân gìn giữ, phát huy và đem lại nguồn thu nhập ổn định. Sủng Máng hiện có 529 hộ, 2.864 khẩu; trong đó, trên 55% hộ nghèo và đa phần bà con nơi đây sinh sống phụ thuộc vào chăn nuôi, trồng trọt. Trong khi điều kiện thời tiết và địa hình rất khắc nghiệt, đất canh tác ít, nước sinh hoạt luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng… Chính vì vậy, một số thôn của xã đẩy mạnh phát triển nghề may trang phục truyền thống nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. 

28/11/2018
"Chắp cánh" cho sản phẩm mật ong Thảo quả

BHG - Hợp tác công – tư giữa Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) với hộ kinh doanh Tô Thị Vân Anh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) được ký kết vào cuối năm 2017 nhằm thực hiện Tiểu dự án "Phát triển nuôi ong lấy mật, xây dựng và quản lý nhãn hiệu mật ong Thảo quả". Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình CPRP, đến nay cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong Thảo quả Vân Anh đã và đang phát triển về quy mô cũng như chất lượng, sản phẩm mật ong Thảo quả được thị trường ưa chuộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. 

24/04/2019
Phong Vân trà hội tụ tinh hoa trời đất

BHG - Chè Shan tuyết cổ thụ Bó Đướt, Đán Khao, xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) thơm ngon nổi tiếng của Hà Giang. Với độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, những vùng chè Shan tuyết cổ thụ là nơi hội tụ tinh hoa của trời đất, tạo nên hương vị chè thơm ngon, độc đáo. Tinh hoa ấy đang hội tụ trong sản phẩm Phong Vân trà do HTX Thanh niên sản xuất và thương mại nông nghiệp Việt Lâm sản xuất.

 

24/01/2019