Hà Giang

Xã hội hóa làm đường giao thông ở Tả Phìn

10:06, 01/09/2021

BHG - Những mỏm đá tai mèo lởm chởm gây khó khăn cho người dân đi lại nay đã không còn, thay vào đó là những tuyến đường được bê tông hóa, rải đá bằng phẳng giúp đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện. Thành quả có được như hiện nay là có sự đồng lòng của nhân dân xã Tả Phìn (Đồng Văn) cùng góp công sức thực hiện những tuyến đường, đem lại nhiều hữu ích cho đời sống người dân.

Bê tông hóa tuyến đường từ điểm trường Khúa Lủng B đi khu dân cư Ly Chứ Lùng.
Bê tông hóa tuyến đường từ điểm trường Khúa Lủng B đi khu dân cư Ly Chứ Lùng.

Tả Phìn là xã còn nhiều khó khăn của huyện Đồng Văn, với địa hình chủ yếu là núi đá hiểm trở, là 1 trong những điểm cản trở sự phát triển KT – XH của địa phương. Nhận biết được điều đó, cấp ủy, chính quyền nơi đây đã tuyên truyền, vận động người dân về nâng cấp, cải tạo những tuyến đường mới liên thôn, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cuộc sống nhân dân. Các công trình được nhanh chóng triển khai vượt tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng theo đúng thiết kế, tiêu chuẩn. Tiêu biểu như tuyến đường từ điểm trường Khúa Lủng B đi khu dân cư Ly Chứ Lùng, được bê tông hóa dài 700 m, rộng 1,5 m, dày 25 cm. Người dân trong thôn cùng nhau đóng góp 120 ngày công, trong đó có gia đình anh Ly Dũng Say đóng góp máy nghiền đá, để tạo nguyên liệu nâng cấp tuyến đường, cùng với 18 tấn xi măng được Nhà nước hỗ trợ.

Tuyến đường từ Nhà văn hóa thôn Khó Già đi khu dân cư Há Lía đang được nâng cấp.
Tuyến đường từ Nhà văn hóa thôn Khó Già đi khu dân cư Há Lía đang được nâng cấp.

Cuộc sống đồng bào miền đá được thay đổi, niềm vui nhân lên gấp bội từ khi tuyến đường đưa vào sử dụng. Chị Phản Mẩy Viển thổ lộ: Ngày trước, đoạn đường qua thôn với những dốc đá tai mèo nhọn hoắt, rất khó đi; ngay cả những người đàn ông khỏe mạnh đi lại còn khó khăn, huống gì người già, trẻ nhỏ, phụ nữ như chúng tôi; trời nắng phải leo mất nhiều thời gian, rất mất sức, trời mưa thì trơn trượt. Nhận thấy những vất vả, gian truân, người dân trong thôn đã cùng nhau đoàn kết, thống nhất góp công sức để nâng cấp tuyến đường. Con đường bê tông hóa trải dài, bằng phẳng giúp đi lại dễ dàng, thuận lợi cho giao thương hàng hóa, trẻ em được đến điểm trường thuận lợi hơn rất nhiều.

Tuyến đường từ trụ sở thôn Khó Già đi khu dân cư Há Lía cũng được xã hội hóa, với chiều dài 2 km, rộng 3 m, có 43 hộ dân đóng góp 660 ngày công, cùng 200 triệu đồng để thuê phá đá, mở rộng mặt đường. Anh Hầu Chúa Xá tâm tình: Nhờ sự vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương về những lợi ích thiết thực, đồng bào trong thôn đã cùng nhau đóng góp sức người, xếp đá vuông vắn, tạo thành tuyến đường chắc chắn, giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận tiện; nhân dân đến nhà văn hóa thôn tham gia các buổi họp thôn, nghe tuyên truyền kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi được dễ dàng. Các du khách đến thôn để trải nghiệm các phong tục, tập quán, món ăn truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào, giúp người dân có thêm thu nhập.

Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, Giàng Mí Và cho biết: Xác định đầu tư, nâng cấp các tuyến đường liên thôn là hướng đi cấp thiết, mang lại nhiều hữu ích, tạo đà phát triển du lịch của địa phương. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân tại các thôn thực hiện xã hội hóa 7 tuyến đường liên thôn; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ vật liệu làm đường của nhà nước; làm tốt việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp góp sức nâng cấp các tuyến đường giao thông tại địa phương.

Nâng cấp mở rộng các tuyến đường dân sinh, giúp giao thông đi lại thuận tiện, hàng hóa được lưu thông, khách du lịch tìm đến tham quan ngày càng nhiều, giúp đời sống của đồng bào miền đá được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Tả Phìn đang trở thành 1 trong những địa phương đi đầu của huyện Đồng Văn về thực hiện xã hội hóa các tuyến đường dân sinh.

Bài, ảnh: ĐỨC NINH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đường no ấm về bản - Kỳ cuối: Phát huy những thành quả

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 100% các thôn biên giới có đường giao thông đạt chuẩn theo tiêu chí NTM. Đồng thời xác định nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn này là theo hướng phù hợp với địa hình đồi núi, bền vững, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương, ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của nhân dân, đảm bảo đến năm 2025 có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM, mỗi xã có ít nhất 1 thôn đạt chuẩn NTM.

28/08/2021
Đường no ấm về bản - Kỳ đầu: Triệu tấn xi măng ngàn tuyến đường mới

BHG - Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Ở khu vực nông thôn, giao thông không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn là bộ mặt nông thôn mới, mở ra cơ hội đổi thay cuộc sống cho bà con. Từ phương châm và mục tiêu đó, tỉnh ta đã và đang huy động mọi nguồn lực và sự vào cuộc của nhân dân ĐỂ bê tông hóa đường giao thông nông thôn, nối dài con đường no ấm về với bản làng.

27/08/2021
Huy động, phân bổ trên 190 tỷ đồng xây dựng Nông thôn mới

BHG - Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã huy động được trên 190 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM). Trong đó, UBND tỉnh đã phân bổ và ứng 155 tỷ đồng; các huyện lồng ghép được 37 tỷ đồng từ nguồn vốn của huyện và huy động đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp.

26/06/2021
Kiểm tra tiến độ xây dựng Nông thôn mới tại huyện Hoàng Su Phì

BHG - Ngày 20.7, đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) tỉnh đã đi kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng NTM tại các xã Nậm Dịch, Nam Sơn (Hoàng Su Phì). Cùng tham gia có đồng chí Vàng Đình Chiến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; Thường trực UBND huyện và các phòng, ban chuyên môn huyện Hoàng Su Phì.

20/07/2021