Hà Giang

Nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích canh tác

19:50, 02/02/2023

BHG - Với phương châm lấy giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác làm thước đo hiệu quả kinh tế, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, ngành Nông nghiệp đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao khoa học công nghệ; nhằm đạt mục tiêu giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/đơn vị diện tích đất canh tác năm 2023 đạt 62 triệu đồng.

Mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây dược liệu cho thu nhập cao của người dân thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì).
Mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây dược liệu cho thu nhập cao của người dân thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì).

Năm vừa qua, với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của các cấp và ngành chuyên môn, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta tiếp tục được mùa; diện tích, năng suất, sản lượng các cây trồng chính đều tăng so với năm 2021. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm đạt 177.414 ha, tăng 318 ha so với năm trước. Tổng sản lượng lương thực đạt 419.972 tấn, tăng 2.260 tấn so với năm 2021. Các địa phương đã chủ động rà soát, chuyển đổi 114,17 ha diện tích đất lúa không chủ động được nước tưới sang trồng ngô, lạc, rau, đậu để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ được 2.325 vườn, cho thu nhập bình quân 18,8 triệu đồng/hộ/năm (cao gấp 2-3 lần so với thời điểm trước khi cải tạo vườn tạp). Năm 2022, giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/đơn vị diện tích đất canh tác đạt 59,5 triệu đồng. Thu nhập của người dân sản xuất nông nghiệp được nâng lên đáng kể.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Với mục tiêu phấn đấu thực hiện vượt chỉ tiêu nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác giai đoạn 2021 – 2025 trước 2 năm, (theo Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 9.12.2020: Đến năm 2025 giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 60 triệu đồng); ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương xác định rõ các cây trồng có lợi thế, có thị trường; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các loại nông sản chủ lực và sản phẩm hàng hóa có thương hiệu.

Vụ Xuân 2023, các huyện, thành phố đã chủ động bố trí lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ và giống để giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Chủ động trong công tác chuẩn bị về giống, phân bón, vật tư nông nghiệp và xử lý kịp thời khi thời tiết bất thường xảy ra. Tăng cường sử dụng các giống mới phù hợp với điều kiện canh tác cũng như điều kiện tự nhiên của địa phương, trong đó ưu tiên sử dụng các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, nhằm mang lại giá trị cao cho sản xuất. Chủ động rà soát diện tích đất ruộng không chủ động nước để có kế hoạch chuyển đổi cây trồng hợp lý, hiệu quả; xây dựng phương án cải tạo, bảo vệ đất trồng; tuyệt đối không để đất bị bỏ hoang.

Để đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa theo đúng quy hoạch, định hướng của tỉnh; các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng lớn để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, chuyên canh. Rà soát, điều chỉnh và tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển cây trồng chủ lực, có lợi thế theo vùng quy hoạch. Khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp và người nông dân thực hiện việc góp vốn cổ phần, liên kết sản xuất bằng đất đai. Ưu tiên bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ tái định cư và các hộ dân thiếu đất sản xuất.

Bên cạnh các giải pháp về đất đai, về giống, phân bón, bảo vệ thực vật, ngành Nông nghiệp cũng tăng cường hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác đầu tư thâm canh; thực hiện chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn (VietGAP, hữu cơ…); tăng cường áp dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất. Luân canh cây trồng, bố trí cơ cấu giống và khung thời vụ hợp lý, góp phần tổ chức lại sản xuất cho người dân theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng những công trình thuỷ lợi để phục vụ sản xuất, đồng thời xây dựng mới hệ thống kênh mương, đập tràn đảm bảo nước tưới cho cây trồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Hải Lý, cho biết: Ngành đã chủ động tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Lồng ghép các chương trình để tăng cường đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ sản xuất cho nhân dân trong các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản. Đẩy mạnh cơ chế liên kết hợp tác 4 nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và quản lý chất lượng sản phẩm nông sản, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đạt mục tiêu giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/đơn vị diện tích đất canh tác đạt 62 triệu đồng vào cuối năm 2023.

Bài, ảnh:  NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tươi mới Nông thôn mới
BHG - Là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) được tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) kỳ vọng sẽ mang làn gió tươi mới hơn cho “tam nông” phát triển bền vững.
31/01/2023
Giá xăng tăng gần 1.000 đồng mỗi lít
Giá bán lẻ xăng và dầu đều tăng từ 19h ngày 30/1, sớm hơn hai ngày so với chu kỳ thông thường.
31/01/2023
Mỹ Tân mùa Xuân về
BHG - Mỗi độ Xuân về, làng quê Mỹ Tân, xã Tân Quang (Bắc Quang) lại khoác lên mình diện mạo tươi mới, tràn đầy nhựa sống; trở thành minh chứng quan trọng cho tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo của người dân nơi đây trên hành trình bứt phá, đưa Mỹ Tân trở thành điển hình “Thôn xóm bình yên – Phát triển toàn diện”
30/01/2023
Góp nhành Xuân tô đẹp miền cực Bắc
 - Mặc dù đối diện không ít khó khăn, thách thức trong cân đối thu – chi, đảm bảo nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính; song, với tâm thế sẵn sàng, chủ động, linh hoạt, trách nhiệm cao, ngành Tài chính đã nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) ở mức cao nhất. Qua đó, góp phần đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện miền cực Bắc.
30/01/2023