Đột phá giảm nghèo ở Bắc Quang

15:25, 06/02/2023

BHG - Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới trên địa bàn huyện Bắc Quang giảm tới 4,41%, đạt 292% so với chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao và đạt 176% chỉ tiêu UBND huyện giao. Đây là thành quả quan trọng minh chứng cho sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong thực hiện giảm nghèo bền vững có trọng tâm, trọng điểm và mang tính đột phá.

Sản xuất giấy Bản giúp đồng bào Dao thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang giữ nghề truyền thống, nâng cao thu nhập.
Sản xuất giấy Bản giúp đồng bào Dao thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang giữ nghề truyền thống, nâng cao thu nhập.

Trưởng Phòng Lao động – TB&XH huyện Bắc Quang Nguyễn Xuân Hải cho biết: Năm 2022, đơn vị đã tham mưu cấp ủy, chính quyền huyện chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện công tác giảm nghèo, ban hành hướng dẫn xây dựng khung kế hoạch giảm nghèo. Đồng thời, tiến hành thẩm định kế hoạch giảm nghèo của 23/23 xã, thị trấn với yêu cầu bám sát hướng dẫn khung kế hoạch giảm nghèo, xác định rõ thiếu hụt của từng hộ có thể thoát nghèo để hỗ trợ. Trên cơ sở đó, các xã lồng ghép nguồn lực hỗ trợ hộ dân phát triển sản xuất, sinh kế, xây dựng nhà vệ sinh, bể nước hoặc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách (TDCS), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Bắc Quang tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền huyện bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương (1 tỷ đồng/năm) ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng TDCS trên địa bàn toàn huyện; khai thác các nguồn lực để bổ sung nguồn vốn cho vay, tập trung rà soát đối tượng vay nhằm hỗ trợ kịp thời cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Trong năm 2022, toàn huyện có 3.078 lao động, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn TDCS ưu đãi của Nhà nước với số tiền hơn 123,7 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống...

Cùng với kết quả trên, huyện Bắc Quang còn có nhiều cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất phù hợp, có sự tham gia của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như: Trồng 68 ha lạc và Dưa hấu trên diện tích đất ruộng 1 vụ tại các xã, thôn vùng III; sản xuất 16,22 ha gạo hữu cơ ứng dụng chuyển đổi số tại xã Quang Minh, Vĩnh Phúc, Đồng Yên; liên kết “4 nhà” thực hiện trồng 5,3 ha sả Srilanca gắn với chưng cất tinh dầu tại xã Quang Minh; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa nếp thơm theo hướng hữu cơ gắn với chuyển đổi số, quy mô 9 ha tại xã Hữu Sản; liên kết sản xuất, cấp chứng nhận VietGAP và xây dựng sản phẩm OCOP Thanh long ruột đỏ tại xã Đồng Yên...

Không dừng ở kết quả trên, huyện Bắc Quang còn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. Nổi bật trong đó, nhằm thực hiện công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2022, huyện Bắc Quang phối hợp với đơn vị liên quan và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tổ chức 23 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức Hội chợ giới thiệu việc làm trong và ngoài nước, thu hút hàng nghìn người tham gia. Thông qua hội chợ, có 118 người đăng ký học nghề, 512 lao động đăng ký đi làm việc, 154 người được tuyển dụng trực tiếp vào làm việc tại các khu công nghiệp trong nước; góp phần nâng tổng số lao động được giải quyết việc làm mới lên gần 3.400 người. Đặc biệt, huyện Bắc Quang còn huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, hỗ trợ 338 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố từ nguồn kinh phí xã hội hóa trên 18 tỷ đồng và gần 17.000 ngày công...

Có thể khẳng định, thông qua những quyết sách quan trọng trên, huyện Bắc Quang đã phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc ta đối với người nghèo; động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Minh chứng cho thấy, năm 2022, toàn huyện giảm 1.285 hộ nghèo với tỷ lệ giảm 4,41%, đạt 292% so với chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao (440 hộ), đạt 176% chỉ tiêu UBND huyện giao (730 hộ). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều mới của huyện Bắc Quang giảm còn 12,84%; số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 8,16% và số hộ không nghèo chiếm 79%.

Bài, ảnh:  THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giá xăng tăng gần 1.000 đồng mỗi lít
Giá bán lẻ xăng và dầu đều tăng từ 19h ngày 30/1, sớm hơn hai ngày so với chu kỳ thông thường.
31/01/2023
Tươi mới Nông thôn mới
BHG - Là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) được tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) kỳ vọng sẽ mang làn gió tươi mới hơn cho “tam nông” phát triển bền vững.
31/01/2023
Góp nhành Xuân tô đẹp miền cực Bắc
 - Mặc dù đối diện không ít khó khăn, thách thức trong cân đối thu – chi, đảm bảo nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính; song, với tâm thế sẵn sàng, chủ động, linh hoạt, trách nhiệm cao, ngành Tài chính đã nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) ở mức cao nhất. Qua đó, góp phần đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện miền cực Bắc.
30/01/2023
Mỹ Tân mùa Xuân về
BHG - Mỗi độ Xuân về, làng quê Mỹ Tân, xã Tân Quang (Bắc Quang) lại khoác lên mình diện mạo tươi mới, tràn đầy nhựa sống; trở thành minh chứng quan trọng cho tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo của người dân nơi đây trên hành trình bứt phá, đưa Mỹ Tân trở thành điển hình “Thôn xóm bình yên – Phát triển toàn diện”
30/01/2023