Hà Giang

Trăn trở phát triển cam Sành bền vững ở Bắc Quang

08:09, 18/04/2022

BHG - Định hướng quy hoạch phát triển cây cam Sành của Bắc Quang giai đoạn đến năm 2025 là 2.500 – 3.200 ha, sản lượng ước đạt trên 31.000 tấn. Trong đó, cây cam Sành chỉ phát triển tại 9 địa điểm thay vì được trồng tại 23 xã, thị trấn như hiện nay. Tuy nhiên, đánh giá giá trị thu hoạch cam Sành niên vụ vừa qua cho thấy: Giá bán cam Sành cuối vụ vừa mới đây dao động từ 35 – 37 nghìn đồng/kg cao nhất từ trước tới nay. Người trồng cam Sành ở Bắc Quang luôn trăn trở, mong muốn làm thế nào để giữ giá bán cam Sành ổn định để người nông dân yên tâm sản xuất.

Phát trắng đồi, rừng để trồng cam là cách làm thiếu bền vững.
Phát trắng đồi, rừng để trồng cam là cách làm thiếu bền vững.

Báo cáo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Bắc Quang cho thấy: Diện tích cam của huyện hiện có trên 4.456,5 ha cam; sản lượng ước đạt trên 42.163 tấn/năm; có 3.307 hộ nông dân trồng cam. Trong đó, diện tích cam Vàng chín được bán đầu vụ là 1.110,4 ha, sản lượng ước đạt trên 13.615 tấn, được trồng tại 17 xã, thị trấn trong huyện. Diện tích cây cam Sành hiện còn lại là 2.800 ha, sản lượng ước đạt 27.987,8 tấn, chỉ bằng 2/5 so với sản lượng năm 2018. Diện tích cam Sành hiện nay chiếm phần lớn ở Bắc Quang và đang được trồng tại 21/23 xã, thị trấn. Còn lại một diện tích rất nhỏ là cam V2, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 68,8 ha, sản lượng ước đạt khoảng 650,4 tấn và đã được trồng tại 8 xã.

Phân tích tại sao cam Sành cuối vụ vừa đây bà con trồng cam Bắc Quang lại bán được giá cao là do dịch Covid-19 làm cho nhu cầu tiêu dùng tăng để bồi bổ sức khoẻ; các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh vào cuộc quyết liệt quảng bá, chào bán hàng cho bà con trồng cam trên các trang mạng, hệ thống thông tin điện tử đã tạo ra hiệu ứng “kép” để cam sành Bắc Quang đến với mọi vùng, miền.

Người dân tiếp tục đưa cây cam trồng xuống ruộng.
Người dân tiếp tục đưa cây cam trồng xuống ruộng.

Khảo sát thị trường tiêu dùng cho thấy, chất lượng cam Sành Bắc Quang vừa đây làm hài lòng người tiêu dùng. Đa số những người được hỏi đều khẳng định, cam Sành Bắc Quang vừa thơm, vừa ngọt đặc trưng rất khác so với sản phẩm hiện có trên thị trường. Trên 93% diện tích trồng cam ở Bắc Quang đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sản phẩm an toàn; trong đó, có trên 90% diện tích cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGap.

Chủ tịch Hiệp hội cam Sành Bắc Quang, Phạm Quang Lân cho biết: Có tới trên 85 – 90% sản lượng cam Sành được tiêu thụ thông qua tư cách pháp nhân của các HTX và Hiệp hội và được bán về các siêu thị, đại lý, các sàn giao dịch điện tử trên toàn quốc. Còn lại, một lượng sản phẩm rất nhỏ được bán tại chỗ và tiểu thương quanh vùng. Giám đốc HTX trồng cam VietGap xã Vĩnh Hảo, Hoàng Quyết Thắng cho biết: Không có tư cách pháp nhân, thì sẽ không thể đại diện bán hàng trên các trang mạng, sàn giao dịch và các siêu thị lớn. Bởi thế, vai trò bán hàng trong mùa thu hoạch cam Sành vừa qua đã trao cho các HTX và Hiệp hội cam Sành Bắc Quang đảm nhận. Một xu hướng sản xuất bền vững mới được thiết lập đó là, người trồng cam phải có sự bắt tay nhau tham gia vào HTX và liên kết trong Hiệp hội cam Sành Bắc Quang để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Còn vai trò chính của các HTX và Hiệp hội trồng cam là định hướng sản xuất. Trong đó, định hướng cả công tác quy hoạch vùng trồng, ổn định về diện tích, sản lượng và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi. Các HTX, Hiệp hội lo tìm kiếm thị trường và giao dịch bán hàng; người nông dân chuyên lo sản xuất và tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất tạo ra những sản phẩm cam Sành chất lượng tốt nhất cho tiêu dùng.

Xét về mặt bằng giá và thị trường tiêu dùng hiện tại cho thấy, giá bán cam Sành cuối vụ tăng cao đã làm nảy sinh tư tưởng chạy đua tìm mua đất để mở rộng diện tích trồng cam Sành ở các xã. Tuy nhiên, ước vọng mở rộng diện tích trồng cam ngay trong lúc này cần cân nhắc kỹ 2 điều đó là: Tránh mở rộng diện tích trồng cam ồ ạt làm cho nguồn cung vượt với nhu cầu tiêu dùng gây ra tình trạng được mùa, mất giá bán. Tránh kiểu cách “ăn sổi ở thì” làm giảm mất chất lượng sản phẩm, giảm mẫu mã gây khó khăn cho tiêu thụ. Không bao giờ sản xuất theo kiểu phong trào như vài năm trước kia để tránh rủi ro. Song, thực tiễn vẫn còn nhiều địa phương đang có hiện tượng phát trắng đồi, rừng để trồng cam. Có nơi, người dân vẫn vội vàng đưa cây cam xuống ruộng. Cách làm trên trong lúc này không còn là cách làm khôn ngoan, cần được chấn chỉnh kịp thời.

Thực tiễn thu hoạch cam vừa đây cho thấy, Bắc Quang chỉ cần giữ ổn định diện tích cam hiện có. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm soát để tránh phát triển tràn lan. Hãy tuân thủ nghiêm ngặt về quy hoạch vùng trồng, giữ ổn định về diện tích để làm ra quả cam Sành có chất lượng tốt nhất, mẫu mã đẹp nhất mới là cách để phát triển trồng cây cam Sành bền vững cho cả trước mắt và mai sau.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đánh thức hương chè Nậm An
BHG - Cây chè cổ thụ ở Nậm An ước đã có vài trăm năm tuổi. Người già trong bản Dao Nậm An nhớ đến đời cháu Triệu Chàn Vinh làm chè đã là đời thứ 8, thứ 9 gì đó, thế nhưng cây chè vẫn ra đầy búp, đầy lộc ở khắp trên các đồi, vườn và trong rừng nguyên sinh Phìn Hồ. Và cũng thật vui đến đời cháu Vinh làm chè, cháu nó mới đưa được lộc hái từ cây chè của bản trở thành một loại hàng hóa quý, được cả thế giới công nhận...
25/03/2022
Viên Anh Minh với mô hình trồng dâu tây hữu cơ gắn với du lịch trải nghiệm

BHG - Thời gian gần đây lên Quản Bạ du lịch, địa điểm được giới thiệu tham quan ngoài khu du lịch nghỉ dưỡng H’Mông Village; làng du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm thì khu vườn dâu tây hữu cơ đang cho độ thu hái của chàng trai trẻ Viên Anh Minh, sinh năm 1995 ở xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ) cũng được nhiều người ghé tham quan trải nghiệm và thu hái dâu tây.

25/02/2022
Yên Minh linh hoạt cải tạo vườn tạp
BHG - Theo Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh và Đề án cải tạo vườn tạp (CTVT) của tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 toàn tỉnh phấn đấu cải tạo 6.500 vườn tạp, trong đó huyện Yên Minh cải tạo ít nhất 270 vườn (100 vườn của hộ nghèo, 170 vườn hộ cận nghèo). Với sự vào cuộc quyết liệt và cách làm linh hoạt, hết năm 2021 toàn huyện đã có 342 hộ CTVT.
24/03/2022
Độc đáo mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi”
BHG - Được triển khai từ cuối năm 2020, mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi” tại huyện Hoàng Su Phì mở ra một hướng đi mới cho cây trồng thế mạnh của địa phương, góp phần đa dạng hóa phương thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập.
23/03/2022