Cần nhân rộng những cách làm hay sau 2 năm triển khai XDNTM

17:28, 23/03/2012

HGĐT- Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn của tỉnh đã tươi sáng hơn. Nhưng cái được lớn nhất là sự chuyển biến trong nhận thức của người dân nông thôn, họ đã nhận rõ và chủ động bắt tay thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo.


Có dịp ghé qua những vùng nông thôn mới, chúng tôi đã cảm nhận được nhiều cách làm hay, nếu được nhân rộng thì chương trình XDNTM của tỉnh sẽ sớm đạt mục tiêu đề ra.

Nằm ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh, Hoàng Su Phì triển khai XDNTM với những khó khăn mang tính đặc thù về điều kiện địa hình, tập quán sinh hoạt và trình độ dân trí. Xác định rõ xuất phát điểm thực hiện XDNTM, huyện đã điều động 2 cán bộ chuyên trách theo dõi XDNTM; phân công các phòng, ban phụ trách, giúp đỡ các xã XDNTM; tập trung thực hiện các chỉ tiêu Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân tự thực hiện và có cơ chế hỗ trợ. Cụ thể, đối với mục tiêu làm đường liên gia, công trình vệ sinh hộ gia đình, được hỗ trợ xi măng và thống nhất chung một số mẫu nhà vệ sinh phù hợp từng dân tộc; làm đường liên thôn, rãnh và các công trình phụ trợ trên đường được hỗ trợ xi măng, tiền vận chuyển vật liệu.


Bám sát sự chỉ đạo chung của huyện, nhưng mỗi xã lại có cách triển khai riêng, phù hợp điều kiện thực tế như: Xã Thông Nguyên huy động những người có tay nghề xây dựng giúp các hộ xây nhà tắm, bể nước, nhà vệ sinh, đổi lại các hộ giúp khai thác, vận chuyển vật liệu. Các tổ chức đoàn thể của xã vận động hội viên tham gia phong trào toàn dân XDNTM, trồng cây làm hàng rào, nâng cấp nền nhà, làm đường bê tông, làm chuồng trại, công trình vệ sinh, quy hoạch chuồng trại và duy trì khôi phục làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian. Thị trấn Vinh Quang vận động hộ kinh doanh vận tải góp 1 xe cát đá sỏi/đầu xe tải, các doanh nghiệp cho mượn máy đào, máy đầm, máy trộn bê tông, cán bộ, giáo viên đóng góp 1 ngày lương và tổ chức các buổi “phát động cán bộ, công chức, đảng viên các cơ quan, các xã giúp dân làm đường” để động viên và khuyến khích nhân dân.


Việc quy hoạch nghĩa trang nhân dân ở miền núi vốn rất khó, bởi mỗi dân tộc có quan niệm khác nhau nhưng xã Vỹ Thượng (Quang Bình) lại sớm hoàn thành tiêu chí tưởng như rất khó này. Xã căn cứ vào dòng họ và số nhân khẩu hiện tại để chia đất, các hộ tự di dời mộ chôn rải rác về phần đất trong nghĩa trang nhân dân. Bên cạnh đó, xã quy định cụ thể, gắn trách nhiệm của người dân với công trình côngcộng, tùy vào đoạn đường và số nhânkhẩu để phân chia, hộ nào làm kém chất lượng, bị hỏng trước thì tự bỏ tiền sửa lại.


Trong quá trình XDNTM ở xã Phú Lũng (Yên Minh), các hộ gia đình đang tích cực thực hiện 5 việc như xây dựng nhà ở sạch, đẹp, văn minh, phù hợp tập quán của từng dân tộc, có đường bê tông vào nhà, có cổng, tường rào, khuôn viên xanh, công trình phụ đạt tiêu chuẩn, chuồng chăn nuôi gia súc xa nhà, có vườn rau xanh, cây an quả. Xã thực hiện 7 việc đó là: Đường nhựa đến trung tâm xã; trụ sở làm việc khang trang, sạch đẹp, đủ phòng làm việc cho cán bộ công chức, trang thiết bị văn phòng hiện đại; có đủ nhà lưu trú cán bộ, giáo viên, học sinh nội trú dân nuôi; nhà truyền thống, trường học, trạm y tế khang trang; 100% cán bộ công chức xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp và trung cấp lý luận chính trị trở lên; quy hoạch trung tâm xã tập trung từ 100 hộ trở lên, có chợ phiên. Các thôn thực hiện 9 việc: Có đường nhựa hoặc bê tông đến thôn; có cổng chào thôn; trụ sở thôn, nhà văn hóa khang trang, có tường rào, khuôn viên cây xanh, sân bóng chuyền, cầu lông; điểm trường khang trang, đủ lớp tiểu học, mầm non; trung tâm thôn có đường bê tông đi lại thuận tiện; không còn hộ dân sống rải rác; điện lưới đến trung tâm thôn và 100% số hộ được sử dụng điện, 100% số hộ chăn nuôi trâu bò nhốt.


Đối với thành phố Hà Giang, việc XDNTM cũng bám sát các tiêu chí và có quy định riêng về những việc của hộ gia đình, của thôn và xã. Mỗi gia đình thực hiện 9 việc như: Vệ sinh, sắp xếp, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, bếp, sân, vườn, ao gọn gàng, sạch sẽ; làm đường bê tông, làm cổng vào nhà, có tường rào, khuôn viên xanh, có vườn rau xanh, ao cá (đối với hộ có đủ nguồn nước); làm nhà tắm, làm công trình vệ sinh tự hoại, xây bể chứa nước ăn, chuồng trại ra xa nhà, không sinh con thứ 3, không tảo hôn, không tệ nạn xã hội; hiến đất làm đường giao thông nội thôn, đường giao thông nội đồng trên tinh thần “Việc làng - đất vàng cũng hiến” và “Hiến đất mất 1 được 2”, thực hiện “Dồn điền, đổi thửa” để dễ canh tác và nâng cao năng xuất. Bảy việc của thôn: Phân công đảng viên theo dõi thực hiện nghị quyết; tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động toàn dân nỗ lực chung tay, chung sức, chung lòng XDNTM; thành lập nhóm khảo sát, ban giám sát, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đôn đốc thực hiện; phân công cán bộ thôn phụ trách, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc từng xóm, từng công việc cụ thể; xây dựng cổng trào thôn, xây dựng trụ sở thôn, làm sân thể thao, khuôn viên cây xanh. Tám việc của xã gồm: Ra nghị quyết chuyên đề XDNTM; phân công cấp ủy viên chỉ đạo, theo dõi cơ sở; tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để phát động cuộc vận động kêu gọi ủng hộ XDNTM; khảo sát, đánh giá thực trạng, xây dựng đề án, tổ chức thực hiện đề án; kêu gọi sự hỗ trợ từ các nguồn; làm chủ đầu tư các công trình xây dựng nông thôn mới; kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện các dự án...


Những cách làm hay, cụ thể, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương đã góp phần quan trọng để tỉnh ta thực hiện thành công mục tiêu XDNTM. Với tâm thế của một tỉnh nghèo, bắt tay vào XDNTM tỉnh ta đã xác định: Việc nào dễ làm trước, khó làm sau, không cần tiền làm trước, cần tiền làm sau, cần ít tiền làm trước, cần nhiều tiền làm sau, đồng thời chỉ rõ tiêu chí người dân tự làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm nên đã mở ra đường hướng để thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ thành công của chương trình hỗ trợ 11 nghìn tấn xi măng năm 2011, năm nay tỉnh ta tiếp tục hỗ trợ các huyện 30 nghìn tấn xi măng để tập trung làm 216 km đường giao thông nông thôn, 154 cầu bản, 60 cống bản, 65 cống tròn, 7 km kênh mương, 1.700 công trình vệ sinh và khuôn viên hộ gia đình, bó láng 54.500 m2 nền nhà, di dời 663 chuồng trại gia súc xa nhà, xây 5.350 m2 bể chứa nước... Và như vậy, bộ mặt nông thôn của Hà Giang sẽ tiếp tục có nhiều đổi thay.


VĨNH PHÚC

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đổi thay trên những bản làng
Là một huyện vùng núi còn nhiều khó khăn với địa hình bị chia cắt mạnh, diện tích đất phục vụ sản xuất ít, tỷ lệ hộ nghèo trên 38%, nhưng những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các bản làng trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc, đổi thay. Một “bức tranh sáng” về cuộc sống mới của người dân Bắc Mê đang hiện hữu.
30/12/2011
Tháo gỡ vướng mắc trong rà soát, quy hoạch xã nông thôn mới
HGĐT- Ngày 29.11, UBND tỉnh tổ chức họp đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình rà soát, quy hoạch xã nông thôn mới (NTM).
30/11/2011
Bắc Mê tổng kết chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2011
HGĐT- Ngày 28.2, huyện Bắc Mê tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2011. Dự Hội nghị có các đồng chí trong ban lãnh đạo huyện, lãnh đạo 13 xã, thị trấn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn của 4 thôn điểm xây dựng NTM năm 2011 trên địa bàn huyện.
29/02/2012
Tập huấn công tác quy hoạch xã nông thôn mới
HGĐT- Sáng 27.2, tại trường Chính trị tỉnh, Ban Quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tổ chức khai mạc Tập huấn quy hoạch xã nông thôn mới cho các thành viên Tổ thẩm định quy hoạch xã nông thôn mới các huyện, thành phố trong tỉnh.
27/02/2012