MULTIMEDIA

Xuân 2020 - Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, với 19 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 90%. Mỗi dân tộc đều mang bản sắc văn hóa truyền thống riêng và độc đáo, tạo nên những nét văn hóa phong phú, đa dạng trong nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Đến với Hà Giang những ngày đầu Xuân, không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn, ngắm những vạt hoa tam giác mạch trải dài trên miền đá xám, mà mỗi du khách còn được tìm hiểu và khám phá những nét văn hóa, phong tục tập quán mang đậm đà bản sắc các dân tộc… 

[video(55060)]

Cùng với du lịch cả nước, du lịch Hà Giang những năm qua đã có sự khởi sắc và đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của khách nội địa và quốc tế. Năm 2019, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt 1.401 nghìn người, trong đó khách quốc tế 225.131 lượt, khách nội địa 1.177.235 lượt; doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng. Để có được những kết quả đó là do tỉnh ta vận dụng nhiều giải pháp hiệu quả trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm khai thác phục vụ du lịch từng bước có hiệu quả. Với phương châm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc, hàng năm ngành Văn hóa, Thể thao và du lịch phối hợp với các huyện tổ chức các Lễ hội truyền thống tại các địa phương. Đây là hoạt động bổ ích, đồng thời cũng là dịp bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh giao lưu, trao đổi vốn văn hóa truyền thống giữa các dân tộc. Thông qua đó, xác định được những vùng, địa phương có khả năng khai thác và phát triển du lịch, từ đó tham mưu cho tỉnh chỉ đạo và triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Với mục đích bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Pà Thẻn, hàng năm vào lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới, huyện Quang Bình lại tổ chức Lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Theo quan niệm của người Pà Thẻn, tổ chức Lễ nhảy lửa lúc này nhằm tạ ơn trời đất, thần linh đã cho một mùa vụ tươi tốt và cũng cầu chúc cho vụ mùa năm sẽ bội thu. Tuy màu sắc tâm linh huyền bí, nhưng lễ hội nhảy lửa truyền thống là một kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo chứa đậm những giá trị tinh thần đậm nét nhân văn, đó là nơi con người giao hòa hội tụ để sau những ngày lao động vất vả mệt nhọc họ tìm được niềm tin, tìm được tình yêu cuộc sống. Với giá trị văn hóa đặc sắc, năm 2013 Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. 

Nằm trong khuôn khổ của Lễ hội, diễn ra các hoạt động như thi đan lồng gà đón dâu, dệt thổ cẩm, gói bánh sừng trâu. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian như: Đánh yến, đẩy gậy, đánh cù và thưởng thức chương trình văn nghệ, trình diễn người đẹp, Lễ kéo chày của người Pà Thẻn. Qua đó, gắn kết cộng đồng và động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng bản làng văn minh, giàu đẹp.

Như chúng ta đã biết, dân tộc Bố Y là một trong số những dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở một số tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc. Tại Hà Giang, người Bố Y tập trung đông nhất ở thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, với khoảng 700 người. Tại đây người Bố Y vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, độc đáo của dân tộc mình như phong tục cưới hỏi, trang phục, làn điệu dân ca và các lễ hội. Để giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, năm 2015 nhà văn hoá cộng đồng dân tộc Bố Y được xây dựng theo mẫu kiến trúc truyền thống. Đây là nơi sinh hoạt chung của người dân và cũng là nơi diễn ra các buổi tập và trình diễn văn nghệ, nghề truyền thống; đồng thời cũng là không gian trưng bày những giá trị văn hóa của dân tộc Bố Y.

Vào khoảng tháng 8 âm lịch hàng năm, các gia đình người Bố Y lại rộn ràng chuẩn bị cho Tết lúa mới, với ý nghĩa tạ ơn tổ tiên, trời đất đã mang lại mùa màng tốt tươi, ấm no. Bắt đầu lễ hội là phần lễ trang trọng, với nghi thức dâng hương, dâng các lễ vật là các sản vật được thu hái từ nương rẫy lên tổ tiên. Sau đó là phần hội sôi động với các phần thi: Làm bánh, bắt cá, trò chơi dân gian, các gian hàng trưng bày sản vật địa phương cho du khách và người dân đến tham quan, vui chơi. Lễ hội Tết lúa mới nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Bố Y, làm phong phú thêm các hoạt động trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân các dân tộc, gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch trên vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú cũng như sự vào cuộc của các các cấp chính quyền địa phương cùng với sự phối hợp và ủng hộ của đông đảo người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đã giúp Hà Giang trở thành tỉnh có nét văn hóa đa sắc màu các dân tộc thiểu số và là tiền đề quan trọng giúp Hà Giang thu hút du khách trong nước và quốc tế trong các mùa du lịch.

Mùa Xuân mới đang đến, mang theo mùa lễ hội của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang, mỗi lễ hội đều mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc. Hòa mình vào không gian lễ hội mùa Xuân, mới cảm nhận trọn vẹn được niềm vui, niềm tự hào của người dân về nét đẹp bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Văn hóa các dân tộc hội tụ những nét Xuân
15:47, 21/01/2020

BHG- Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, với 19 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 90%. Mỗi dân tộc đều mang bản sắc văn hóa truyền thống riêng và độc đáo, tạo nên những nét văn hóa phong phú, đa dạng trong nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.