Nhân rộng cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới

17:57, 12/08/2011

HGĐT- Khu vực nông thôn của tỉnh ta có hơn 80% dân số và hơn 90% lao động đang sinh sống, làm việc. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều chương trình, dự án nên đời sống người dân nông thôn có nhiều chuyển biến, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn có sự thay đổi rõ rệt.


Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực còn bộc lộ hạn chế đó là phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng KT-XH còn yếu kém, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún; các doanh nghiệp trong tỉnh chưa quan tâm, đầu tư vào địa bàn nông nghiệp, nông thôn; chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là những thôn, bản vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, tỉnh ta đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung sức thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Qua một thời gian thực hiện, ở nhiều địa phương đã có những cách làm hay từ công tác quy hoạch, đến hoạt động tuyên truyền và ban hành cơ chế, chính sách riêng để triển khai hiệu quả chương trình XDNTM.


Trên địa bàn huyện Yên Minh, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, công tác quy hoạch xã nông thôn mới luôn được coi trọng, UBND huyện đã trưng tập, điều động nhóm cán bộ từ các phòng, ban chuyên môn như Công thương, Nông nghiệp, TN-MT trực tiếp xuống cơ sở, phối hợp cùng UBND xã, Ban quản lý XDNTM cấp xã tổ chức họp, hướng dẫn các bước khảo sát, lập và phê duyệt quy hoạch; thống nhất các định hướng quy hoạch của xã như khu quy hoạch bố trí dân cư, các vùng quy hoạch sản xuất... Sau khi thống nhất và hướng dẫn về quy trình làm quy hoạch, các tổ cùng với UBND xã phân công thành viên xuống thôn, tổ chức họp và thông báo dự kiến quy hoạch, cùng thống nhất các điểm dự kiến quy hoạch chi tiết, lấy ý kiến tham gia của các thôn về quy hoạch, trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn lập quy hoạch, trình UBND huyện phê duyệt. Với cách làm đó, đến nay Yên Minh đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch 4 xã điểm XDNTM và đang tổ chức triển khai đến tất cả các xã trên địa bàn huyện.


Đối với thành phố Hà Giang, công tác tuyên tuyền những nội dung công việc chủ yếu trong XDNTM được đặc biệt coi trọng, thành phố đã phân rõ 9 việc của cáchộ gia đình làm, 7 việc của thôn làm và 8 việc của xãlàm. Trong đó, 9 việc của hộ gia đình phải tự thực hiện gồm: Vệ sinh, sắp xếp, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, bếp, sân, vườn, ao gọn gàng, sạch sẽ, làm đường bê tông, làm cổng vào nhà, có tường rào, khuôn viên xanh; có vườn rau xanh, có ao thả cá đối với hộ có đủ nguồn nước; làm nhà tắm, công trình vệ sinh tự hoại, xây bể chứa nước ăn, làm chuồng trại gia súc xa nhà, thu gom rác thải, có trách nhiệm vệ sinh đường thôn, xã; con em trong độ tuổi được đi học, không sinh con thứ 3, không tảo hôn; giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, không tổ chức đám ma kéo dài, không tổ chức đám cưới linh đình, không tệ nạn xã hội; hiến đất làm đường giao thông nội thôn, đường giao thông nội đồng trên tinh thần “Việc làng – đất vàng cũng hiến” và “Hiến đất mất 1 được 2”, thực hiện “Dồn điền, đổi thửa” để dễ canh tác và nâng cao năng suất; bàn và quyết định mức đóng góp, thực hiện đóng góp xây dựng các công trình công cộng của thôn, xã; đầu tư thâm canh, áp dụng KHKT, sử dụng giống mới; tham gia ý kiến vào đề án XDNTM và đồ án quy hoạch nông thôn mới của xã; tham gia vào Ban giám sát của thôn, thực hiện giám sát thi công các công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn, tham gia quản lý, vận hành, bảo vệ, bảo dưỡng các công trình sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng tại thôn, xã. 7 việc cấp thôn thực hiện gồm: Tổ chức họp chi bộ, ra Nghị quyết lãnh đạo XDNTM, phân công đảng viên chỉ đạo, theo dõi thực hiện nghị quyết; tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động toàn dân nỗ lực chung tay, chung sức, chung lòng XDNTM; thành lập nhóm khảo sát, Ban giám sát, thực hiện kiểm tra, theo dõi, giám sát, đôn đốc thực hiện; phân công cán bộ thôn phụ trách, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc từng xóm, từng công việc cụ thể; xây dựng cổng chào thôn, nhà văn hóa, làm sân thể thao, có khuôn viên cây xanh; xây dựng và duy trì các đội văn nghệ, đẩy mạnh các hoạt động thể thao; tiếp nhận, tổ chức quản lý, vận hành, bảo vệ, bảo dưỡng các công trình sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng tại thôn. Cấp xã thực hiện 8 việc đó là: Ra Nghị quyết chuyên đề XDNTM, xây dựng chương trình hành động thực hiện, phân công cấp ủy viên chỉ đạo, theo dõi cơ sở; thành lập BCĐ, BQL, tổ khảo sát xã, Ban giám sát xây dựng xã; tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức hội nghị quân dân chính Đảng hoặc HĐND để phát động, kêu gọi ủng hộ chương trình XDNTM; lập quy hoạch XDNTM của xã; khảo sát, đánh giá thực trạng, xây dựng đề án, tổ chức thực hiện đề án; kêu gọi sự hỗ trợ từ các nguồn, tiếp nhận, sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ; làm chủ đầu tư các công trình xây dựng nông thôn mới; kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện các dự án.

Để tổ chức thực hiện chương trình XDNTM, huyện Hoàng Su Phì đã điều động 2 cán bộ thuộc các phòng chuyên môn sang làm việc chuyên trách theo dõi chương trình XDNTM tại Văn phòng HĐND - UBND huyện; phân công các phòng, ban của huyện phụ trách giúp đỡ các xã XDNTM, phân công nhiệm vụ cho từng phòng chuyên môn theo dõi tổng hợp các tiêu chí XDNTM theo chuyên môn phụ trách. Huyện cũng tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các tiêu chí Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân tự thực hiện và có cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể từng nội dung. Đối với công trình làm đường liên gia, công trình vệ sinh hộ gia đình, huyện hỗ trợ Xi - măng và thống nhất chung một số mẫu nhà vệ sinh phù hợp tập quán của từng dân tộc, từng địa phương; hỗ trợ tiền vận chuyển vật liệu và Xi - măng làm đường, rãnh thoát nước và các công trình phụ trợ trên đường...


Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM được triển khai trên địa bàn tỉnh ta với mục tiêu: Từ nay đến năm 2015, hoàn thành 40 xã XDNTM, đến năm 2020 hoàn thành 80 xã, phấn đấu 50% các tuyến đường liên thôn, ngõ xóm được bê tông hóa, 100% số hộ có nhà kiên cố, bán kiên cố, không còn hộ dân sinh sống rải rác, 70% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia, 50% hệ thống kênh mương nội đồng được cứng hóa, 70% số trường học từ Mầm non đến THCS đạt chuẩn, các xóm, bản có nhà văn hóa cộng đồng... Với những cách làm mang tính linh hoạt, sáng tạo, cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế của mỗi địa phương, Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM trên địa bàn tỉnh ta sẽ hoàn thành đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.


TIẾN CHIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Triển khai nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới
HGĐT- Ngày 29.7, BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
29/07/2011
Bắc Quang sau gần 2 năm triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới
HGĐT- Thực hiện Nghị Quyết TƯ 7 (khoá X) về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Hà Giang đã chọ huyện Bắc Quang làm điểm xây dưng mô hình nông thôn mới (NTM). Từ mô hình thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc năm 2009, đến nay huyện đã nhân rộng mô hình ra 5 thôn, của 5 xã là: Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Vĩnh Hảo, Hùng An, Quang Minh. Qua 6 tháng đầu năm 2011, Bắc Quang tiếp tục
18/07/2011
Thành lập Chi bộ BQL chương trình nông thôn mới
HGĐT- Ngày 11.8, Đảng ủy Khối các cơ quan phối hợp với BQL Chương trình nông thôn mới (NTM) tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Chi bộ Đảng BQL Chương trình NTM trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh. Dự lễ công bố có các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan, đông đảo cán bộ, đảng viên BQL Chương trình NTM...
12/08/2011
Xây dựng nông thôn mới - huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
HGĐT- Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đến năm 2020 chỉ rõ lộ trình thực hiện: Năm 2012, có 100% các xã hoàn thành quy hoạch xã nông thôn mới (NTM); năm 2015 có 20% số xã (40 xã) đạt tiêu chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 - 1,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo các xã giảm từ 8-10%/năm và đến năm 2020, các xã đạt
11/07/2011